Thủy điện Thác Bà - nơi lưu giữ ký ức

Chỉ khi được đến thăm, tận mắt nhìn, tận tay sờ vào những khối bê tông của công trình thủy điện Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình (Yên Bái) phủ đầy rêu phong, tôi mới hiểu giá trị của tấm Huân chương Chiến công hạng ba thời kỳ kháng chiến chống Mỹ bố tôi được tặng thưởng từ hồi còn ở thủy điện Thác Bà. Mỗi lần ông mang ra lau chùi, đều bần thần ngồi nhớ lại ký ức thời trai trẻ khi ông và những người bạn nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường...

Đài tưởng niệm ghi danh 117 cán bộ, công nhân đã ngã xuống để cho công trình thủy điện Thác Bà vươn lên trong bão lửa, bom đạn của kẻ thù. 

Thác Bà - rất gần trong nỗi nhớ

Dù thời điểm đó còn vô vàn khó khăn, gian khổ, vừa làm việc vừa chiến đấu chống trả các trận ném bom, bắn phá dữ dội của máy bay Mỹ, nhưng đó là thanh xuân tươi đẹp của cả bố và mẹ tôi khi họ cùng là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi từ miền đồng bằng Bắc Bộ lên vùng núi non xa xôi cách trở tham gia xây dựng thủy điện Thác Bà - công trình mang biểu tượng chiến thắng, khát vọng vươn lên của miền Bắc XHCN được xây dựng ngay trong thời kỳ cả nước dồn sức cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu đã có 177 người ngã xuống để cho công trình vươn lên. Họ hy sinh sau những gian khổ, sau những trận ném bom phá hoại, sau những trận chiến đấu ác liệt... Trong suốt hơn 9 năm tham gia xây dựng công trình thủy điện Thác Bà, cùng với tinh thần hăng say lao động vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ, nhưng người thợ - người lính vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ công trình...

Từ thủy điện Thác Bà, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những người thợ lành nghề ấy đã về tham gia xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, làm nên một huyền thoại về dòng điện trên sông Đà. Dù suốt mấy chục năm qua chưa một lần trở lại thăm thủy điện Thác Bà, nhưng tôi biết, Thác Bà vẫn còn trong tâm trí của bố tôi. Bởi trong câu chuyện giữa ông và những người bạn năm xưa vẫn còn có một phần Thác Bà trong đó. Hơn thế, ở Thác Bà vẫn còn có những người bạn của bố tôi còn nằm lại vàở đó còn là nơi ghi dấu mối tình đẹp trọn vẹn thuở thanh xuân của bố và mẹ tôi. Và cả một thế hệ thanh niên bất khuất, kiên cường mang đầy hoài bão, khát vọng khi ấy...

Biểu tượng của tinh thần bất khuất và khát vọng vươn lên

Dù được nghe kể nhiều, nhưng mãi gần đây tôi mới có dịp đến thăm thủy điện Thác Bà. Vốn đã quen với sự kỳ vĩ của công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà nên khi đứng trước công trình thủy điện Thác Bà, tôi không có sự choáng ngợp như hình dung trong trí tưởng tượng trước khi đến đây. Nhưng với tôi, qua câu chuyện kể của những người từng tham gia xây dựng công trình thì đây vẫn luôn là biểu tượng của chiến thắng, tinh thần bất khuất và khát vọng vươn lên... mà không có công trình nào sánh được. Bởi  đây là một trong những công trình công nghiệp có quy mô lớn nhất tại miền Bắc XHCN; là một trong những công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm lần thứ nhất của nước ta (1960 - 1965), là công trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tạo nền móng về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Được xây dựng và hoàn thành ngay trong thời kỳ đất nước đang trong cuộc trường chinh kháng chiến chống Mỹ xâm lược; khi  mà cả nước dồn sức người, sức của "xẻ dọc Trường Sơn” chống Mỹ, vì miền Nam ruột thịt. Nhằm thực hiện mục tiêu "điện phải đi trước một bước", Nhà máy thủy điện Thác Bà đã trở thành một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ trong cuộc tiến công, đánh phá miền Bắc bằng không quân lần thứ nhất năm 1965. Trong ký ức của bố tôi và các bác, các chú từng một thời tham gia xây dựng thủy điện Thác Bà thì: thời ấy đi đâu, làm gì cũng có cây súng trường bên cạnh, nghe còi báo động là xách súng lao xuống giao thông hào, chờ máy bay nhào xuống là bắn...

Với khẩu hiệu "nhằm thẳng quân thù mà bắn”, các tiểu đội tự vệ trên công trường đã phối hợp bộ đội chủ lực chiến đấu kiên cường, dũng cảm với không quân Mỹ, bẻ gãy hàng trăm cuộc tấn công đường không. Đặc biệt, tự vệ nhà máy đã trực tiếp bắn rơi 2 máy bay Mỹ... Cùng với những chiến thắng, trận chiến đấu quả cảm thì cũng có không ít cán bộ, công nhân tham gia thi công trên công trình bị trúng bom đạn của kẻ thù ngã xuống nơi này. Tại đài tưởng niệm đặt trang trọng trên công trình, tên tuổi của 117 người đã ngã xuống vẫn còn được khắc ghi... 

Với tinh thần quả cảm của những cán bộ, công nhân tham gia xây dựng công trình, dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, công trình xây dựng thủy điện Thác Bà vẫn ngày đêm thi công để con đập sừng sững hiên ngang chặn dòng thác lũ trên dòng sông Chảy (một nhánh lớn của sông Lô) thuộc địa phận huyện Yên Bình (Yên Bái), tạo nên hồ chứa gần 6 tỷ m3 nước cùng nhà máy đồ sộ với tổng công suất 120 MW, cung cấp dòng năng lượng phục vụ phát triển KT-XH cho đất nước. Ngày 5/10/1971, nhà máy khởi động tổ máy số 1 và hòa vào lưới điện quốc gia. Sau đó, lần lượt tổ máy số 2 đưa vào vận hành ngày 10/3/1972, tổ máy số 3 đưa vào vận hành ngày 19/5/1972, đúng dịp kỷ niệm 82 năm ngày sinh nhật Bác.

Đất nước hòa bình, Tổ quốc thống nhất, 50 năm qua, từ trong máu lửa chiến tranh, Nhà máy Thủy điện Thác Bà đóng góp hàng tỷ kW giờ điện cho đất nước. Hiện nay, ngoài chức năng chủ yếu sản xuất, cung cấp điện năng để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công cuộc xây dựng CNXH của đất nước. Thủy điện Thác Bà còn có thêm chức năng khác như phối hợp các hồ thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng góp phần điều tiết, giảm nhẹ lũ cho vùng hạ lưu; cải tạo môi trường, sinh thái; mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế, văn hóa, nhất là du lịch và nuôi trồng thủy sản các địa phương lân cận...

Vũ Phong

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/thuy-dien-thac-ba-noi-luu-giu-ky-uc-a7476.html