Thiên nhiên dường như đặc biệt ưu ái với Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) khi ban tặng cho mảnh đất cao nguyên nằm ở độ cao trên 2.000m này quá nhiều cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong đó, say lòng du khách, nhất là các phượt thủ là những cung đường uốn lượn, những cánh rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng, những thửa ruộng bậc thang trải dài theo sườn núi hình vòng cung vô cùng quyến rũ với những mùa lúa chín vàng óng. Ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, Y Tý còn có nhiều loài cây và hoa đặc trưng, như: đỗ quyên, đào rừng, sơn tra, phong lá đỏ và các loài thảo dược quý hiếm…
Đến Y Tý, du khách còn có cơ hội đắm mình vào những lễ hội vô cùng độc đáo mang bản sắc riêng biệt của dân tộc Hà Nhì đen. Lễ hội Khô Già Già (Lễ hội Cầu mùa) của người Hà Nhì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014; Lễ Gạ Ma Do (Cúng rừng)...
Đặc biệt nhất, khiến "Y Tý" nổi danh với tên gọi "vùng đất của sương mù” hay "thiên đường mây" là bởi vùng đất tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San, gần như quanh năm mây phủ. Đỉnh Lảo Thẩn cao 2.860 m được ví như “Nóc nhà Y Tý” với vẻ đẹp nguyên sơ, là 1 trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Cùng với rừng nguyên sinh Dền Sáng - địa điểm được ví như là “rừng treo” trên núi cao, đỉnh Lảo Thẩn là những địa điểm cực cuốn hút với những ai đam mê loại hình du lịch thể thao mạo hiểm.
Trong hành trình trải nghiệm Y Tý, du khách cũng có cơ hội khám phá các thác nước hùng vĩ, như: thác Xanh, Thiên Sinh, Lao Chải, Hồng Ngài.
Y Tý cũng là điểm tham quan hấp dẫn với cầu Thiên Sinh - cây cầu quốc tế ngắn nhất nối hai nước Việt Nam và Trung Quốc.Qua cầu Thiên Sinh tới cột mốc biên giới 87, mốc 92 – Lũng Pô ”- mang ý nghĩa lịch sử, địa lý- nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”; công viên Choản Thèn - cây hạnh phúc, là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách; Danh thắng ruộng bậc thang Thề Pả được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia từ năm 2015…
Du khách còn có thể ghé qua chợ Mường Hum để đi chợ phiên tìm hiểu về cuộc sống của con người nơi đây, thăm những ngôi nhà có kiến trúc vô cùng độc đáo, lạ mắt của người Mông, Hà Nhì.
Thông thường trong năm có 2 thời điểm được coi là lý tưởng nhất để đến với "thiên đường mây": Từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 bởi vào thời điểm này, Y TÝ khoác lên mình màu áo vàng ruộm của những đồng lúa đang vào vụ thu hoạch. Y Tý mùa lúa chín được liệt vào danh sách những địa điểm “săn lúa chín” đẹp nhất vùng Tây Bắc; Từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau là thời điểm cực kỳ thích hợp để săn mây.
Tiềm năng du lịch của "thiên đường mây" là rất lớn, nhưng để phát huy hết được tiềm năng ấy, không chỉ là khai thác những gì thiên nhiên đã sẵn có ban tặng. Tháng 7/2020, UBND tỉnh Lào Cai đã công bố quy hoạch Y Tý trở thành đô thị du lịch đầu tiên ở vùng biên giới phía bắc tỉnh Lào Cai, theo hướng sẽ hình thành một khu đô thị du lịch, hành chính mới mang tên Ý Tý, phát triển phân thành hai vùng, bảy phân khu rõ rệt, bao gồm khu bảo tồn, phát triển du lịch cộng đồng; khu công viên chuyên đề và du lịch nghỉ dưỡng; khu thể thao, nghỉ dưỡng; khu trung tâm hành chính; khu du lịch thực nghiệm, khám phá thiên nhiên; khu phát triển đô thị; khu phát triển, sản xuất nông - lâm nghiệp.
Đô thị Y Tý nằm trong tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2040; thuộc chương trình nâng cấp đô thị theo Đề án "Phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030".
Tháng 7/2022, UBND tỉnh Lào Cai và huyện Bát Xát tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng đô thị du lịch Y Tý. Đây là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, triển khai đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển đô thị du lịch Y Tý.
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Lào Cai, khu đô thị du lịch Ý Tý nằm trong địa giới hành chính xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trên diện tích hơn 8.600ha, trong đó tập trung phát triển đô thị vùng lõi hơn 3.100ha.
Đây không chỉ là động thái quan trọng, đánh thức tiềm năng để Y Tý phát triển mạnh mẽ, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm (tăng gần gấp đôi so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%... mà còn đánh thức tiềm năng du lịch miền biên giới của Lào Cai.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và hoàn thành mục tiêu phát triển Y Tý thành đô thị du lịch lớn của tỉnh, năm 2023, UBND huyện Bát Xát cũng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Đề án “Phát triển du lịch Y Tý và các vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch đến Y Tý đạt 250.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 550 tỷ đồng; đến năm 2030, tổng lượng khách du lịch đến Y Tý đạt 1 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng (mức chi tiêu 4.800k/lượt khách); đến năm 2050, Y Tý trở thành đô thị du lịch lớn của tỉnh cũng như của khu vực Tây Bắc với đa dạng các loại hình du lịch và các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp.
Sau quy hoạch, du lịch Y Tý đã có những bước phát triển ngoạn mục. Nếu như năm 2016, Y Tý chỉ đón được 8.000 lượt khách, thì đến năm 2022, đã đón 40.055 lượt khách. Tốc độ tăng trưởng trung bình về khách du lịch giai đoạn 2016 - 2022 đạt trên 40%/năm. Năm 2022 lượng khách đến với Y Tý đạt 40.055 lượt khách, doanh thu đạt trên 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để tạo đà cho du lịch Y Tý phát triển hơn nữa, đặc biệt là biến những mục tiêu trong quy hoạch thành hiện thực, vẫn có nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ, trong đó cần kíp nhất là cải thiện hạ tầng giao thông. Việc nhiều dự án kết nối với Y Tý đang được chính quyền Lào Cai quyết liệt triển khai cho thấy những tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội để du lịch Y Tý phát triển.
Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, có lợi thế so sánh đặc biệt để phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch miền biên giới, do nằm trên trục hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và có khu du lịch quốc gia Sa Pa nổi tiếng... Từ những lợi thế này, liên tiếp trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh đều xác định chọn "Du lịch dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng của nền kinh tế”. Trong đó đặc biệt chú ý về bản sắc văn hóa của 25 dân tộc anh em, xem đây là nguồn lực nhân văn quan trọng để phát triển du lịch.
Tầm nhìn của du lịch Lào Cai cũng được xác định: “Đến năm 2050, Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực”.
Từ tầm nhìn đó, Lào Cai xác định những giá trị cốt lõi trong phát triển du lịch. Đó là điểm đến hàng đầu, trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đặc biệt là du lịch trải nghiệm thiên nhiên, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa dân tộc vùng núi.
Tầm nhìn ấy, cùng với việc xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ cấp bách để góp phần đưa du lịch Lào Cai phát triển nhanh hơn nữa. Thông qua xây dựng Chiến lược giúp cho tỉnh nhìn nhận thấu đáo, rõ định hướng, dự báo chính xác xu hướng phát triển du lịch của Lào Cai trong giai đoạn tới. Trong đó, chắc chắn không thể thiếu "nhiệm vụ" "đánh thức" mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng du lịch miền biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Lào Cai.
Đức Toàn
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/y-ty-tu-thien-duong-may-den-khu-do-thi-du-lich-va-tiem-nang-du-lich-bien-gioi-cua-lao-cai-a7650.html