Nhập nhèm san gạt quốc lộ 4D: Ai chịu trách nhiệm?

Lào Cai - Lợi dụng mở rộng quốc lộ 4D, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị san gạt, đổ thải bừa bãi ở Sa Pa. Thế nhưng, ai chịu trách nhiệm cho những hậu quả này?

IMG_9306

Một nhà xưởng dựng trái phép trên đất nông nghiệp mặt đường quốc lộ 4D. Ảnh cắt clip

Có bao nhiêu điểm san gạt, đổ thải trái phép?

Việc nhập nhèm, lợi dụng mở rộng quốc lộ 4D để san gạt, đổ thải bừa bãi tại Sa Pa (Lào Cai) diễn ra từ lâu, kéo dài nhưng không hiểu vì lý do gì không bị phát hiện và xử lý triệt để. Hàng nghìn khối đất đá đã bị đào bới, đổ thải trái phép. 

Song nghiêm trọng hơn là việc san gạt không tuân theo bất kỳ quy chuẩn xây dựng nào. Tại những đoạn đào trộm đất để san tạo mặt bằng, máy xúc được sử dụng bới móc đất, cắt chân những quả đồi, núi, tạo ra các vách đất thẳng đứng hết sức nguy hiểm. 

Ghi nhận tại những điểm san gạt trái phép lợi dụng cắt cua điểm đen quốc lộ 4D nói trên, đã xảy ra tình trạng sạt lở, đất đá làm sập những căn nhà tôn. 

Điều đáng nói, từ trước đến nay, đoạn quốc lộ 4D đi qua địa phận thị xã Sa Pa nói riêng cũng như dọc tuyến quốc lộ từ Lào Cai đi Lai Châu không hiếm các vụ sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho những rủi ro “nhân tai” này?

Cũng theo ghi nhận của PV, những mảnh đất sau khi san gạt mặc dù chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng trồng cây lâu năm, nhưng có giá đến hàng tỷ đồng, vì theo người bán chúng có thể chuyển thành đất ở. 

Tuy nhiên, trước việc san gạt vô tội vạ, liệu những mảnh đất này có đảm bảo an toàn để ở và ai sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra sạt lở, làm thiệt hại về người và tài sản? Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất ở tại những khu vực này cần phải thẩm định, đánh giá về mức độ an toàn vì đã thay đổi hiện trạng đất?

Sa Pa từng rất chặt chẽ trong việc chuyển mục đích sử dụng đất đến mức xảy ra nhiều vụ kiện cáo về vấn đề này.

Song đến nay thì không hiểu vì lý do gì, khu vực đất dọc quốc lộ 4D đoạn qua phường Phan Si Păng và phường Ô Quý Hồ đã bị sạt gạt, đổ thải bừa bãi trong thời gian dài. Đặc biệt, sau khi thực hiện san lấp đất, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được “hô biến thành đất phi nông nghiệp” để xây dựng nhà xưởng, mặt bằng kinh doanh… trái phép. 

Screen Shot 2023-01-04 at 10.27.09

Một điểm san gạt đất nông nghiệp trái phép xảy ra sạt lở. Ảnh cắt clip

Có xử lý được trách nhiệm cá nhân?

Được biết, ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa đã yêu cầu UBND xã, phường chủ trì, phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội quản lý trật tự đô thị và các cơ quan đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra rà soát, kịp thời phát hiện các sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để phát sinh thêm khối lượng vi phạm, công trình vi phạm; 

Trường hợp tiếp tục để sảy ra sai phạm, phát sinh khối lượng sai phạm người đứng đầu UBND các xã, phường chịu toàn bộ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thị xã.

Tổ chức họp để làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan trong việc không kịp thời theo dõi, kiểm tra, phát hiện dẫn đến các hộ gia đình tự ý san gạt đất, xây dựng công trình vi phạm, báo cáo Chủ tịch UBND thị xã trước ngày 30/12/2022. 

Đặc biệt, UBND thị xã Sa Pa đề nghị Sở Giao thông - Xây dựng tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị thi công tuyệt đối không sử dụng máy móc, thiết bị, con người thực hiện hành vi san gạt trái phép đất cho người dân (ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng, dự án) tại các vị trí cắt cua, xóa điểm đen giao thông trên tuyến quốc lộ 4D, đoạn qua thị xã Sa Pa. Nếu phát hiện, thị xã Sa Pa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành tịch thu phương tiện, máy móc, thiết bị và xử lý nghiêm theo quy định…

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Hải Đăng

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nhap-nhem-san-gat-quoc-lo-4d-ai-chiu-trach-nhiem-a7356.html