Con đường khốn khổ giữa lòng huyện nông thôn mới ở Hòa Bình

Hòa Bình - Hàng trăm hộ dân bức xúc vì con đường nối từ thị trấn qua 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Vinh, Cao Sơn (huyện Lương Sơn) đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Con đường khốn khổ giữa lòng huyện nông thôn mới ở Hòa Bình
Tuyến đường nối 2 xã Tân Vinh và Cao Sơn đi qua nhiều cơ sở sản xuất gạch và khai thác đá.

Phản ánh tới Báo Lao Động, người dân tại 2 xã Tân Vinh và Cao Sơn rất bức xúc trước việc đường giao thông hư hỏng trong nhiều năm nhưng không được sửa chữa.

Ngày 10.12, PV đã có mặt trực tiếp tại tuyến đường được người dân phản ánh. Theo quan sát của PV, dọc con đường dài khoảng 9km, toàn bộ bề mặt đường đã bị hư hỏng nặng, bong tróc và các ổ voi, ổ gà "nằm" tràn lan.

Lớp nhựa đường trước kia đã không còn, thay vào đó là từng mảng đất đá lẫn lộn. Hai bên đường hằn lên những vết sụt lún, tạo thành hố sâu, đọng nước. 

Những ngày mưa, đường biến thành nơi chứa các “ao nước nhỏ“.
Những ngày mưa, đường biến thành nơi chứa các “ao nước nhỏ“.

Đặc biệt, đoạn qua xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn, mặt đường đã bị phủ lên một lớp đất dày, rải rác những vụn gạch vỡ được các doanh nghiệp đổ xuống. 

Thực tế trải nghiệm, tuyến đường liên nối 2 xã Tân Vinh và Cao Sơn chỉ vỏn vẹn 9km nhưng thời gian di chuyển mất đến gần 40 phút. Do đường xấu, phải liên tục tránh các ổ voi trên đường nên việc đi nhanh là không thể.

Tại đây, PV đã chứng kiến đến hàng chục lượt xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau, nặng nề luồn lách qua những đoạn đường gồ ghề, trên xe chở đầy gạch, đá dăm hay nhiều loại vật liệu xây dựng khác.

Đây là nơi nhiều xe có trọng tải lớn di chuyển qua.
Đây là nơi nhiều xe có trọng tải lớn di chuyển qua.

Mỗi lần xe đi qua, cả người đi xe máy và đi bộ đều phải dạt sang hai bên đường để tránh xe, tránh bụi bẩn, vũng nước đọng lại sau trận mưa vừa qua.

Sinh sống ngay cạnh mặt đường, nhiều năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, gia đình chị Bùi Thị Hồng (trú xóm Cời, xã Tân Vinh) đều phải hứng chịu những hệ lụy từ việc con đường trước nhà xuống cấp.

Chỉ tay xuống vũng nước sâu khoảng 30 - 40cm trước nhà, chị Hồng bức xúc nói: "Nắng thì khổ đằng nắng, mưa khổ đằng mưa, hố này vài ngày trước dân mới lấy đất đá lấp tạm mới đi được như vậy đấy. Mỗi ngày, có cả trăm lượt xe tải, xe đầu kéo chở gạch đi qua đây, ầm ầm cả ngày lẫn đêm".

Các biện pháp tưới nước, đắp đường cũng không thể giúp mặt đường phẳng phiu lâu dài.
Các biện pháp tưới nước, đắp đường cũng không thể giúp mặt đường phẳng phiu lâu dài.

Theo người dân, hàng ngày, cứ vào thời điểm khoảng 6 - 7h, khi người lớn đi làm, trẻ con đi học, đoạn đường này lại tắc thành hàng dài. 

Còn đối với ông Hoàng Văn Sáu (trú xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn): "Trời nắng thì còn đỡ chứ trời mưa khổ vô cùng. Nhiều hôm đón cháu về mà hai ông cháu bùn bắn bẩn hết quần áo, những ngày như vậy, đường trơn trượt nên chuyện xảy ra tai nạn xảy ra như cơm bữa".

Trao đổi với PV, ông Đinh Công Hân - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn xác nhận tuyến đường liên xã Tân Vĩnh - Cao Sơn dài 9km đã xuống cấp, hư hỏng từ những năm 2017 - 2018. 

Một số đoạn đường được chắp vá bằng gạch vụn.
Một số đoạn đường được chắp vá bằng gạch vụn.

Lý giải nguyên nhân, vị lãnh đạo cho biết, lượng phương tiện lưu thông trong mỗi ngày là khá lớn, chủ yếu là các phương tiện có trọng tải lớn, chở vật liệu xây dựng từ các công ty gạch, đá trên địa bàn ra thị trấn Lương Sơn, TP Hà Nội để tiêu thụ. Tính riêng xã Cao Sơn, hiện có 5 cơ sở sản xuất gạch có xe thường xuyên di chuyển qua tuyến đường này. 

"Hiện nay, chính quyền địa phương rất mong muốn các cơ quan có liên quan sớm quan tâm, đầu tư, nâng cấp sửa chữa tuyến đường để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương" - ông Hân nói thêm.

duong-cao-duong-1-1670856203.mp4

Đoạn đường này được thi công từ năm 2005 và kết thúc năm 2012 với tổng chiều dài 9km, nối 2 xóm Đầm Đa và Vai Đào, xã Cao Sơn, theo tiêu chuẩn đường liên xã do UBND huyện Lương Sơn làm chủ đầu tư.

Tuyến đường là nơi giao thương của bà con 2 xã Tân Vĩnh, Cao Sơn với các địa phương lân cận và con trẻ đi học hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng đường đã xuống cấp ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Được biết, tháng 7.2020, huyện Lương Sơn chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Trần Trọng - Khánh Linh

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/con-duong-khon-kho-giua-long-huyen-nong-thon-moi-o-hoa-binh-a7249.html