Yên Bái: Bưởi tiến vua giảm sản lượng vì hoạt động khai thác cát bừa bãi

Hoạt động khai thác cát trên sông Chảy khiến những vườn bưởi "tiến vua" tại xã Đại Minh, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Yên Bái: Bưởi tiến vua giảm sản lượng vì hoạt động khai thác cát bừa bãi
Dòng sông Chảy đoạn qua địa bàn xã Đại Minh bị đào xới tan hoang. Ảnh: Văn Đức

Xã Đại Minh nổi tiếng với những trái bưởi "tiến vua" ngon nức tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Vùng đất này hằng năm mang lại thu nhập bình quân cho người dân trong vùng ước đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

Dòng sông bị thay đổi dòng chảy nghiêm trọng do quá trình khai thác cát. Ảnh: Văn Đức.
Dòng sông bị thay đổi dòng chảy nghiêm trọng do quá trình khai thác cát. Ảnh: Văn Đức

Tuy nhiên, những năm gần đây, rất nhiều diện tích bưởi của người dân đã bị dòng Chảy cuốn trôi do hoạt động khai thác cát tràn lan.

Theo ông Trần Quang Khải (thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh), kể từ khi Công ty Trường Phát (có trụ sở tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình) về khai thác cát từ năm 2010 đến nay, diện tích đất của người dân ven sông bắt đầu bị lở và cuốn trôi. Giờ diện tích đất bị mất rất lớn, có nơi chiều dài khoảng 200m, chiều sâu gần 50m.

Ông Khải cho biết, thôn Khả Lĩnh có khoảng 30/60 hộ bị ảnh hưởng sạt lở, cơ quan chức năng cũng làm bờ kè nhưng cũng chỉ được một đoạn rồi để đó, giờ vẫn nhiều hộ bị ảnh hưởng sụt sạt liên tục, cũng không biết vườn bưởi của mình lúc nào bị cuốn đi mất.

Những vạt dài bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng trong tương lai gần do ảnh hưởng của việc khai thác cát bừa bãi trên dòng sông Chảy. Ảnh: Văn Đức.
Những vạt dài bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng trong tương lai gần do ảnh hưởng của việc khai thác cát bừa bãi trên dòng sông Chảy. Ảnh: Văn Đức

Nhiều người dân thôn Khả Lĩnh cũng cho biết thêm, các tàu thuyền này hoạt động rầm rộ từ sáng đến đêm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của những hộ gia đình sống gần ven sông.

Ngoại trừ hôm nào có đoàn kiểm tra hay đoàn công tác của tỉnh, huyện, mọi hoạt động trên sông mới dừng lại.

Theo sự chỉ dẫn của ông Khải, chúng tôi có mặt dọc bờ sông Chảy đoạn qua địa phận xã Đại Minh. Hai bên bờ nham nhở những điểm sạt lở, có điểm sạt dài đến hàng trăm mét, có đoạn bị đào bới sâu hàng chục mét.

Dọc ven bờ sông Chảy, lôm côm những điểm tập kết cát, tàu hút rầm rập tập kết, các vòi hút được cắm thẳng xuống sông, tiếng máy, tiếng động cơ ầm ầm cả ngày.

Ông Khải đau đớn chỉ những điểm đã bị sạt lở do ảnh hưởng của tàu hút cát. Ảnh: Văn Đức.
Ông Khải bức xúc chỉ những điểm đã bị sạt lở do ảnh hưởng của tàu hút cát. Ảnh: Văn Đức

Tại thôn Quyết Tiến 12, người dân nơi đây bức xúc kể, nhiều nhà nhận tiền cọc của thương lái mua cả vườn bưởi, sắp đến mùa thu hoạch thì bị sạt lở, cuốn đi mất. Nhiều nhà thất thu hàng trăm triệu đồng do hàng trăm gốc bưởi bị dòng sông nuốt chửng.

Theo những người dân nơi đây, vụ việc xảy ra do việc khai thác cát quá độ tại 2 bên bờ của Công ty Trường Phát và các công ty phía xã Đông Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Trong quá trình khai thác cát, các tàu hút, vòi hút cắm sâu, khai thác lâu năm khiến cho chân taluy bị rỗng, thời gian lâu dần, kèm mưa dẫn đến việc bị sạt lở.

Tàu hút vẫn hoạt động ngày đêm trên sông Chảy đoạn qua địa phận xã Đại Minh, huyện Yên Bình và xã Đồng Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Văn Đức.
Tàu hút vẫn hoạt động ngày đêm trên sông Chảy đoạn qua địa phận xã Đại Minh, huyện Yên Bình và xã Đồng Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Văn Đức

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh - thừa nhận việc trên và cho biết, diện tích bưởi Đại Minh bị giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, từ năm 2017, sau khi thực hiện kè bên bờ sông Chảy, hiện tượng trên cũng đã phần nào được khắc phục.

Theo vị lãnh đạo xã này, dọc khu vực bờ sông Chảy thuộc địa phận xã Đông Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cũng đang xảy ra tình trạng tương tự do hoạt động khai thác cát rầm rộ.

Văn Đức

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/yen-bai-buoi-tien-vua-giam-san-luong-vi-hoat-dong-khai-thac-cat-bua-bai-a7324.html