Bỏ bộ choé 6 tỷ đồng
Năm 2016, đại diện Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt cho biết người trúng đấu giá cặp chóe Tứ Linh tại phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại VN đã từ chối mua sản phẩm này.
Trong phiên đấu giá ngày 28/5/2016, cặp choé này được đề xuất giá khởi điểm là 900 triệu (sản phẩm giá đấu cao nhất). Cuộc đấu giá sau khi trải qua 29 lần “nâng lên” không “đặt xuống” giữa hai đại gia bất động sản là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải. Cuối cùng người thắng cuộc là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 6/6, ông Vũ Mạnh Hùng - người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phản hồi Lạc Việt về việc từ chối mua tài sản nói trên.
Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ông Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao.
Kết quả là ông Dũng chỉ bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc 50 triệu đồng và tài sản Cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề
Đại gia xù không mua sim gần 19 tỷ
Năm 2017, trên trang cá nhân của Ngọc Trinh đã chia sẻ video về việc hai mạnh thường quân trả giá cao trong buổi đấu giá siêu sim không giữ đúng cam kết. "Đây là một điều khiến tôi bất ngờ kèm thất vọng, vì chương trình này hoàn toàn mang mục đích từ thiện và tôi đã bỏ nhiều tâm huyết", cô nói.
Ngọc Trinh thừa nhận khâu tổ chức có sự sai sót, dẫn đến kết quả ngoài ý muốn. Theo thông lệ tổ chức các buổi đấu giá có giá trị lớn, người tham gia phải ứng một khoản tiền cọc nhất định. Tuy nhiên, vì muốn tạo tâm lý thoải mái cho các khách mời, công ty cô đã bỏ qua điều khoản này.
Trước đó, ngày 15/1 tại TP. Hồ Chí Minh, Ngọc Trinh đã tổ chức đấu giá sim số đẹp với chiến thắng thuộc về nữ đại gia giấu mặt trả giá 18.688.000.000 đồng. Người về nhì cũng trả giá trên 18 tỷ đồng. Theo Ngọc Trinh, sau buổi đấu giá nữ đại gia giấu mặt thắng cuộc đã không chịu đặt cọc bất kỳ khoản tiền nào, cũng như không chia sẻ danh tính. Chính vì không đạt được thỏa thuận, công ty của cô đã giữ lại món quà lưu niệm cho người chiến thắng là chiếc điện thoại hạng sang có giá gần hai tỷ đồng
Sau khi hủy kết quả với người này, công ty của cô đã liên hệ với người về đích thứ hai. Người này cũng đồng ý mua sim với điều kiện phải giảm giá đôi chút, tuy nhiên Ngọc Trinh không đồng ý.
Đấu giá hàng chục tỷ đồng tại đêm thi Hoa hậu Trái đất
"Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" năm 2010 là một trong những hoạt động của cuộc thi hoa hậu Trái đất 2010. Tại đêm hội, các doanh nhân tham gia đấu giá 4 sản phẩm quý với mục đích giúp đỡ đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt gồm: Trống đồng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, viên Ruby hồng ngọc 10kg, bức tranh đá quý có chữ ký của hơn 80 hoa hậu và bộ Tứ linh hội tụ "Long - Ly - Quy - Phụng" bằng gỗ lũa tự nhiên.
Vụ đấu giá khiến dư luận chú ý những ngày qua bởi con số gây quỹ kỷ lục với 73,9 tỷ đồng và cũng tạo nên kỷ lục về bê bối khi... đơn vị nhận tài trợ không thu được đồng nào.
Bộ Tứ linh hội tụ có giá khởi điểm 40 tỷ đồng đã được ông Phạm Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH SX&DVTM Bảo Long trả mua với giá 47,9 tỷ đồng. Ba sản phẩm còn lại được nhận đấu giá qua điện thoại: viên đá Ruby được một người xưng tên Phát, đại diện Công ty Bình Điền (Long An) thắng với giá đấu 11 tỷ đồng; chiếc trống đồng được một người xưng tên Lương Đức Hải mua với giá 12 tỷ đồng; bức tranh đá quý được một người xưng tên Thanh Bình mua với giá 3 tỷ đồng.
Sau khi đêm hội kết thúc thì bà Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP không thể liên lạc được với những người thắng đấu giá qua điện thoại. Công ty Bình Điền thì khẳng định không tham gia đấu giá.
Ông Phạm Văn Đạt, người trực tiếp đấu giá tại đêm hội cũng không chấp nhận trả 47,9 tỷ đồng cho bộ Tứ linh hội tụ. Lý do theo ông Đạt là sau đêm hội, chủ nhân của bộ Tứ linh đã mang sản phẩm về Đà Lạt nên không biết sản phẩm có còn nguyên giá trị như khi đấu giá hay không. Vì vậy, Bảo Long chỉ chấp nhận ủng hộ cho Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh 1 tỷ đồng để làm từ thiện (số tiền đã chuyển vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ TP).
Năm 2004, doanh nhân trả 1 tỉ 10 triệu đồng cho chiếc sim số 0988888888 của Viettel trong một chương trình đấu giá từ thiện đã không trả số tiền như đã cam kết.
Năm 2010, bức tranh gạo của ca sĩ Quang Dũng cũng được trả giá cao nhất 10.000 USD trong một chương trình khác. Tuy nhiên, tiền vẫn không được thanh toán cho Mặt trận Tổ quốc Bình Định đúng như cam kết.
Sau sự cố gây bất bình, những người tổ chức chương trình đấu giá từ thiện, quyên góp từ thiện thông qua chương trình ca nhạc… cần cảnh giác với những trò đùa, những hành vi làm từ thiện ảo hoặc lợi dụng từ thiện để P.R. - đánh bóng tên tuổi của mình.
Báo Đấu thầu
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/dai-gia-dau-gia-no-cho-hoanh-trang-roi-ke-xu-nguoi-bung-a7536.html