Hấp dẫn du lịch trải nghiệm nông nghiệp
Mộc Châu với hơn 2.150ha chè, hơn 3.000ha rau màu, trên 10.400ha cây ăn quả cùng với vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trở thành địa điểm lý tưởng cho du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Huyện Mộc Châu tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các mô hình dịch vụ nhằm phát triển du lịch sinh thái với nhiều địa điểm được du khách biết tới, như: Du lịch trải nghiệm vùng chè tại Làng chè của Vinatea Mộc Châu, đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, đồi chè Mộc Sương; trải nghiệm hái dâu tây tại Chimi Farm, Hoa Mộc Châu Farm; trải nghiệm mùa hoa, mùa hái quả tại thung lũng mận Nà Ka, thung lũng mận Mu Náu; trải nghiệm chăm sóc bò sữa tại Dairy Farm...
Tại huyện Mai Sơn, “thủ phủ” dâu tây Cò Nòi với vùng chuyên canh dâu tây hàng trăm hecta được trồng mỗi năm, là địa điểm hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm hái quả. Các trang trại tổng hợp, vườn nho, vườn cam, sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp dịch vụ tham quan, ăn uống đang được hình thành và phát triển, giúp hỗ trợ nông nghiệp tại Mai Sơn thêm lực phát triển.
Đến Bắc Yên, ngoài săn mây Tà Xùa, trải nghiệm Sống lưng khủng long, du khách còn được trải nghiệm khung cảnh ngoạn mục của Xím Vàng mùa lúa chín với hơn 300ha ruộng bậc thang, hay thăm quần thể cây di sản với hơn 200 cây chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, còn có vùng trồng xoài ở Yên Châu, vùng trồng nhãn Sông Mã, vùng lúa ở cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên, nuôi cá lồng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Cùng với đó là 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng trồng xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp đặc hữu vùng miền, 151 sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3-5 sao, là yếu tố tạo thêm sức hút cho du lịch Sơn La.
Thu hút du khách từ các lễ hội nông sản
Những năm gần đây, Sơn La tạo dấu ấn với các lễ hội gắn với các mùa hoa, mùa quả tại các địa phương, trở thành những sự kiện xuyên suốt trong năm.. Đây vừa là dịp để quảng bá nông sản của tỉnh vừa là cơ hội để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của du lịch Sơn La.
Với hơn 20.000 ha, Sơn La là vùng trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Năm 2023, Lễ hội Cà phê tỉnh Sơn La lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Arabica Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc” là sự kiện quy mô và mang ý nghĩa lớn trong việc quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La, đồng thời cũng tạo hiệu ứng tốt để quảng bá cho du lịch Sơn La, nhất là hoạt động trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê đã tạo sự liên kết hỗ trợ phát triển du lịch ở vùng trồng cà phê.
Không ít lễ hội trong mùa quả chín tại các huyện trong tỉnh đã được duy trì tổ chức nhiều năm nay, trở thành điểm nhấn ấn tượng trên hành trình du lịch khám phá miền đất Sơn La. Tiêu biểu như Ngày hội hái quả mận hậu huyện Mộc Châu duy trì từ năm 2014 đến nay, trở thành sự kiện văn hóa - du lịch thường niên của huyện. Còn tại vùng đất của chuối ngọt, xoài thơm Yên Châu, cứ đến tháng 6 hằng năm, người người lại nô nức về đây tham dự ngày hội xoài và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn.
Huyện Sông Mã có ngày hội nhãn tổ chức thường niên gắn với các hoạt động văn hóa sôi động và khởi hành xuất khẩu sản phẩm nhãn Sông Mã. 2 năm qua, huyện Mường La duy trì tổ chức Lễ hội hoa sơn tra, tạo nên sự kiện thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm du lịch “miền cổ tích” Ngọc Chiến. Ngoài ra, còn có “Lễ hội mùa vàng” tại huyện vùng cao Bắc Yên, Ngày hội trà Mộc Châu, Ngày hội cam (Phù Yên); Ngày hội cà phê (Mai Sơn)… đã và đang giúp quảng bá, tiêu thụ nông sản Sơn La và tạo hiệu ứng kép quảng bá du lịch của tỉnh.
Phát triển du lịch xanh và bền vững
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp thế mạnh được tỉnh ta định hướng cụ thể. Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2026 đã đưa ra 4 nhóm chính sách, gồm: Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Chính sách đã khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia phát triển du lịch, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng.
Năm 2021, UBND tỉnh quyết định phê duyệt Đồ án “Quy hoạch phân khu bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng huyện Mộc Châu” gồm các khu đồi chè, đồng cỏ trong vùng đô thị, phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng hướng đến loại hình du lịch xanh, bền vững gắn với nông nghiệp thế mạnh. Mới đây, hội nghị xúc tiến du lịch với chủ đề “Định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu xanh và bền vững” đã được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động Lễ công bố quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tập trung bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Đồng thời, ký cam kết giữa các công ty, doanh nghiệp du lịch về tăng cường hợp tác phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp thế mạnh đã cho thấy hiệu quả bền vững. Đặc biệt là nông nghiệp xanh với các phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP càng là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách. Từ đó hình thành nên các sản phẩm du lịch sinh thái - trải nghiệm, thân thiện và bảo vệ môi trường, giúp du lịch Sơn La phát triển theo đúng định hướng “xanh và bền vững”.
Bài, ảnh: Thanh Đào
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-nong-nghiep-the-manh-a8257.html