Tết nhảy của người Dao Tiền được tổ chức vào đúng dịp Tết Nguyên đán với mong muốn tạ ơn thần linh, tổ tiên, hy vọng một năm mới may mắn, bình an. Ảnh chụp Tết nhảy tại xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Theo quan niệm của người Dao Tiền, Tết nhảy là một trong những nghi lễ truyền thống của cộng đồng người Dao để tạ ơn thần linh, cầu cho năm mới nhiều tài lộc, may mắn; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Trong phạm vi dòng họ, Tết nhảy được hộ gia đình hoặc một nhóm hộ cùng nhau góp lễ tổ chức, thu hút người dân trong bản cùng tham gia. Thời gian tổ chức Tết nhảy được ấn định vào chiều 30 tháng Chạp hoặc chiều ngày 29 đối với tháng thiếu và kết thúc vào chiều mùng 2 Tết. Một số hộ có thể kéo dài đến hết ngày mồng 4 Tết.
Để chuẩn bị cho Tết nhảy thật chu đáo, gia đình ông Triệu Văn Lún ở xóm Tằm, xã Cao Sơn đã sẵn sàng cho các nghi lễ. Gia chủ trang trí ban thờ bằng vải đỏ và chuẩn bị ba tấm tranh thờ. Cây trúc và bánh trôi là biểu tượng cho sự bình yên, mưa thuận gió hòa; cây mía là biểu tượng cho sự ngọt ngào, êm ả cả một năm. Các lễ vật này được trưng bày trên bàn thờ và bàn hạ vị. Ngoài ra, trong nghi lễ có mười loại binh khí, biểu tượng cho việc xua đuổi ma tà và cầu mong vận lộc tài cho mọi người. Tất cả công cụ này đều được làm bằng gỗ và trang trí hoa văn tượng trưng. Nhạc cụ sử dụng trong Tết nhảy gồm có trống, chiêng, sáo trúc… Ông Lún cho biết: "Trước khi gia chủ khai lễ, mở màn là ba hồi trống, chiêng báo hiệu mời các vị thần thánh, tổ tiên chứng giám lòng thành của con, cháu. Xua đuổi những vận hạn của năm cũ, cầu cho năm mới sức khỏe, bình an, tấn tài, tấn lộc. Sau khi nhà chủ khai lễ, mọi người cùng nhau chèo múa mừng khai hội với những làn điệu mang đậm bản sắc dân tộc trong tiếng trống, tiếng chiêng. Mỗi tiết mục chèo múa diễn ra từ 30 phút – 1 giờ. Số lượng người tham gia không giới hạn nhưng phải là số chẵn, cầm các dụng cụ được làm bằng gỗ như dao, búa… với mục đích xua đuổi tà ma, vận hạn và đen đủi ra khỏi nhà”.
Ngoài ra, một trong những nghi lễ truyền thống được diễn ra trong đêm giao thừa đó là bắt đầu từ 2 giờ sáng, ba hồi chuông nổi lên, gia chủ mặc trang phục áo tế vào cúng lễ tại bàn thờ để khấn báo tạ ơn thần linh, Bàn vương, tổ tiên che chở, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa. Sau khi gia chủ thực hiện nghi lễ cúng, 10 người là con, cháu trong dòng họ được coi là những binh sĩ xoay người về phía cửa, đứng thành hàng để nhận binh khí do thầy cúng giao cho để xua đuổi tà ma tam sắt và rủi ro vĩnh viễn ra khỏi bản làng. Sau đó, thầy cúng và binh sĩ cùng xin lộc năm mới quay trở về quy tụ vào bàn thờ để phụ hộ cho mọi người và tiếp tục chèo múa, nhún nhảy theo tiếng trống, chiêng kết thúc lễ đón giao thừa.
Mỗi điệu nhảy đều tuân thủ chặt chẽ theo truyền thống, các động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế, được biểu diễn lặp đi, lặp lại nhiều lần cùng diễn xướng hát những bài hát cổ xưa với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ, gả chồng, sinh con trong từng gia đình.
Nghệ nhân Lý Văn Hềnh ở xóm Sưng, xã Cao Sơn cho biết: "Một trong những điểm đặc sắc của Tết nhảy đó là vào ngày mồng 2 Tết diễn ra nghi lễ chúc tân niên, được xem là nghi lễ thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Dao. Theo đó khi thấy đông đủ già, trẻ, gái, trai trong bản làng đến, gia chủ thắp hương rải chiếu giữa nhà rồi nổi nhạc hương khí ba hồi, báo cho tổ tiên biết và mọi người cùng vào làm lễ chúc Tết tại thảm chiếu. Trong đó một vị cao niên đại diện để mọi người đồng thanh nói theo. Nội dung là khấn cầu những điều may mắn, cầu lộc, cầu tài… rồi tất cả cùng nhau bái lạy. Cùng với đó là chèo múa những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc”.
Trong đời sống đồng bào người Dao Tiền hiện nay, Tết nhảy không chỉ đơn thuần là một trong những lễ hội đầu xuân năm mới để tạ ơn thần linh, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, cầu tài, sức khỏe… mà còn mang ý nghĩa là ngày đoàn tụ của dòng họ. Với những người Dao Tiền sinh sống và làm việc xa quê hương, Tết nhảy chính là ngày hội để trở về bên gia đình. Đây cũng là dịp để các cụ ông, cụ bà truyền dạy cho con cháu phong tục tập quán, học chữ Dao, nghề đan lát… Với Tết nhảy, cộng đồng người Dao dường như xích lại gần nhau đoàn kết và phát triển với niềm tin về một năm mới may mắn, bình an, hạnh phúc.
Đức Anh
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/tet-nhay-de-dong-bao-dao-di-xa-tro-ve-a7374.html