Đèo Mã Phục thuộc xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hoà. Có chiều dài hơn 3,5km ở độ cao 700m so với mực nước biển.
Qua 7 tầng dốc, đây là một trong những con đèo đẹp nhất Cao Bằng. Mã Phục được xếp vào di sản địa chất của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, do UNESCO công nhận.
Vẻ đẹp của cung đường này còn thể hiện từ ngay dưới chân đèo. Vị trí chân đèo là đoạn đường thẳng tắp, dốc thoải cùng ruộng hoa màu 2 bên xanh rì tạo nên không gian lý tưởng.
Chính lý do này khiến rất nhiều du khách và cả người dân địa phương không ngần ngại dừng, đỗ xe, và chụp ảnh tại chân đèo (thuộc xã Nguyễn Huệ, huyện Hoà An). Thậm chí, nhiều nhóm khách còn dàn hàng ngang với số lượng cả chục người.
Theo ghi nhận, tại đây chưa hề có điểm ngắm cảnh hay bãi đỗ xe an toàn dành cho những du khách muốn chụp ảnh, dừng nghỉ.
Thế nhưng xe ôtô của nhiều người vẫn cố tình đỗ chiếm cả 1/2 lòng đường. Đoạn đường này là đường 1 chiều, hướng các phưng tiện di chuyển từ TP Cao Bằng đi đèo Mã Phục.
Theo chia sẻ của nhiều tài xế xe tải trên địa bàn, việc du khách vô tư dừng đỗ, dàn hàng chụp ảnh tại vị trí chân đèo Mã Phục tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.
"Xe công (container) chạy qua đây rất nhiều. Vị trí này lại đang lên dốc, các tài xế sẽ xử lý ra sao khi lòng đường toàn người đứng ngồi chụp ảnh và đỗ xe chiếm cả nửa lòng đường như thế" - một tài xế nêu ý kiến.
Chị Tô Thị Ngoan (38 tuổi, người dân xã Nguyễn Huệ) chia sẻ: "Cung đường này rất đẹp để ngắm nhìn, chụp ảnh. Nhưng nhiều người lại đứng chụp ảnh rất lâu thì nguy hiểm quá, nhất là mỗi khi có xe to đi đến".
Một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại Cao Bằng bày tỏ, với vẻ đẹp tại chân đèo Mã Phục, họ mong trong thời gian tới địa phương có thể quy hoạch xây dựng một điểm check-in ngắm cảnh, bãi đỗ xe ở vị trí thuận tiện, từ đó khai thác tối đa tiềm năng du lịch của địa phương.
Trao đổi với PV, Trung tá Hà Hồng Thái - Trưởng Công an xã Nguyễn Huệ thông tin, đoạn chân đèo có cảnh đẹp nên một số người dân, du khách hiếu kỳ đứng lại chụp ảnh.
Về vấn đề có đặt biển cấm dừng đỗ xe hay không, Trung tá Thái cho biết, việc này thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng cấp tỉnh.
Địa hình của tỉnh Cao Bằng có đến trên 90% là núi rừng, rất nhiều cung đường đèo ở đây nổi tiếng xa gần về độ hùng vĩ như: Nà Tềnh, Khau Cốc Chà (dốc 14 tầng), Mã Phục... nhưng bên cạnh đó, có không ít con đèo dài, hay xảy ra tai nạn giao thông.
Mới đây, ngày 10.11, tại khu vực đèo Khau Múc (huyện Thạch An), một sự cố mất phanh khiến 2 người trên phương tiện thương vong. Hay như trước đó 2 tháng, cũng tại Thạch An, 1 người đã tử vong sau tai nạn trên đèo Đá Xẻ.