Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa có ý kiến giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Cao Phong và các đơn vị liên quan, nghiên cứu nội dung đề nghị của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Gia Bình về việc đề xuất tài trợ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu vực xã Hợp Phong, huyện Cao Phong.
Trước đó trong văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình, Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Gia Bình thể hiện đây là doanh nghiệp có địa chỉ tại phường La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội, thực hiện dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư nông thôn trên địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Hà Nam…
Được biết tại khu vực Hợp Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình có diện itchs khoảng 136,5 ha có vị trí thuận lợi về giao thông, địa hình phù hợp phát triển khu dân cư Gia Bình xin được tài trợ kinh phí nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết để thực hiện dự án theo quy định.
Lẽ tất nhiên việc một doanh nghiệp tư nhân tài trợ quy hoạch là hết sức bình thường, phù hợp với chủ trương, quy định của pháp luật và đang phổ biến ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên vấn đề ở chỗ quy hoạch mà Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Gia Bình xin tài trợ là dự án khu dân cư, quy hoạch trên diện tích khoảng 136,5 ha. Căn cứ văn bản phúc đáp của các cơ quan liên quan, diện tích rừng phục vụ dự án lại mỗi đơn vị mỗi khác.
Văn bản của UBND huyện Cao Phong do Chủ tịch UBND huyện Quách Văn Ngoan thông tin: Về Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất, trong số 136,6 ha có khoảng 55 ha rừng phòng hộ, 35 ha rừng sản xuất, 8 ha đất ở nông thôn, 10 ha đất trồng lúa, 18 ha đất trồng cây lâu năm, 10,5 ha diện tích còn lại là đất giao thông, nghĩa trang...
"UBND huyện Cao Phong ủng hộ chủ trương thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đầu tư các dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước tại huyện Cao Phong nhằm góp phần vào công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân địa phương”, văn bản do ông Quách Văn Ngoan ký nêu.
Trong khi đó văn bản của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình lại cho biết: Đối chiếu tọa độ ranh giới hồ sơ đề xuất với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, vị trí nhà đầu tư đề xuất tài trợ tài trợ lập quy hoạch chi tiết Khu dân cư có diện tích khoảng 136,58 ha, trong đó có 50,50 ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, 78,15 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Chỉ có 7,59 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng thuộc đối tượng phải chuyển mục đích sử dụng và 0,34 ha đất khác.
Đặc biệt, trong tổng diện tích 136,58 ha hiện trạng khi quy hoạch có rừng trồng, đất trống và khoảng 66,47 ha rừng tự nhiên.
Điều này khiến dư luận không khỏi bất ngờ và lo ngại. Là vì sao trên cùng một diện tích lập quy hoạch dự án lại có những con số quy hoạch diện tích rừng khác nhau như vậy? Nếu số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình là chính xác thì quy hoạch của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Gia Bình gần như “đè” hết lên quy hoạch diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng sản xuất của tỉnh Hòa Bình.
Lo ngại ở chỗ, tỉnh Hòa Bình đang phấn đấu nâng độ che phủ của rừng lên trên 50% tuy nhiên trong thời gian qua đã có nhiều dự án sân golf, bất động sản, xây dựng xâm lấn đất rừng, diện tích rừng, trong đó có nhiều dự án đã bị chỉ ra sai phạm.
Điển hình như năm 2021 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về dự án đầu tư xây dựng Sân golf Hòa Bình. Theo đó, việc UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án sân golf Hòa Bình trên diện tích 140,13 ha đất trồng rừng là chưa đúng với quyết định phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Sau khi kiểm tra, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng xin ý kiến về việc xây dựng sân golf trên diện tích đất rừng và điều chỉnh quy hoạch tại dự án này.
Hay như năm 2021, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có loạt bài dài kỳ phản ánh việc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng thực hiện dự án Khu trang trại nông, lâm kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill tại xã Thống nhất và phường Chăm Mát, TP Hòa Bình.
Dự án này đề xuất triển khai trên diện tích đất đã được quy hoạch là đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ và chưa phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình đến năm 2035 của UBND tỉnh phê duyệt.
Trở lại với đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Gia Bình về việc tài trợ quy hoạch chi tiết dự án khu dân cư trên diện tích hàng trăm ha rừng, thiết nghĩ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng.
Tài trợ quy hoạch là chủ trương đúng, tuy nhiên thực tế ở nhiều địa phương sau khi doanh nghiệp tài trợ quy hoạch đã dẫn đến khá nhiều hệ lụy. Doanh nghiệp lập quy hoạch sau đó có những động thái lobby, thao túng và chi phối một số cán bộ trong cơ quan quản lý để thực hiện dự án, không có yếu tố cạnh tranh, thiếu minh bạch trong quản lý đất đai.
Đó còn chưa kể khi doanh nghiệp tài trợ quy hoạch cũng đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích của người dân không được đặt lên đầu, thay vào đó là lợi ích nhóm. Đối với những dự án năng lực nhà đầu tư kém cỏi sẽ dẫn đến quy hoạch treo, mua bán dự án theo kiểu chộp giật kiếm lời, quan hệ móc ngoặc giữa cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, tham nhũng chính sách…
Và lo ngại lớn nhất, việc dể doanh nghiệp lấy rừng làm dự án nhà ở chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xanh của Chính phủ, chiến lược phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững. Nôm na là đánh đổi để lấy lợi ích trước mắt thay vì lợi ích lâu dài.
Dự án của Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Gia Bình đề xuất lập quy hoạch nếu thành hiện thực chắc chắn sẽ mất một diện tích rừng khá lớn. Chính vì vậy, trong văn bản phúc đáp của Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã đề nghị: Đối với diện tích đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng không tác động và không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; hạn chế tối đa đề xuất chuyển đổi đất thuộc quy hoạch rừng sản xuất nhằm đảm bảo độ che phủ rừng theo định hướng chung của tỉnh; không có các hoạt động làm thay đổi hiện trạng đất, rừng của khu vực thực hiện…
Hi vọng UBND tỉnh Hòa Bình cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trước khi có các quyết định liên quan dự án này.
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/dang-sau-viec-doanh-nghiep-gia-binh-khoanh-hang-tram-ha-rung-o-hoa-binh-a7284.html