Năm nào cũng vậy, từ khoảng mùng 10 tháng Chạp, khu vực Cầu 31 (Thị xã Sa Pa, Lào Cai) lại nhộn nhịp kẻ bán, người mua đào. Nơi đây trở thành "sàn giao dịch" đào đá lớn nhất Lào Cai. Những cây đào đá, hay còn gọi là đào mốc, có thân rêu phong, hoa đơn cánh phớt hồng mang sắc màu độc đáo của vùng cao được người tiêu dùng ưa chuộng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho nông dân Sa Pa.
Theo người dân vùng cao Sa Pa, đào được trồng ở Sa Pa có tuổi từ 5 năm trở lên, do đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, từ thân cây mọc ra những nhúm rêu, vỏ cây xù xì, có màu sắc như đá núi nên được gọi là đào đá. Đào Sa Pa trưng bày trong phòng khách ngày Tết mang nét sang trọng, quý phái.
Chợ đào đá là nơi tập trung những cành đào đẹp nhất, vì vậy các thương lái ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng tập trung về đây để chọn đào. Trong đó, một số tỉnh có lượng người tiêu dùng ưa thích loại đào này là Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... Không ít cành đào có giá cả trăm triệu đồng. Yếu tố quyết định giá trị cành đào đá là thế đào, độ rêu phong và lượng nụ trên mỗi cành.
Điều đặc biệt ở đào đá chính là sức sống lâu bền của nó như biểu trưng cho sự bền vững, thịnh vượng. Những thân đào xù xì, nụ ngậm chặt nhưng đến 30, mùng một Tết là bung nở rực rỡ.
Để đưa những cành đào đá xuống núi không hề đơn giản. Người dân bản địa Sa Pa chuyên nghề bán đào đá có hành trình tìm kiếm những cây đào đẹp từ tháng 11 âm lịch. Anh Chảo Láo Sì đã có 5 năm bán đào đá Sa Pa cho biết, tháng 11 âm lịch, sau khi thu hoạch mùa màng xong, anh lấy xe máy đi khắp các thôn bản ở Sa Pa.
Nơi tập trung nhiều vườn đào đẹp nhất là thôn Sâu Chua, phường Sa Pa. Ở đây có những gốc đào vài chục năm tuổi, thậm chí cả trăm tuổi nhưng giá đào ở đây cũng đắt như vẻ đẹp của nó. Anh Sì sẽ đặt trước tiền cho các hộ trồng đào để được chọn đào. Anh Chảo Láo Sì cho biết: “Trong thời gian làm nghề bán đào, kỷ lục của tôi là bán được cành đào giá 30 triệu đồng. Những người làm nghề này cũng vất vả không kém, họ phải thuộc đường, cứng tay lái ở cung đường xấu nhất và phải có kiến thức phong thủy để biết được thế đào nào đẹp nhất”.
Không khí ở chợ đào đá nhộn nhịp từ rất sớm, không ít người sành chơi đào ở Hà Nội tự lái xe lên đây chọn đào rồi chở về. Anh Trần Tiến Long, người Hà Nội cho biết: “Sáng sớm tôi lái xe từ Hà Nội, khoảng 5 tiếng đến chợ, tôi đã chọn được cành đào như ý và mua giúp một vài người bạn trong khu phố. Lý do khiến tôi vượt quãng đường xa đến tận đây để chọn đào là vẻ đẹp núi rừng, sự cổ mộc của đào đá Sa Pa”.
Với người dân vùng cao, sự nhộn nhịp của chợ đào đá đem lại cơ hội thu nhập cho họ. Không chỉ những người bán đào có thu nhập khá mà phụ nữ, người già cũng có cơ hội tìm được việc làm. Họ bó đào thuê cho những xe chở đào, mỗi ngày cũng có thể kiếm được 200 nghìn đồng, thậm chí hơn số đó. Chị Chảo Lở Mẩy, người bó đào thuê cho biết: “Công việc đòi hỏi đôi tay rất khéo léo. Chúng tôi dùng dây nilon bó gọn những cành đào lại nhưng không được phép để đào gãy cành. Tuy vất vả nhưng được trả công xứng đáng, giúp chúng tôi có tiền mua quần áo mới cho các con mặc Tết”.
Những cành đào từ chợ đào đá Sa Pa tỏa đi khắp mọi nơi, trang hoàng cho ngôi nhà trên phố. Tết phải có cành đào đẹp mới thu hút được vượng khí về gia đình - đó là quan niệm của hầu hết các gia đình Việt. Cũng vì ý nghĩa đó mà đào đá Sa Pa với vẻ đẹp riêng luôn có giá trị riêng. Chợ đào đá họp đến khoảng 27 - 28 tháng Chạp là nghỉ, phiên chợ là niềm hi vọng của những người vùng cao làm nghề bán đào về một cái Tết ấm no.
Vân Thảo
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/doc-dao-san-giao-dich-dao-da-sa-pa-a7386.html