Vị thế của nông nghiệp Thái Nguyên

Thái Nguyên là địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp, như: Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có nhiều trường đại học, khu công nghiệp... Phát huy lợi thế đó, những năm qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập tập trung. Cùng với đó, tỉnh quan tâm xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP để không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Vị thế của nông nghiệp Thái Nguyên

 

2che-huu-co-phu-xuyen-20221223210223-20230126105806-1675089109.jpg
Mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Phú Xuyên (Đại Từ).

 

“Đệ nhất danh trà”

Nhắc đến Thái Nguyên, người tiêu dùng trong cả nước sẽ nghĩ ngay đến trà Thái, thức uống bình dị nhưng dễ gây “nghiện” bởi hương thơm, vị chát và ngọt hậu nơi cuống họng.

Thái Nguyên hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên 1 héc-ta chè. Chè Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế là “Đệ nhất danh trà” với các sản phẩm chế biến tinh, sâu, chất lượng cao cùng với bao bì, mẫu mã đẹp, sang trọng.

Ngoài đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi chè quốc tế, một số sản phẩm chè đã được chọn làm quà tặng cho đại biểu tại Hội nghị APEC năm 2017. Đến nay, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 22,5 nghìn ha chè, trong đó, chè giống mới chiếm 80% diện tích. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến nên năng suất, chất lượng chè Thái Nguyên không ngừng tăng lên, hiện nay, năng suất chè toàn tỉnh đạt 123,8 tạ búp tươi/ha/năm, sản lượng chè qua chế biến đạt khoảng 50 nghìn tấn.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chè chuyên canh, cho thu nhập từ 280 đến 500 triệu đồng/ha/năm, như: Vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên); vùng chè La Bằng, Tân Linh (Đại Từ); vùng chè Minh Lập, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); vùng chè Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương)… Cây chè đã góp phần giúp người nông dân từng bước cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Chè được xác định là cây trồng thế mạnh, là sản phẩm chủ lực có giá trị thương hiệu lớn của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè; yêu cầu các địa phương không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.

Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung

Cùng với việc tập trung phát triển cây chè, tỉnh Thái Nguyên cũng quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Cụ thể, tỉnh đã ban hành và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành chuỗi sản xuất bền vững. Có thể kể đến như: Nghị quyết Số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, trong phương án sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm, thay vì hỗ trợ sản xuất nhỏ lẻ như trước, tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ các khu vực, vùng sản xuất tập trung.

Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, tiêu biểu như: Vùng sản xuất lúa thâm canh ở các xã Tân Đức (Phú Bình); Minh lập (Đồng Hỷ); Minh Đức (TP. Phổ Yên); vùng sản xuất na ở các xã La Hiên, Phú Thượng (Võ Nhai); vùng sản xuất bưởi ở xã Tiên Hội (Đại Từ); vùng trồng nhãn ở xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), Quân Chu (Đại Từ); vùng sản xuất rau an toàn ở Huống Thượng, Đồng Liên (TP. Thái Nguyên), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ)…

Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Thái Nguyên có 36 mã số vùng trồng chè, cây ăn quả, lúa được cơ quan chuyên môn cấp mã số vùng trồng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để nông sản Thái Nguyên có thể xuất khẩu.   

Tỏa sáng những “ánh sao” OCOP

Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung đã giúp tỉnh tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mang tính vùng miền, phù hợp với lộ trình của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Trà tôm nõn Hảo Đạt của Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt, ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và miến dong Việt Cường, của HTX miến Việt Cường, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), là 2 trong số 20 sản phẩm được Trung ương xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) năm 2021.

1dsc04286-20221223210102-20230126105907-1675089167.jpg
Sản xuất miến dong tại HTX miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

 

Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường, chia sẻ: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao, miến dong của HTX đã có “chỗ đứng” tại nhiều siêu thị lớn trong nước như: AONE, Lotte Mart, Go… Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất, tiêu thụ từ 60-80 tấn miến, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.

Tính hết năm 2022, toàn tỉnh có 160 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng, với nhiều sản phẩm đặc trưng, như: Chè, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na, miến… Trong đó, nhiều chủ thể OCOP đã tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời cải tiến về chất lượng, mẫu mã, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan tỏa khắp địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị kinh tế cao, bắt nhịp với xu thế phát triển chung của nền nông nghiệp trong nước và thế giới.

Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản toàn tỉnh (giá so sánh) ước đạt trên 15.267 tỷ đồng, bằng 100,7% kế hoạch và tăng 4,14% so với năm 2021; giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 123,2 triệu đồng/ha, tăng 13,2 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Sự phát triển đa dạng và tốc độ tăng trưởng ổn định của các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã minh chứng một nền nông nghiệp đa dạng và còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Lương Hạnh

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/vi-the-cua-nong-nghiep-thai-nguyen-a7400.html