Tới dự và chỉ đạo buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, các ban ngành đoàn thể thuộc huyện Mù Cang Chải cùng toàn thể du khách trong nước và nước ngoài.
Dù lượn trên đỉnh Khau Phạ (cổng trời) Mù Cang Chải. |
Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải nhấn mạnh những tiềm năng du lịch, định hướng phát triển quảng bá, giới thiệu giá trị to lớn ruộng bậc thang, những phong tục tập quán, kết tinh văn hóa lễ hội, nét đẹp độc đáo của hoa Tớ Dày và các lễ hội độc đáo, ẩm thực Mù Cang Chải trong dịp Tết truyền thống của dân tộc.
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái. Nơi này được trời đất ban cho những thắng cảnh tuyệt đẹp, kỳ vĩ mà không ở nơi nào có được. Với độ cao trên 1.000m so với mặt biển, Mù Cang Chải được biết đến với những đồi núi trập trùng, xuất phát từ bàn tay lao động của người nông dân nơi đây, những cảnh quan mang tầm di sản văn hóa quốc gia đã được thiết lập. Ai đã từng đến đây trong mùa lúa chín mới cảm nhận được cái đẹp tuyệt mỹ của ruộng bậc thang - danh thắng quốc gia để lại bao nhiêu cảm xúc trong lòng du khách Việt Nam và quốc tế. Một địa chỉ đỏ của ngành Du lịch, điều mà du khách và ngay cả những người dân bản địa luôn trân trọng với mảnh đất này, bởi không chỉ phong cảnh thiên nhiên mà nơi đây còn toát lên một sức sống mới với bao tình cảm đằm thắm, thân thương, gần gũi, mến khách của những người dân miền sơn cước này. Mùa lúa chín ruộng bậc thang vừa qua đi và hôm nay nếu bước chân đến đây bạn sẽ tận hưởng một phong cảnh đẹp tuyệt vời của mùa hoa và rừng hoa Tớ Dày. Nếu ai đã từng ngắm hoa anh đào trong lễ hội của Nhật Bản thì rất có thể nhầm lẫn khi đến với lễ hội hoa Tớ Dày, cả một rừng hoa đỏ hồng rực rỡ và mạnh mẽ không chút e thẹn, nó đẹp và vững vàng như ý chí, sức sống của những người dân tộc H’Mông, cũng bởi nó được lớn lên từ thiên nhiên mà chẳng có chút chăm sóc nào của bàn tay con người.
Cùng với lễ hội hoa Tớ Dày, từ 24/12/2022 đến đầu năm mới 2023 tại Mù Cang Chải còn diễn ra nhiều lễ hội truyền thống khác như lễ hội bánh giầy, hành trình săn mây, người Mông xuống phố và các trò chơi dân gian như: đánh quay, ném còn, ném pao, nhảy ba bố, múa khèn, hát giao duyên và hội chim chào mào…
Rừng hoa Tớ Dày huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. |
Có thể nói, là một huyện vùng cao kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, là địa bàn xa nhất với trung tâm tỉnh, quán triệt và thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Yên Bái đề ra trong nhiệm kỳ, với tinh thần chủ động sáng tạo, đoàn kết và nỗ lực cao nhất, nhằm phấn đấu đưa huyện từng bước vượt qua khó khăn để ngày càng phát triển, tập thể, và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã tìm ra những bước đi phù hợp, biết tận dụng thế mạnh và thời cơ để có những quyết định phù hợp nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và đặc biệt tập trung hướng về cơ sở chăm lo quyền lợi, lợi ích và cuộc sống của người dân, vận động và thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết cùng nhau giữ gìn bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa vùng cao. Từ đó tạo nên một sức mạnh toàn dân và cũng chính từ đó những thế mạnh được xuất hiện ngày một nhiều hơn, tạo ra tiềm năng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày một đổi mới và phát triển
Lễ hội danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, dù lượn trên đỉnh cao Khau Phạ và lễ hội hoa Tớ Dày… đã phần nào minh chứng cho thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tầm nhìn sau rộng cách làm sáng tạo và thích ứng đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực của một huyện vùng sơn cước phía Tây Bắc Tổ quốc.
Sơn Lâm
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/yen-bai-le-hoi-hoa-to-day-mien-son-cuoc-mu-cang-chai-a7309.html