Vén màn bí mật công ty chưa được cấp phép đã sản xuất thực phẩm chức năng

Liên quan đến những nghi vấn xoay quanh việc Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Hưng Long (ở Thái Nguyên) sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng khi chưa được cấp phép, phóng viên Báo Lao Động tiếp tục ghi nhận những thông tin bất ngờ.

thuc-pham-chuc-nang-03-2-1704037750.jpg
Địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Hưng Long chỉ có biển hiệu bán sơn, thường xuyên cửa đóng then cài, không có dấu hiệu hoạt động của doanh nghiệp. Ảnh: PV

Nhiều dữ liệu trùng khớp với nội dung tố cáo

Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Hưng Long (Phúc Hưng Long) được thành lập ngày 4.1.2019, có địa chỉ trụ sở chính tại Tổ 22, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm (bán buôn thực phẩm chức năng). Thời điểm ban đầu thành lập, vốn điều lệ Phúc Hưng Long đạt 30 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập được chia đều mỗi người 33,33% cho các cá nhân bao gồm ông Đỗ Ngọc Luật, ông Đào Ngọc Bính và ông Đỗ Ngọc Măng.

Ông Đào Ngọc Bính (sinh năm 1981) đồng thời được giới thiệu đảm nhiệm vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty Phúc Hưng Long.

Ngoài ra, ông Bính còn là chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Phúc Thiên Long (tiền thân là Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Xuất nhập khẩu Âu Lạc).

Doanh nghiệp này được thành lập tháng 11.2017, vốn điều lệ 2 tỉ đồng, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng chuyên kinh doanh.

Tuy nhiên, đến tháng 10.2018, Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Phúc Thiên Long thay đổi ngành nghề kinh doanh chính thành khai khoáng (nhóm này gồm: Khai thác mỏ và khai thác khoáng chất và nguyên vật liệu khác chưa được phân vào đâu như nguyên liệu làm đá mài, đá quý, các khoáng chất, đá quý, bột thạch anh...).

Cập nhật tại thời điểm tháng 10.2018, tổng số lao động tại Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Phúc Thiên Long là 11 người.

Ngoài ra, vào tháng 4.2019, ông Đỗ Ngọc Măng còn đồng hành với ông Đào Ngọc Bính sáng lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Flyway CMB, có vốn điều lệ lên đến 600 tỉ đồng.

Bất ngờ hơn, nhiều thông tin mà phóng viên Báo Lao Động độc lập khai thác lại trùng khớp với những thông tin mà các nạn nhân (bà Lê Ngọc Mai, ông Lê Minh Trí ở huyện Thiệu Hóa - tỉnh Thanh Hóa) đưa ra, liên quan đến nghi vấn công ty sản xuất thực phẩm chức năng khi chưa cấp phép.

Ông Măng, ông Bính cũng chính là những người nhận số tiền 800 triệu đồng góp vốn từ ông Trí và bà Mai, sau đó "cắt liên lạc" với họ, khiến họ phải viết đơn kêu cứu, tố cáo khắp nơi.

thuc-pham-chuc-nang-1704037750.jpg
Hình ảnh các sản phẩm thực phẩm chức năng “Hen Hưng Long“, “Xoang Hưng Long” được gửi đến bà Mai và ông Trí để bán. Trong ảnh là những sản phẩm bà Mai còn giữ lại. Ảnh: PV

Bí ẩn công ty đăng ký kinh doanh mà không hoạt động?

Theo nguồn tin của Lao Động, vào khoảng tháng 2.2023, Công ty Phúc Hưng Long bị cơ quan Thuế ra quyết định phong tỏa hoá đơn và mã số thuế do không còn hoạt động ở địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Trên thực tế, ghi nhận của phóng viên vào thời điểm tháng 12.2023, tại địa chỉ trụ sở chính theo đăng ký kinh doanh là Tổ 22, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, không hề có biển hiệu hay hoạt động nào của Công ty Phúc Hưng Long mà chỉ có biển hiệu một cửa hàng bán sơn.

Chia sẻ với phóng viên, nhiều người dân khu vực xung quanh địa chỉ này tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về một công ty buôn bán thực phẩm chức năng có tên Phúc Hưng Long.

"Chưa bao giờ tôi thấy có công ty buôn bán thực phẩm chức năng nào hoạt động ở đây cả. Cửa hàng bán sơn này cũng tồn tại ở đây rất lâu rồi" - một người bán hàng tại khu vực sát địa chỉ này cho biết.

"Tôi bán thuốc nhiều năm rồi mà cũng không thấy có công ty thực phẩm chức năng nào ở khu vực này cả" - một người bán thuốc ở gần địa chỉ Công ty Phúc Hưng Long đăng ký kinh doanh cũng cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, ngôi nhà tại địa chỉ trên thuộc sở hữu của ông Đỗ Ngọc Măng. Nhiều ngày quan sát, phóng viên nhận thấy ngôi nhà trên khá im ắng, thường xuyên cửa đóng then cài, càng không có hoạt động của doanh nghiệp.

Vậy mà, các đại diện của công ty Phúc Hưng Long đã kêu gọi hùn vốn đầu tư, sản xuất thực phẩm chức năng rồi vận chuyển, tìm kiếm đầu mối buôn bán kinh doanh rầm rộ. Để khi phát hiện ra bất thường, những nạn nhân của cuộc kêu gọi vốn như bà Lê Ngọc Mai, ông Lê Minh Trí (ở Thiệu Hóa - tỉnh Thanh Hóa) mạnh dạn từ chối buôn bán các sản phẩm thực phẩm chức năng "lạ" mà công ty này sản xuất, nhận về nhiều rủi ro trong việc lấy lại số tiền đóng góp.

Thời điểm tham gia "góp vốn" 800 triệu đồng vào việc sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng theo lời các đại diện của Công ty Phúc Hưng Long kêu gọi, ông Lê Minh Trí đã có lần đến tận trụ sở công ty và thắc mắc về việc công ty không có biển hiệu, không hoạt động, không hề đưa tên ông Trí vào danh sách cổ đông như đã hứa. Thế nhưng, ông Trí cho biết những câu trả lời từ phía ông Bính, ông Măng đều không rõ ràng.

Việc Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Hưng Long thành lập và không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn ngấm ngầm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng đặt ra nghi vấn về một "công ty ma" được lập nên nhằm kêu gọi đầu tư, góp vốn, mà mục đích cuối cùng có thể là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Nhóm PV

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ven-man-bi-mat-cong-ty-chua-duoc-cap-phep-da-san-xuat-thuc-pham-chuc-nang-a7839.html