Ít mưa lũ, giá cát xây dựng ở vùng cao tăng chóng mặt

Giá cát xây dựng ở một số huyện vùng cao Lai Châu lên đỉnh điểm mà nguyên nhân chủ yếu do khu vực này ít có mưa lũ trong những tháng vừa qua.

IMG_8782

Giá cát xây dựng ở vùng cao Lai Châu tăng đột biến (Ảnh cắt từ clip)

Giá cát xây dựng cao ngất ngưởng

Huyện Tân Uyên (Lai Châu) có địa hình chủ yếu là núi cao với độ dốc lớn, nhiều khe nước, suối... Ở đây, mùa mưa thường bắt đầu từ khoảng cuối tháng 4 cho đến tháng 9. Cũng chính thời điểm này, nước đổ dồn về cuốn theo đất đá do đó tạo ra nguồn tài nguyên quý, không thể thiếu trong xây dựng đó là cát. 

Thế nhưng, do diễn biến thời tiết trong năm nên những con sông, con suối ở Tân Uyên, nơi có điểm mỏ cát đã không thu được nhiều loại khoáng sản này. Giá cát xây dựng ở Tân Uyên đã tăng đột biến, trên 500 nghìn đồng/m3.

Tại Tân Uyên, những điểm bán vật liệu xây dựng nằm 2 bên con đường chính dẫn vào thị trấn. Chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở cho biết, chỗ tôi có hơn 100 khối, bán tại bãi xúc lên xe là 350 nghìn đồng/khối, không có hóa đơn. Lấy hóa đơn phải mua thẳng hóa đơn trên Lai Châu thôi vì cát này chỉ bán lẻ cho xe nhỏ nhỏ. Hiện nay người ta còn đang bán với giá 430 nghìn đồng/khối.

IMG_416F8B56881A-1

"Xe cọc rào" đổ cát đầy ặp trước khi lăn bánh (Ảnh cắt clip.)

Ở một điểm bán vật liệu xây dựng cách đó không xa, ông chủ của cửa hàng cho hay, cát công trình hiện chỉ còn ít, còn cát xây chủ yếu ở Phong Thổ xuống. Cát thường ở đây bán 350 nghìn đồng/khối, cát xây là 450 nghìn đồng/khối. Giá cát ở đây đợt này cao lắm. Cát nếu kéo từ Văn Bàn (Lào Cai) về đây còn phải 550 nghìn đồng/khối...

Giải thích cho lý do giá cát tăng cao, người này cho hay, năm nay suối ở huyện này không có lũ nên không có cát. Ở đây mấy trạm trộn cho thủy điện họ mua cũng 500 nghìn đồng/khối rồi. 

"Bình thường tầm này năm ngoái còn 2-3 ngàn khối cát, sang đến năm nay trước khi hết mùa mưa đã không còn cát để bán buộc phải nhập cát từ Phong Thổ về. Cả Than Uyên cũng phải mua ở đó để kéo về, đi qua đây. Ở đây không còn nhà nào có trữ lượng lớn đâu", chủ cửa hàng nói. 

Người này giới thiệu cho PV một điểm mỏ bán cát trong huyện Tân Uyên. Qua trao đổi, người quản lý điểm mỏ cho hay, đây là một trong 4 điểm mỏ được phép của tỉnh Lai Châu tuy nhiên năm nay cũng không có số lượng cát lớn bán cho công trình.

"Năm nay không mưa lũ, sông suối cạn thì lấy đâu cát mà hút. Ở đây, người bán lẻ hiện đều phải kéo cát từ Phong Thổ. Cát năm ngoái chỉ vài chục nghìn không ai mua, năm nay thì khan", người quản lý nói. 

IMG_8781

"Xe cọc rào" chở cát ướt ì ạch từ trung tâm thị trấn Phong Thổ đi ra (Ảnh cắt clip)

Xe cọc rào ì ạch, thay nhau chở cát

Không chỉ Tân Uyên mà những địa phương khác của tỉnh Lai Châu cũng đều gặp tình trạng giá cát tăng cao ngất ngưởng. Cát được khai thác ở huyện Phong Thổ được lựa chọn để bù đắp phần thiếu hụt, thay thế nhưng chi phí vận tải trên mỗi khối cát còn cao hơn cả giá bán cát. 

Tại điểm bán, hút cát ngay trung tâm thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ, Lai Châu), máy xúc và xe cộ ra vào tại đây tấp nập để lấy cát.

Vòi hút cát thì được đặt chạy thẳng từ sông lên bờ, kịp cấp cát cho những chuyến xe đang chờ đợi. Một số tàu khai thác cát dưới sông gào ầm ĩ, nhả khói đen kịt để móc khoáng sản dưới lòng sông. 

Tại vị trí khai thác và bãi tập kết cát này không được lắp đặt bảng thông báo tại bờ sông công khai thông tin giấy phép khai thác, diện tích và sơ đồ phạm vi khu vực khai thác, diện tích bãi tập kết; thời gian khai thác; tên, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát... theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều đáng nói, vị trí khai thác và bãi tập kết này không có trạm cân... để cơ quan chức năng quản lý. 

Trong khi, những "xe hổ vồ" bị siết chặt tải trọng, hạ thành thùng thì loại "xe cọc rào" được sử dụng để chở cát, như một cách "thay thế". 

Ghi nhận tại vị trí nêu trên, những "xe cọc rào" - ô tô đầu kéo - mang kiểm soát của tỉnh Yên Bái, Lai Châu có tải trọng 38 - 39 tấn, kéo theo rơ-moóc dài từ 12 - 15m vào "ăn" cát đầy ặp.

Sở dĩ làm được như vậy, tài xế phải căng bạt quây thùng xe. Các "xe cọc rào" này mang theo một lượng lớn cát ẩm ướt, có dấu hiệu quá tải. Đặc biệt, khi qua những đoạn đèo dốc những chiếc xe khó nhọc lăn từng bánh. 

Mỗi ngày, hàng chục xe ra vào "ăn cát" rồi đi thẳng ra quốc lộ 12, không phải cân tải trọng. Không rõ cơ quan chức năng làm thế nào để ngăn chặn việc gian lận, ăn cắp tài nguyên tại đây nếu có?

Suốt hành trình từ Phong Thổ đến Tân Uyên, lái xe phải dừng nghỉ nhiều chặng và mất 3 - 5 tiếng đồng hồ mới đến đích. 

Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng cho hay, mỗi "xe cọc rào", con thì kéo 60 hoặc 70 khối tùy con moóc dài hay ngắn. Mỗi khối nhân với cát thường là 1,25 tấn/khối, còn cát bê tông xịn khoảng 1,6 tấn/khối, tính ra mỗi xe chở cả trăm tấn.

"Xe cọc rào" mới kéo được, vì cước "xe hổ vồ" cao, kéo được mười mấy khối ăn thua gì. "Xe cọc rào" kéo từ Phong Thổ vào đây (Tân Uyên) là 200 nghìn đồng/khối. Ở đây sẵn mà, điện thoại là người ta kéo về, người này nói.

Hải Đăng

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/it-mua-lu-gia-cat-xay-dung-o-vung-cao-tang-chong-mat-a7325.html