Từ vụ tai nạn 5 người chết ở Lạng Sơn, đặt cảnh báo khi ô tô hỏng ra sao?

Theo luật sư Cường, pháp luật cho phép các phương tiện hư hỏng có quyền dừng đỗ bên phải của chiều đường di chuyển và có cảnh báo đặt phía sau để tránh va chạm với các phương tiện cùng chiều.

Ngày 2/11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Quách Đình Trọng (57 tuổi, trú phường Hà Tu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Rạng sáng 31/10, ông Trọng điều khiển xe 16 chỗ lưu thông trên quốc lộ 1A, khi đến km 70+830 thuộc địa phận thôn Rừng Cấm - Chằm Non (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) đã đâm vào đuôi xe đầu kéo mang BKS 98C-016.45 đang dừng, đỗ bên đường làm 5 người tử vong, 10 người bị thương.

Công an Lạng Sơn xác định, thời điểm xảy ra tai nạn xe đầu kéo chở xi măng, bị hỏng máy, đang dừng đỗ cùng chiều phía trước với xe 16 chỗ, có đặt vật cảnh báo phía sau, cách đuôi xe khoảng 16m.

Lỗi thuộc về tài xế xe 16 chỗ thiếu quan sát?

Sau khi xảy ra tai nạn, nhiều người đặt câu hỏi về việc đầu kéo hư hỏng, đặt vật cảnh báo cách đuôi xe 16m có đúng quy định của pháp luật không? Để giải đáp thắc mắc trên, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa.

Theo luật sư Giáp, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có quy định "để cảnh báo có các loại ôtô, xe đầu kéo,... đang đỗ chiếm một phần đường xe chạy" thì trên mặt đường phải đặt biển cảnh báo "chú ý xe đỗ".

Biển cảnh báo này được đặt cách trước và phía sau xe theo chiều đi là 5m. Biển cảnh báo "chú ý xe đỗ" có quy chuẩn riêng về hình thức như: Mặt biển cảnh báo nguy hiểm được dán phản quang, nền vàng, viền đỏ, nội dung màu đen,…

Luật sư Giáp nhận định, trong vụ tai nạn trên, lỗi phần nhiều thuộc về tài xế xe 16 chỗ đã không quan sát khi điều khiển phương tiện. Việc tài xế xe đầu kéo dừng đỗ ở đường là sự cố bất khả kháng.

Từ vụ tai nạn 5 người chết ở Lạng Sơn, đặt cảnh báo khi ô tô hỏng ra sao? - 1

Xe đầu kéo chỉ bị hư hỏng phần đèn phía sau bên trái sau vụ tai nạn (Ảnh: Nguyễn Hải).

 

Xe đầu kéo được xác định là chướng ngại vật

Còn luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ diện tích chiếm phần đường của xe đầu kéo là bao nhiêu, phần đường còn lại có đủ để các phương tiện qua lại hay không, đồng thời sẽ làm rõ đoạn đường đó có cấm dừng đỗ hay không.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy nguyên nhân xe đầu kéo dừng là do hư hỏng, việc dừng đỗ không thuộc trường hợp pháp luật cấm và đã có cảnh báo, vị trí dừng đỗ đúng quy định thì người lái xe đầu kéo thực hiện việc dừng đỗ không có vi phạm, không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với vụ tai nạn này.

Trong vụ tai nạn trên, xe đầu kéo được xác định là chướng ngại vật, tất cả các phương tiện tham gia giao thông qua đây phải giảm tốc độ, chú ý quan sát để tránh xảy ra va chạm.

Nếu phương tiện nào cùng chiều thiếu chú ý quan sát mà đâm vào chiếc xe đang dừng đỗ đúng quy định thì người điều khiển ô tô đang di chuyển là người có lỗi và phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả vụ tai nạn xảy ra.

Chỉ trong trường hợp xe đầu kéo dừng đỗ trái quy định ở nơi cấm dừng đỗ, không có biển cảnh báo, vị trí dừng đỗ chiếm hết phần đường của xe khác thì lúc đó mới xác định lỗi hỗn hợp và có thể xử lý hình sự cả người điều khiển xe ô tô gây tai nạn và người dừng.

Từ vụ tai nạn 5 người chết ở Lạng Sơn, đặt cảnh báo khi ô tô hỏng ra sao? - 2

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy với điều kiện thời tiết và đường giao thông bình thường mà người lái ô tô 16 chỗ hoàn toàn có thể phát hiện ra chiếc xe đang dừng đỗ phía trước (có cảnh báo) và hoàn toàn có thể giảm tốc độ, đánh lái để tránh một vụ tai nạn. 

Song do thiếu chú ý quan sát mà người lái xe 16 chỗ đã không phát hiện ra xe đầu kéo đang dừng đỗ phía trước dẫn đến vụ tai nạn thì trong trường hợp này sẽ xác định tài xế ô tô 16 chỗ có lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi điều khiển phương tiện có lỗi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý tài xế về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 3, Điều 260 bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Từ vụ tai nạn 5 người chết ở Lạng Sơn, đặt cảnh báo khi ô tô hỏng ra sao? - 3

Phần hông bên phải của xe 16 chỗ bị "vò nát" sau vụ tai nạn (Ảnh: Nguyễn Hải).

Luật sư Cường cho biết thêm, việc xác định tài xế ô tô 16 chỗ có lỗi hay không sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố.

Trong đó, yếu tố quan trọng là tốc độ di chuyển và khả năng quan sát của người tài xế, khả năng làm chủ tốc độ ra sao khi gặp tình huống có xe dừng đỗ phía trước.

"Pháp luật quy định người điều khiển phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông thì phải chú ý quan sát, không chỉ là quan sát thông thường và phải làm chủ tốc độ.

Khi gặp chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, thậm chí có thể dừng lại. Pháp luật cũng cho phép các phương tiện hư hỏng có quyền dừng đỗ bên phải của chiều đường di chuyển và có cảnh báo đặt phía sau để tránh va chạm với các phương tiện cùng chiều", luật sư Cường nói.

Nguyễn Hải và Hải Nam

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/tu-vu-tai-nan-5-nguoi-chet-o-lang-son-dat-canh-bao-khi-o-to-hong-ra-sao-a7565.html