Những ngày đầu năm mới, trong tiết trời lạnh và sương mờ đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc, bà con người Mông lại xúng xính váy áo, rộn ràng đi trẩy hội Gầu Tào. Đây là lễ hội đầu xuân được mong chờ nhất trong năm, được tổ chức gắn liền với Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.
Lễ hội Gầu Tào năm nay được tổ chức tại sân vận động trung tâm xã Pà Cò (xóm Xà Lính, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) trong 2 ngày 31.12 và 1.1.2023.
Ngay từ sáng sớm, khi màn sương còn vương trên đỉnh núi, những tia nắng sớm đầu năm bắt đầu chiếu xuống những bản làng vùng cao Hòa Bình, người người, nhà nhà đã đổ về địa điểm tổ chức hội.
Lần lượt giới thiệu từng trò chơi và nét văn hóa có trong lễ hội Gầu Tào, anh Tráng A Dính (xã Hang Kia, huyện Mai Châu) chia sẻ: "Gầu Tào không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng mỗi người Mông sinh ra đã thấy nó hiện diện, gắn bó và lâu dần trở thành một lễ hội đặc sắc không thể thiếu".
Anh Dính chia sẻ, theo lời của nhiều bậc cao nhân trong làng kể lại, trước đây, Gầu Tào chỉ là một lễ, được tổ chức trong quy mô các dòng họ vào ngày 17 hoặc 27.7 âm lịch. Với ý nghĩa giải đi những vận hạn, xui xẻo và cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.
Năm 2017, lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình phục dựng lễ hội Gầu Tào và tổ chức tại sân vận động xóm Xà Lĩnh, xã Pà Cò.
"Độc đáo nhất là nghi lễ dựng cây nêu. Cây nêu trong lễ hội Gầu Tào mang biểu tượng cây thiêng nối trời với đất, nguyện cầu sinh con, vụ mùa bội thu" - anh Dính nói.
Theo đó, lễ dựng cây nêu bắt đầu từ nghi lễ chặt tre, người chủ lễ làm lễ, cầm ô che, vừa hát bài "chía dìn sê” (chặt cây nêu). Hết bài hát, cây tre tiếp tục được chặt, tỉa gọn gàng, chừa lại phần ngọn và vác về phía lễ hội. Đến bãi hội, mọi người đào lỗ cắm cây tre, lúc này gọi là cây nêu.
Chủ lễ buộc lên ngọn cây nêu hai dải vải lanh màu đen và đỏ, một bầu rượu, ba bông lúa nếp và một túm cây "sưi” (họ dương xỉ) rồi mọi người cùng nhau dựng nêu, quay ngọn về hướng mặt trời mọc.
Trên ngọn cây nêu còn treo một vòng tròn nhỏ, vòng tròn này buộc nhiều thứ khác nhau như lá phướn, những chiếc khánh (chuông gió) va vào nhau kêu leng keng trong gió.
Trên cây nêu cũng treo 1 quả bầu, bên trong có rượu và các hạt giống ngô, lúa, miếng vải lanh màu đỏ để kính báo với thần linh. Tất cả những vật ấy biểu tượng của phồn thực, của cầu mùa. Cây nêu được trang trí thêm các hình nộm, hoa văn rực rỡ màu sắc.
Khi dựng cây nêu xong, thầy cúng thực hiện cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu để trời đất, thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, hạnh phúc, làm ăn được mùa.
Đến với lễ hội Gầu Tào năm nay, ngoài việc được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá, du khách còn được tham quan các gian hàng ẩm thực, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào vùng cao; được hòa mình vào các hội thi ẩm thực, giã bánh dày, ném pao và Hội thi trang phục, người đẹp, cà kheo.
Trao đổi với PV, ông Sùng A Sía - Chủ tịch UBND xã Pà Cò, huyện Mai Châu cho biết: "Lễ hội Gầu Tào năm 2023 được tổ chức ở quy mô cấp 2 xã Hang Kia - Pà Cò nhưng vẫn thu hút rất đông đảo du khách từ các địa phương về đây trải nghiệm những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mông".
Theo ông Sía, lễ hội Gầu Tào được tổ chức không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông mà còn xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho nhân dân và là dịp tăng cường quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, du lịch đặc trưng ở vùng cao Hòa Bình.
Khánh Linh
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nguoi-mong-vung-cao-hoa-binh-xung-xinh-vay-ao-tray-hoi-gau-tao-a7317.html