Theo thống kê, năm 2019, có khoảng 160 triệu khách du lịch Hồi giáo đến từ các quốc gia khác nhau (dự kiến sẽ đạt 140 triệu vào năm 2023 và dự báo tăng trưởng thị trường sẽ trở lại mức 160 triệu vào năm 2024 do sự mở rộng của du lịch quốc tế). Đến năm 2028, ước khoảng 230 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo sẽ đi du lịch ra nước ngoài, chi tiêu sẽ lên tới 225 tỷ USD.
Du lịch Hồi giáo (Du lịch Halal) đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã đón tiếp rất nhiều du khách lữ hành quốc tế là người Hồi giáo. Tuy nhiên, thị trường này chưa thực sự được chú trọng, chưa kiến tạo cơ hội phát triển và kêu gọi đầu tư rộng rãi dịch vụ du lịch đặc thù tại các địa phương, điểm đến chính trong cả nước. Để đón đầu được dòng khách này, Chính phủ và Sở Du lịch nhiều tỉnh thành, các doanh nghiệp đang gấp rút tìm hiểu, khẩn trương nắm bắt, đưa ra kế hoạch hành động để đón đầu xu hướng du lịch mới mang tính bền vững này.
Qua phân tích xu hướng và đánh giá thị trường ngành du lịch trên tầm quốc tế, xu hướng du lịch của người Hồi giáo, Islam đang rất khả quan. Tính về số dân, người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người. Mỗi năm, lượng tiền họ chi dùng, mua sắm…ước tính hết khoảng 10.000 tỷ USD. Vậy làm thế nào để thu hút dòng tiền này chảy vào các dịch vụ du lịch ở Việt Nam đang là hướng quan tâm mới của các nhà đầu tư và những nhà kinh doanh du lịch.
Theo ông Hosen Yousof - chuyên gia về thị trường khách du lịch Hồi giáo, khách Hồi giáo thường đi du lịch theo gia đình hoặc nhóm bạn bè và cũng là thị trường khách ưa chuộng trải nghiệm du lịch xanh, bền vững. Dòng khách này ưa chuộng những điểm đến có tiện ích về spa hoặc hồ bơi riêng biệt về giới và có thói quen lưu trú dài ngày ở một điểm đến đã lựa chọn với mức chi tiêu khá cao.
Dòng khách Hồi giáo là dòng khách cao cấp, tài chính mạnh, ổn định, chịu chi. Trong đó, dòng khách cao cấp nhất đến từ Trung Đông, thuộc khối các nước APEC, thường có xu hướng đi du lịch nhóm, đưa theo cả đại gia đình nhiều thế hệ, vợ, con. Họ lựa chọn sử dụng các dịch vụ cao cấp như du thuyền, khách sạn 5 sao trở lên, yêu cầu phục vụ cá nhân đặc biệt cao cấp và chuẩn chỉ, chi tiết.
Dòng khách đến từ Đông Nam Á và Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Singapore… cũng hướng tới phân khúc cao cấp, lựa chọn từ khách sạn 4-5 sao, du thuyền, đòi hỏi không gian riêng tư, phục vụ riêng tập trung nhóm cá nhân, có lưu ý đặc biệt đến yếu tố văn hóa, phong tục, tôn giáo. Khai thác dòng khách này đòi hỏi điểm đến, cơ sở lưu trú hay nhà hàng phải bố trí không gian đón tiếp riêng, bố trí phù hợp với nhu cầu ăn uống, thói quen sinh hoạt tôn giáo chặt chẽ, tôn trọng nghi thức tín ngưỡng khác biệt, thời gian tiếp đón không trùng lặp hay xen lẫn các dòng khách khác. Do đó, quá trình dịch chuyển phải đồng bộ, chuẩn chỉ đến từng chi tiết, đặc biệt cần phải có những chuyên gia có hiểu biết sâu sắc về tín ngưỡng, tôn giáo và tập tính sinh hoạt của họ cố vấn, huấn luyện và kiểm định, chứng nhận đạt chuẩn Halal.
Điều khó nhất ở đây là mọi thứ phải đạt đến chuẩn xanh, sạch, thật sự thân thiện với người Hồi giáo. Một khi đạt được niềm tin của họ, tự họ sẽ giới thiệu cho nhau, tự lan tỏa và chia sẻ trong cộng đồng Hồi giáo. Đây là lợi ích bền vững lâu dài mà du lịch Việt Nam cần hướng đến, tận dụng.
Theo bà Marina Muhamad, Giám đốc Trung tâm Du lịch Hồi giáo (Bộ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Malaysia): người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần/ngày bởi như vậy họ cảm giác an toàn và thuận tiện ngay nơi sinh hoạt của họ. Bên cạnh cảnh đẹp thì cần có sự giao thương quốc tế, quảng bá hình ảnh thân thiện với người Đạo hồi để họ có cảm giác an toàn và cần chú trọng các món ăn đúng với thực phẩm Halal.
Vì vậy, theo một số chuyên gia, cộng đồng du lịch Hồi giáo thường không khuyến khích khách đi du lịch tại các quốc gia, điểm đến có điều kiện cơ sở vật chất, ẩm thực, tín ngưỡng không thuận lợi, phù hợp với thói quen tiêu dùng, phương thức du lịch của người Hồi giáo. Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành du lịch, làm thế nào tận dụng được lợi thế để khai thác và giữ chân khách du lịch Hồi giáo đó mới là hướng phát triển vững chắc, là lối đi mới mở ra triển vọng tốt đẹp cho ngành du lịch hiện nay.
Để có kế hoạch thu hút thị trường khách trên, sáng 12/9, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Giải pháp thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, du lịch Hồi giáo được xác định là thị trường du lịch tiềm năng, nằm trong nhóm thị trường mục tiêu cần được đẩy mạnh trong giai đoạn tới. Theo ước tính, người Hồi giáo có hơn 1,7 tỉ người, chiếm gần một phần tư dân số toàn thế giới, riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu tín đồ Hồi giáo. Người Hồi giáo rất thích đi du lịch và là nhóm có chi phí cho du lịch ở mức cao trên thế giới, do vậy các quốc gia luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho nhóm khách này.
Đối với thị trường du lịch Việt Nam, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi đến nước ta còn rất khiêm tốn. Từ năm 2015 (những khách du lịch Hồi giáo đầu tiên đến TP.HCM) cho đến trước dịch Covid-19, Việt Nam mới đón được khoảng gần một triệu du khách. Trong khi đó, theo Chỉ số Du lịch Hồi giáo Toàn cầu 2022 của Xếp hạng MasterCard-Crescent, Thái Lan đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia không theo đạo Hồi được khách du lịch Hồi giáo ưa chuộng, sau Malaysia, Singapore và Vương quốc Anh. Theo thống kê của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, trong số 11,8 triệu du khách quốc tế tới Thái Lan năm ngoái, có hơn 400.000 khách đến từ khu vực Trung Đông, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi tiêu của nhóm du khách này cũng tăng 71% so với năm 2019.
Để mở rộng liên kết thị trường khách du lịch Hồi giáo tại Quảng Ninh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đề nghị cần triển khai những biện pháp cụ thể trong thời gian tới: "Các trung tâm đầu mối, đặc biệt là các trung tâm du lịch lớn của cả nước cần tổ chức những hội nghị chuyên đề bàn chuyên sâu về những giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các doanh nghiệp ở các trung tâm du lịch lớn này để đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch Hồi giáo. Trên cơ sở đánh giá được nhu cầu mong muốn cũng như khả năng, tiềm năng, dư địa phát triển của thị trường khách này, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương cũng như các địa phương cần xây dựng những chính sách và tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch hành động hay những văn bản pháp lý để có thể triển khai đón khách quốc tế đến từ các nước Hồi giáo một cách hiệu quả, bền vững".
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Huyền Anh cho biết, trong thời gian tới, du lịch Quảng Ninh sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá và bám sát các chương trình xúc tiến của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đến thị trường khách Hồi giáo. Sở sẽ tham mưu tỉnh ưu tiên hợp tác phát triển hệ thống mạng lưới các đường bay thẳng đến Ấn Độ và các nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, tăng cường, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chuyên biệt phục vụ khách Hồi giáo. Ngoài ra, ngành du lịch Quảng Ninh cũng sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức đối ngoại với khách du lịch Hồi giáo cho nguồn nhân lực du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên đề về ẩm thực Halal, thói quen tiêu dùng và kỹ năng phục vụ khách du lịch Hồi giáo, giải pháp truyền thông thu hút thị trường khách du lịch Hồi giáo đến Quảng Ninh… Các đại biểu cũng đã trao đổi thêm về các nội dung liên quan đến marketing du lịch đến thị trường khách Hồi giáo, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ khách Hồi giáo, mời các chuyên gia nghiên cứu về Đạo Hồi để tập huấn cho người lao động trong ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu riêng của dòng khách chuyên biệt này.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định cần quan tâm phát triển các thị trường mới, có tiềm năng trong đó có thị trường Trung Đông, Ấn Độ…. Ngành du lịch Việt Nam trong những năm qua cũng tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá hướng tới thị trường Hồi giáo nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường này như: tổ chức đón các đoàn FAM trip, Press trip từ các nước Hồi giáo sang tham quan, khảo sát, quảng bá cho sản phẩm du lịch Việt Nam, giao lưu doanh nghiệp du lịch hai nước do Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Trung Đông làm đầu mối phối hợp Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và doanh nghiệp du lịch hai nước tổ chức. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Iran tổ chức đoàn khảo sát gồm doanh nghiệp du lịch Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Việt Nam sang Iran tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch Iran, tìm hiểu văn hóa, đất nước con người Hồi giáo và kết nối doanh nghiệp du lịch hai nước. Tất cả những hoạt động đó đều nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/tiem-nang-phat-trien-du-lich-hoi-giao-tai-quang-ninh-a7532.html