Nằm cách quốc lộ 6 hơn 3 km, bản Bướt trước kia chỉ có hơn chục nóc nhà người Thái, người Mường chụm vào nhau trong thung lũng, có suối lớn chảy ngang qua, xung quanh rừng bao bọc. Bản không có điện, không Internet, không có đường và cũng không có trạm y tế. Người dân sống dựa vào một vụ lúa, tôm cá từ suối, hái lượm sản vật từ rừng.
Dòng suối chảy qua bản Bướt có hơn chục loài tôm cá, nhiều nhất là pa chạt thân bằng hai ngón tay. Đầu mùa hạ mưa nhiều, cá tôm ngược về đầy suối. Dân đi rừng, đi ruộng về chỉ cần xúc vài mẻ là đủ bữa ăn. Cho đến những năm 2010, nóc nhà tăng lên gần 50 với khoảng 200 người. Cá suối Bướt được đánh bắt nhiều và đem ra chợ bán. "Cá tôm vì thế cứ vơi dần, cầm chiếc đó đi từ đầu đến cuối suối không xúc nổi một đĩa", ông Hà Công Khoa, đội trưởng sản xuất bản Bướt, kể.
Để bảo vệ tôm cá, trưởng bản quyết định đánh kẻng triệu tập dân làng. Đêm mùa đông năm 2010, ông Khoa cũng như hàng trăm người dân bản Bướt soi đèn dầu đến nhà trưởng bản Lò Văn Nhiêu. Cuộc họp bàn để ra quy định không cho bắt cá suối trong 3 km có suối Bướt chảy qua, ngoài phạm vi ấy thì được. Ai vi phạm phải chịu phạt 20 cân thóc.
Đêm đó có người phản đối, cho rằng bắt một con cá phạt 20 cân thóc là quá nhiều. Núi rừng bao bọc khiến bản hiếm đất nông nghiệp, phải tằn tiện mới đủ thóc ăn. Nhưng cũng nhiều người đồng tình, bởi nếu bắt bán vô tội vạ thì suối không còn cá tôm. Cuộc họp cuối cùng thống nhất về lệnh cấm, được đưa vào hương ước và các gia đình ký cam kết không vi phạm.
Ông Nhiêu kể các tổ tự quản của bản đi tuần thường xuyên, chủ yếu nhắc nhở và giữ an ninh. Dân làng không dám vi phạm, nhưng người bản khác không biết vẫn đến xúc cá. Năm trước có hai thanh niên người Mông vùng khác bị phạt thóc, sau hứa không tái phạm.
"Việc làng nước là việc chung, ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Dân ủng hộ là mình làm được", ông Nhiêu, 58 tuổi với hơn 20 năm làm bí thư kiêm trưởng bản, nói. Trước khi triệu tập toàn bản, chi bộ đã họp bàn thảo.
Vài năm sau lệ cấm bắt cá, người bản Bướt đưa tiếp quy định cấm hái phong lan, săn bẫy thú rừng vào hương ước. Có rừng bao bọc, một phần nguồn sống người dân trong bản trông vào hái lượm sản vật. Nhưng ngoài bản Bướt, người dân nơi khác tìm đến ngày càng nhiều. Phong lan, thú rừng theo xe chạy ngang quốc lộ về dưới xuôi. Mỗi giò hoa giá vài chục nghìn đồng, hái mãi cũng sẽ hết.
Trong ký ức ông Nhiêu, những cây gỗ lớn vài người ôm dần biến mất sau nhiều năm khi cộng đồng người từ nơi khác đến chặt cây, đốt nương trồng ngô. Họ kéo nhau đi khi hết mùa bẻ ngô. "Vì chỗ họ không cấm nên hết mới đến lấy của mình. Bản mình sống nương tựa vào rừng thì phải giữ thôi", ông nói, kể thêm những cuộc họp sau này không có ai phản đối quy định cấm.
Giữa năm 2020, bản Bướt hòa điện lưới quốc gia. Thay vì trông vào mảnh ruộng, đi rừng, người Thái, Mường bắt đầu làm du lịch để tăng thu nhập. Được chuyên gia hỗ trợ, các hộ dân lập hợp tác xã dịch vụ cộng đồng, chia thành nhiều nhóm nhỏ phụ trách từng công đoạn, như tổ làm hướng dẫn viên, tổ xe vận chuyển đồ, tổ văn nghệ... Họ chia sẻ dịch vụ kinh doanh, cùng giữ vững hương ước, hạn chế thấp nhất sự cạnh tranh phá vỡ kết cấu cộng đồng làng bản.
13 năm sau lệnh cấm đánh bắt, cá pa chạt lại về đầy suối. Khách du lịch có thể cho cá ăn, nhưng vi phạm quy định sẽ bị phạt vạ. Hương ước "cấm bắt cá, hái phong lan, bẫy thú" được đặt ở đầu suối, nhà văn hóa, đồng lúa hữu cơ. Hướng dẫn viên khi đưa khách đi tham quan sẽ luôn nhắc nhở và kể về câu chuyện giữ cá của làng. Nhờ giữ được rừng, Chiềng Yên nằm trong số xã có độ che phủ rừng lớn nhất Vân Hồ, khoảng 70% vào năm 2020.
Đến nay dù đã có sóng 3G, tiếng kẻng từ vỏ mảnh bom vẫn là phương tiện truyền tin quan trọng nhất của bản Bướt, trở thành biểu tượng cho tính gắn kết cộng đồng. Những người già như ông Nhiêu, ông Khoa tin rằng giữ được nếp làng là giữ cho con cháu sau này, "còn rừng, còn suối thì còn sinh kế, nếu ăn hết thì mai sau chẳng còn lại gì".
Hồng Chiêu
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/38-thoi-sudan-sinhthu-hai-13112023-0400-gmt7-ban-lang-quy-uoc-bat-mot-con-ca-suoi-den-20-can-thoc-a7625.html