Du lịch Mù Cang Chải và cách làm của người trẻ

Họ là những người sinh ra, lớn lên ở Mù Cang Chải, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, yêu và trân quý tất cả những giá trị, nét đẹp độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc mình và họ cũng đang là những người mang tới “làn gió mới”, chắp cánh cho du lịch Mù Cang Chải vươn xa…

Porter Hờ A Hồng (người thứ ba, hàng đầu từ trái sang) ở xã Nậm Có cùng đoàn du khách chinh phục đỉnh Lùng Cúng.

Porter Hờ A Hồng (người thứ ba, hàng đầu từ trái sang) ở xã Nậm Có cùng đoàn du khách chinh phục đỉnh Lùng Cúng.

 

Ngược lên đồi Mâm Xôi chưa đầy 1 km, vào những ngày thời tiết thuận lợi, chỉ cần nhìn ra cửa sổ, việc được ngắm biển mây lững lờ bay ngang ngay qua tầm mắt là điều chưa bao giờ dễ dàng như thế ở homestay nhỏ xinh của Thào A Su, xã La Pán Tẩn. Nói chẳng ngoa khi "nhà” của A Su may mắn được thiên nhiên ban tặng cho góc "view triệu đô”. 

 

Tận dụng lợi thế sẵn có là vị trí trên cao, ngắm được toàn cảnh những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất ở Mù Cang Chải, A Su cố gắng thiết kế khuôn viên sao cho đơn giản nhất, bảo tồn nguyên vẹn cảnh vật thiên nhiên nào và chỉ thêm tiểu cảnh là bàn ghế gỗ, nhà ngô và trồng rất nhiều các loại hoa đào, cúc, tớ dày, tam giác mạch… 

 

Đáng giá nhất phải kể đến chính là ngôi nhà sàn với tầng 1 là bếp ăn, khu sinh hoạt chung và toàn bộ tầng 2 là không gian ngủ cộng đồng, đầy đủ tiện ích. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cuộc sống hàng ngày cùng vợ chồng A Su, không có sự cách biệt của những phòng riêng. Nói vậy không có nghĩa là A Su làm homestay theo bản năng, sở thích cá nhân.

 

Từ kết cấu đến từng chi tiết nhỏ nhất là kinh nghiệm mà vợ chồng anh tham quan, học tập và đầu tư làm bài bản. A Su khá thông thạo tiếng Anh giao tiếp, vợ A Su đã được học nấu ăn, tham gia tập huấn về phong cách phục vụ, cách bài trí giống như nhà hàng cũng như cách truyền thông, quảng bá, thu hút khách du lịch. 

 

Thào A Su chia sẻ: "Đầu tư gần 1 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất với diện tích homestay gần 500 m vuông, từ khi bắt tay vào làm du lịch, mình vẫn luôn nghĩ phải giữ được nhiều nhất không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Là người trẻ, mình thấy mình cần phải thay đổi, sáng tạo để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp”. 

 

Ngoài việc tập trung phát triển mô hình homestay, A Su cũng là một trong những porter - người dẫn tour leo núi, trekking (hình thức du lịch đi bộ dài ngày ở những nơi hoang dã) "đời đầu”. Những năm gần đây, porter nổi lên "rần rần” như một nghề, một công việc vừa tận dụng được nguồn lao động thuần thục đường lối bản địa, vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể. 

 

Chúng tôi may mắn khi được trải nghiệm hành trình cùng khá nhiều bạn porter khi chinh phục đỉnh Lùng Cúng (Mù Cang Chải) và Tà Chì Nhù, Tà Xùa (Trạm Tấu). Hình ảnh những thanh niên nhỏ bé, đôi chân thoăn thoắt vượt mọi đá ghềnh cùng gùi hàng trĩu nặng sau lưng khiến du khách trẻ vô cùng khâm phục. 

 

Một ngày dẫn tour leo núi của porter là dậy thật sớm, tập trung chuẩn bị và sắp xếp đầy đủ dụng cụ, lương thực, thực phẩm, túi ngủ, thảm lát, lều bạt... cho vào gùi để phục vụ cho hành trình chinh phục của du khách. 

 

Bạn Hờ A Hồng, xã Nậm Có - một porter khá dày dặn kinh nghiệm tâm sự: "Bắt đầu với công việc này em ý thức được trách nhiệm của mình. Em cùng các anh em khác phải phân bổ công việc sao cho hợp lý, luôn đi kèm khách. Nếu đoàn tách nhau vì vấn đề thể lực, cần giữ cự ly giữa các nhóm để tránh bị lạc, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho từng người". 

 

Đến lán nghỉ, porter sẽ đến trước để dọn dẹp, đun nước nóng cho khách tắm và chuẩn bị bữa tối; chuẩn bị đồ ăn sáng, chuẩn bị đồ cho hành trình hôm sau. Vui nhất là khi nhìn thấy du khách vượt qua giới hạn bản thân, chinh phục được những đỉnh núi, chúng em thường nói vui với nhau, porter còn phải học thêm món nghề chụp ảnh để du khách được hài lòng nhất” - A Hồng nói. 

 

Homestay A Su thu hút rất nhiều đoàn viên thanh niên đến thăm quan, học tập. 

 

 

Hiện nay, du lịch sinh thái đã và đang dần trở thành "môi trường khởi nghiệp” hấp dẫn giới trẻ. Không ai hiểu được văn hóa và đời sống một cộng đồng bằng chính các thành viên đang sinh sống trong cộng đồng ấy. Bởi vậy, những bạn trẻ người dân tộc thiểu số ở Mù Cang Chải luôn nỗ lực, ngày đêm miệt mài thực hiện khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc và quảng bá du lịch địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có hơn 50 mô hình homestay do thanh niên làm chủ. 

 

Trong đó, tiêu biểu như Homestay Dò Gừ với 8 phòng nghỉ, cho thu nhập trên 500 triệu đồng; Công ty TNHH Hello Mù Cang Chải với 8 nhà bugalow và 5 phòng nghỉ cộng đồng; Homestay Trâm Pa Pỉnh Tộp… 

 

Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các đề án của tỉnh, huyện, để khuyến khích, động viên, giúp đỡ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) làm du lịch, Ban Thường vụ Huyện đoàn Mù Cang Chải đã chỉ đạo các cơ sở đoàn hướng dẫn, định hướng, tư vấn cho ĐVTN triển khai các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tình hình địa phương, các tổ hợp tác được hình thành theo 2 hướng gồm: xây dựng các tổ hợp tác phát triển kinh tế về kinh doanh, dịch vụ và xây dựng tổ hợp tác phát triển kinh tế về nông, lâm nghiệp. 

 

Cùng với đó, Huyện đoàn đã tăng cường tuyên truyền về các mô hình tốt, hiệu quả kinh tế cao trên trang mạng xã hội Zalo, Facebook…; tổ chức các hoạt động tham quan thực tế tại các mô hình kinh tế hiệu quả; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho ĐVTN vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm, cách thức để xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn. 

 

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở đoàn tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch. Đặc biệt định hướng, hướng dẫn ĐVTN phát triển các loại hình khám phá những nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông; phối hợp với các có quan, đơn vị tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc dân tộc; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình đồng hành với thanh niên mà trọng tâm là Chương trình Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; tham mưu cho Thường trực Huyện ủy tổ chức gặp mặt, đối thoại với ĐVTN có mô hình phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện để có sự định hướng, hỗ trợ kịp thời.

 

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lan tỏa mạnh mẽ, những cách thức kinh doanh, khai thác du lịch theo kiểu truyền thống, lối mòn đã không còn phù hợp và mang lại hiệu quả như trước nữa. Sự xuất hiện của một bộ phận giới trẻ năng động, đón đầu trào lưu tham gia vào phát triển, quảng bá du lịch địa phương đã "thổi làn gió mới”, đưa hình ảnh thiên nhiên, con người Mù Cang Chải đậm nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam. 

Mai Linh

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/du-lich-mu-cang-chai-va-cach-lam-cua-nguoi-tre-a7323.html