Chứng cứ quan trọng nhất của vụ án bất nhất
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 2/11, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đọc cáo trạng nêu, khoảng 17h ngày 18/10/2020, Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng đã gặp Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn tại quán cà phê Đồng Tâm ở TP Yên Bái. Hậu nhờ Hùng giải quyết vướng mắc tại Sở Văn hoá thể hoá Du lịch tỉnh Yên Bái khi mỏ Núi Ngàng của Công ty Tuyên Huy đang xin cấp phép.
Cáo trạng dẫn lời khai của Hậu và Tuấn rằng, Đinh Tiến Hùng nói "Các ông có mỏ, tôi có quan hệ, bây giờ đang tiện làm đường thì tiến hành khai thác quặng luôn. Tôi đứng ra lo quan hệ, cơ chế". Vẫn theo cáo trạng, lợi nhuận của vụ khai thác quặng này sẽ là Đinh Tiến Hùng hưởng 1/3, Công ty Tuyên Huy hưởng 2/3.
Nội dung trên đây được coi là "chứng cứ trực tiếp và quan trọng nhất của vụ án", nhưng tại tòa, Nguyễn Trọng Tuấn, Phó giám đốc Công ty Tuyên Huy khai rằng "không để ý đến câu chuyện của Hậu và Hùng", và nội dung là do Hậu truyền đạt lại chứ không trực tiếp được nghe Hùng nói. Cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS cũng không có chứng cứ khách quan, dữ liệu điện tử nào chứng minh câu nói của Đinh Tiến Hùng.
Tại buổi xét xử, bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty Tuyên Huy cũng khẳng định: "Sau cuộc gặp này bị cáo Hậu không hề gặp lại Đinh Tiến Hùng, không liên lạc gì, không bàn bạc gì nữa với Đinh Tiến Hùng. Sau đó, cũng không thấy Đinh Tiến Hùng có động thái đầu tư, lo chi phí vào vụ khai thác, không thấy Đinh Tiến Hùng thông báo đã thực hiện lo cơ chế, quan hệ gì ở đâu, như thế nào...".
Mặc dù bị cáo Hậu nói sau hôm gặp ở quán cà phê Đồng Tâm "đã giao mọi việc cho Tuấn" nhưng chính bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn lại phủ nhận điều này, và khẳng định cũng không bàn bạc gì thêm với Đinh Tiến Hùng. "Bị cáo chưa bao giờ nói Đinh Tiến Hùng là người khởi xướng. Bị cáo cũng không thấy Đinh Tiến Hùng tham gia gì vào vụ khai thác", bị cáo Tuấn nói.
Còn bị cáo Đinh Tiến Hùng khẳng định đúng là có cuộc gặp gỡ tại quán cà phê Đồng Tâm nhưng nó không diễn ra vào ngày 18/10/2020, mà diễn ra vài ngày sau đó. Cuộc gặp gỡ khoảng chục phút khi Hùng - Hậu là bạn học cũ bất ngờ gặp lại nhau sau gần 20 năm. Hùng ra quán cà phê theo lời gọi mời của Tuấn, chứ cũng không biết sẽ gặp lại Hậu, càng không biết Hậu trước đó làm gì, ở đâu...
“Tôi bất ngờ khi cáo trạng nêu tôi là người khởi xướng, bàn bạc vụ khai thác quặng trái phép… Trong khi bản thân không biết mỏ Núi Ngàng ở đâu? Có quặng hay không? Tại sao tôi phải đi lo cơ chế, quan hệ cho các đối tượng? Sở Văn hóa cũng đã xác nhận tôi không hề gặp gỡ họ để xử lý, giải quyết việc gì liên quan việc cấp phép cho Công ty Tuyên Huy”, bị cáo Đinh Tiến Hùng nói.
Tòa xét hỏi về mối quan hệ với Đinh Tiến Hùng, bị cáo Lăng Đức Hân một lần nữa khẳng định: "Chỉ là mối quan hệ xã hội, hoàn toàn không liên quan công việc hay làm ăn kinh tế, không bao giờ bàn bạc một câu nào với Đinh Tiến Hùng về vụ khai thác đá ở Núi Ngàng".
Bị cáo Bùi Minh Đức (Công ty Ngọc Tâm) cũng phủ nhận cú điện thoại hỏi mình "máy xúc sửa xong chưa" là của Đinh Tiến Hùng. Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng "lùn" ở Hà Nội) khai rõ "không hề bàn bạc gì với Đinh Tiến Hùng về việc tìm người lên khai thác ở mỏ Núi Ngàng". Còn bị cáo Bùi Mạnh Hùng (Phó giám đốc Công ty Tuyên Huy, người được giao nhiệm vụ giám sát thi công con đường và khai thác đá) còn nói "không biết Đinh Tiến Hùng là ai".
Bức xúc vì bị cột tội từ "nội dung tại quán cà phê Đồng Tâm", bị cáo Đinh Tiến Hùng khẳng định đã bị truy tố oan sai khi không thấy có bất kỳ chứng cứ khách quan nào.
Các luật sư Đỗ Như Thành, Hoàng Trọng Hồng (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Đinh Tiến Hùng) cho rằng CQĐT và VKSND tỉnh Yên Bái đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng khi khiên cưỡng buộc tội Đinh Tiến Hùng.
Vụ án kéo dài gần 3 năm, nhiều lần trả hồ sơ bổ sung chứng cứ
Tố tụng vụ án kéo dài gần 3 năm kể từ khi bắt quả tang, khởi tố Lăng Đức Hân và đồng phạm vận chuyển, sử dụng trái phép 294kg thuốc nổ. Dư luận đặc biệt quan tâm bởi liên quan đến nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Đinh Tiến Hùng, cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái quản lý, liên tục có đơn thư kêu oan gửi từ cấp địa phương lên Trung ương đề nghị làm rõ.
Trước đó, Báo Đại Đoàn Kết có loạt bài viết hành trình kêu oan của bị cáo Đinh Tiến Hùng khi bị cáo buộc “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”. Sau hơn 2 năm 8 tháng điều tra và truy tố, TAND tỉnh Yên Bái mới mở phiên xét xử sơ thẩm.
Hồ sơ vụ án đã được các cơ quan tố tụng chuyển trả cho nhau nhiều lần, thời gian kéo dài vụ án. Cụ thể, ngày 4/5/2022, Công an tỉnh Yên Bái ban hành Kết luận điều tra (lần 1) nhưng sau đó, ngày 29/6/2022, hồ sơ vụ bị VKS tỉnh trả lại yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 24/8/2022, Công an tỉnh Yên Bái tiếp tục ra Kết luận điều tra bổ sung (lần 2) nhưng đến ngày 20/10/2022 cũng bị VKS trả lại. Đến ngày 18/12/2022, Công an tỉnh Yên Bái mới có Kết luận điều tra bổ sung (lần 3).
Ngày 13/2/2023, VKS tỉnh Yên Bái ban hành Cáo trạng gửi TAND tỉnh, song đến ngày 2/6/2023, cũng bị tòa án trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung... Sau đó, tại phiên tòa lần đầu đã diễn ra từ 24 đến 26/8/2023 bị hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung những chứng cứ quan trọng của vụ án mà chưa được VKS làm rõ.
Nhiều quan điểm pháp lý từ giới luật sư, học giả, chuyên gia luật, đánh giá bản kết luận điều tra và cáo trạng vụ án không khách quan, trọng cung hơn trọng chứng, đặc biệt là việc khởi tố bị can Đinh Tiến Hùng có thể dẫn đến oan sai.
Khối lượng, hàm lượng quặng khai thác trái phép chưa được làm rõ?
Tại phiên lần đầu, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu giải quyết yêu cầu của người bào chữa về việc xác định lại khối lượng, hàm lượng quặng được khai thác trái phép ở mỏ núi Ngàng để xác định chính xác giá trị khoáng sản phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại phiên toà, nhiều luật sư khẳng định phương pháp lấy mẫu "ngẫu nhiên" này có thể khiến kết quả giám định không khách quan, và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức, khoản truy tố. Cần có một cuộc giám định lại tại một cơ quan giám định độc lập, khách quan và chính xác.
NHÓM PV