“Nơi gặp gỡ đất trời”

Tọa lạc trên sườn núi cao hơn 1.500m so với mực nước biển, Sa Pa (Lào Cai) được ví là nơi gặp gỡ giữa đất trời, với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ.

1. Một ngày đầu xuân, vẫn còn dư âm của Tết cổ truyền, tạm xa Hà Nội, chúng tôi chọn Lào Cai để thực hiện chuyến đi thực tế đầu tiên của năm, cũng là dịp để mọi người “refresh” bản thân trước thềm năm mới. Sau khoảng thời gian chừng 4 tiếng đồng hồ di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, chúng tôi có mặt ở thành phố Lào Cai. Thành phố đã có những sự đổi thay đáng kể trong những năm gần đây. Bỏ lại phía sau sự sầm uất của thành phố vùng biên ải Cốc Lếu, chúng tôi theo ngã rẽ với quanh co đèo dốc hơn 30 cây số để đến với Sa Pa.

Tôi đến với Sa Pa không phải là lần đầu tiên. Thếnhưng, mỗi lần trở lại đều cho tôi một cảm giác thật dễ chịu, nhè nhẹ trong đó là một chút an yên, một chút thảnh thơi. Mặc dù, Sa Pa giờ đã khoác lên mình “những tấm áo mới” chứ không còn dung dị như hơn 20 năm về trước, khi lần đầu tôi đặt nhẹ bàn chân của mình xuống thị trấn mờ sương này.

Ngày đó, vừa tốt nghiệp đại học, mang theo ước nguyện được thỏa sức thưởng ngoạn, khám phá những miền đất xinh đẹp, tôi xách ba lô lên đường hòa vào dòng du khách lên Sa Pa - “nơi gặp gỡ đất trời”.

Sau này, tôi còn trở lại Sa Pa nhiều lần khác nữa, cũng có khi đi với bạn bè, cũng có khi đi cùng gia đình, xen vào đó có những chuyến độc hành, là khi những nắng mưa cuộc đời khiến mình “đuối sức” và cần một nơi để an trú, “chữa lành” rồi vững chãi trở lại “bung xõa” với đời. Có thể nói, Sa Palà một phần ký ức của tôi mà đôi khi bất giác “chạm vào”, vẫn khẽ mỉm cười!

2. Trước chuyến đi, bạn tôi nhắc nhẹ: “Sa Pa giờ đã thôi… lặng lẽ! Không còn là nơi trú ngụ cho một nỗi niềm”. Nhưng hóa ra không phải vậy, tôi vẫn tìm thấy một Sa Pa lặng lẽ, nối dài từ ký ức. Lặng lẽ mà tha thiết! Và, lần trở lại này tôi may mắn được gặp và nghe kể về những “mảnh đời” mới, những “mảnh đời” đã vươn mình, rực rỡ hơn từ chính sự đổi thay mạnh mẽ của thị trấn trong sương này. Đó là câu chuyện về Má A Tông - chàng trai người dân tộc Mông, dân tộc chiếm tới một nửa dân số ở Sa Pa.

Trước năm 2016, Tông phải chật vật với đủ thứ nghề để sống. Từ bốc vác thuê tại ga tàu, làm porter dẫn khách leo Fansipan, thậm chí đến cả việc vượt biên sang Trung Quốc làm thuê anh cũng đã thử. Tuy nhiên, cái nghèo vẫn đeo bám Tông như một thứ “di sản gia truyền”. “Làm tối mắt mà con cái vẫn phải ăn ngô độn. Thóc vừa gặt chỉ ba tháng là cạn bồ”, Tông nhớ lại.

Thế rồi, nhờ có kinh nghiệm làm du lịch, Tông được tuyển vào làm nhân viên tại tuyến cáp treo Fansipan của Tập đoàn Sun Group khi Tập đoàn này đầu tư phát triển du lịch ở Sa Pa. Thoáng chốc đã gần 7 năm. Có công việc và thu nhập ổn định, Tông lấy vợ, sinh còn rồi “cất” nhà mới, cuộc sống sang một trang mới, viên mãn hơn!

Chuyện của Má A Tông là câu chuyện rất dễ bắt gặp ở Sa Pa, đặc biệt từ khi có sự đầu tư của Tập đoàn Sun Group với những sản phẩm du lịch như khu du lịch Sun World Fansipan Legend, khách sạn 5 sao quốc tế Hotel de la Coupole - MGallery Sa Pa.

Có lẽ hiếm công trình nào có sức ảnh hưởng lớn tới diện mạo Sa Pa như cáp treo Fansipan. Tuyến cáp của những kỷ lục sau 7 năm ra đời đã đánh dấu sự chuyển mình không chỉ của ngành du lịch, mà còn tác động rất tích cực tới cuộc sống của người dân địa phương.

Giống như Tông, Chảo Láo Sử, chàng trai người Dao cũng lớn lên với ký ức tuổi thơ là những mái nhà không đủ ấm và những ngày nheo nhóc theo mẹ lên nương. Mặc dù, được suất tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng vì cái nghèo mà Sử phải từ bỏ giấc mơ đại học để vừa đi làm nuôi gia đình, vừa học Trung cấp Y tế Lào Cai. Sau 2 năm, tấm bằng trung cấp vẫn không giúp anh có được công việc ổn định, Sử về bản làm nương rẫy, vay vốn chăn nuôi.

Nhưng đến đầu năm 2016, cuộc sống của những gã trai bản địa như Sử và Tông đã rẽ theo hướng khác. Cáp treo Fansipan khánh thành đã không chỉ mở ra một chương mới cho ngành “công nghiệp không khói” ở Sa Pa mà còn giúp Sử, Tông và hàng trăm cư dân bản địa khác thực sự đổi đời.

“Nóc nhà Đông Dương” kể từ khi có tuyến cáp cũng đã đón hàng trăm chàng trai, cô gái trẻ từ khắp nơi tìm tới. Nhiều người trong số họ đã chọn, gắn bó và coi đây là quê hương thứ hai.

Nhìn trên diện rộng hơn, cáp treo Fansipan cũng là công trình góp phần thay đổi diện mạo Sa Pa thị trấn từng lặng lẽ suốt nhiều thập kỷ.

Du lịch phát triển cũng là cơ hội để Sa Pa chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nếu như trước kia, 90% người thiểu số ở Sa Pa đốt nương, làm rẫy, phá rừng trồng thảo quả thì giờ đây, con số đó không nhiều. Từ một nền kinh tế nặng về nông nghiệp, nhiều người dân đã tự chuyển đổi sang làm nhà hàng, khách sạn hay nuôi trồng các loại đặc sản phục vụ ngành du lịch; nhiều bạn trẻ có được công việc ổn định với mức thu nhập khá, ngoài trang trải cuộc sống hàng ngày còn có “của để dành”, không còn phải tất tả về xuôi làm thuê, làm mướn.

3. Sa Pa hiện tại vẫn có những nét độc đáo rất riêng ở cả 4 mùa trong năm. Và, ca từ của bài hát “Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời” vẫn như đang mời gọi du khách:

“Vang tiếng khèn chàng trai xuống chợ, hẹn gặp ai mà sao vui thế

Tiếng đàn môi em nói điều gì cho ta ngồi bên nhau đêm nay

Sa Pa chiều nghiêng huyền thoại, mặt trời mọc lên từ má em

Phố nhỏ hiện lên từ trong mây, ơi Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời

Bốn mùa hoa trái và mùa con trai hát gọi con gái

Đắm say phiên chợ, ai về cùng Sa Pa?”

PV

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/noi-gap-go-dat-troi-a7456.html