Về làng Ngọc Tích thăm đền Đế Thích

Vùng đất Cổ Bôn - Bồ Lô trang nay là xã Đông Thanh (Đông Sơn) vẫn được biết đến là vùng đất cổ xưa với nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tồn tại lâu đời. Trong đó di tích văn hóa và kiến trúc đền Cả - Đế Thích tọa lạc ở trung tâm làng Ngọc Tích (thuộc Cổ Bôn) là điểm nhấn tâm linh trong không gian vùng đất cổ văn vật.

Theo sách Địa chí Thanh Hóa (tập 2): “Kẻ Bôn là vùng đất khá cổ. Nơi đây chỉ cách di chỉ khảo cổ Núi Đọ, cách cồn Chân Tiên di tích sơ kỳ đồ đồng và Thiệu Dương (làng Giàng) di tích sơ kỳ đồ sắt chừng 3 - 4 cây số đường chim bay. Di tích trên địa phận Cổ Bôn còn có truyền thuyết “Cây đa Bồ Lô” và xa xưa, nơi đây còn gọi là Bồ Lô trang. Bồ Lô là từ Việt cổ cùng nghĩa với “khổng lồ”, “to đùng”... là khái niệm của người xưa phóng đại hiện tượng thiên nhiên theo tư duy thần thoại. Ở Cổ Bôn thờ khúc gỗ và con cáo trắng cũng là tín ngưỡng cổ sơ sau này chuyển hóa thành Đế Thiên Đế Thích và Hắc Bạch đại vương.

 

Còn theo các cụ cao niên trong làng, truyền thuyết cây đa Bồ Lô và tín ngưỡng thờ thần Đế Thích tức thần đánh cờ ở Cổ Bôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, không ai biết việc thờ thần Đế Thích tại đây có từ bao giờ. Nhưng tín ngưỡng cùng sự kính ngưỡng dành cho vị thần đánh cờ đã “ăn” sâu vào tâm thức người dân địa phương từ bao đời nay, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh đặc sắc.

Đền Cả - Đế Thích thờ vị thần đánh cờ trong truyền thuyết.

Sách Khảo sát văn hóa truyền thống Đông Sơn (NXB Khoa học xã hội, 1988) nhắc đến việc vị thần đánh cờ Đế Thích xuất hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với nhân vật cổ tích Trương Ba đánh cờ. Theo đó, khi xưa ở xứ Bồ Lô có một người tên Trương Ba đánh cờ rất cao tay, tiếng tăm lừng lẫy khắp nơi khiến người xa gần ngưỡng mộ. Thế cờ của ông Trương Ba rất cao, không có đối thủ. Bỗng một ngày, có ông lão tóc bạc phơ chống gậy trúc đến nhà Trương Ba, theo sau còn có hai thiếu niên rất đẹp đi hầu. Ông Trương Ba nhìn kỹ ông lão thấy da dẻ hồng hào, đôi mắt tinh anh, dáng đi nhanh nhẹn, tiếng nói cất lên vang như chuông vàng khánh ngọc thì biết không phải người thường. Cụ già ngỏ ý muốn được chơi cùng Trương Ba ván cờ đọ tài. Hai người chơi được 10 nước vẫn bất phân thắng bại. Tuy nhiên, “quân” của Trương Ba rơi vào thế bí, bị vây hãm buộc ông phải dùng “xe” để giải vây, ai ngờ xuất “xe” rồi thế bí càng bị vây hãm, cuối cùng đành phải chịu thua. Dẫu vậy, ông lão lại nói: “Cờ ngài đánh hay lắm, ở ván thứ 2 bốn lần ngài giải vây rất tài tình, nếu tôi không cẩn thận thì ván thứ 3 cũng xin thua luôn đấy. Hôm nay là ngày 18-8, hẹn năm sau đúng ngày này tôi trở lại gốc đa đánh cờ cùng ngài cho vui. Ngài thật là bậc cao cờ quán thế, mưu lược cao sâu, thế gian ít ai địch nổi. Tôi đã vui chân vãng cảnh ở nhiều nơi, đánh cờ có nhiều bậc cao cờ nhưng chưa hề gặp ai có nước cờ ấy”.

Người dân Cổ Bôn tin rằng, ông lão ngồi đánh cờ với ông Trương Ba khi xưa chính là ông tiên cao cờ Đế Thích. Vậy nên, dưới gốc đa thuộc xứ Bồ Lô - nơi Trương Ba đánh cờ cùng ông lão năm xưa (thuộc làng Ngọc Tích) người dân trong vùng đã dựng lên ngôi đền Đế Thích (còn gọi đền Cả), đồng thời tạc pho tượng Đế Thích để thờ trong đền. Khi xưa, vào ngày 18-8 mỗi năm dân làng lại tổ chức lễ hội để “đón” thần Đế Thích xuống đánh cờ cùng ông Trương Ba.

Đặc biệt, trong lễ hội Cổ Bôn xưa diễn ra vào 20 tháng Giêng, thì từ chiều ngày 19, bốn làng (Tứ Bôn) rước kiệu về khu vực tổ chức lễ hội. Làng Ngọc Tích rước kiệu thần Đế Thích, làng Phúc Triền rước kiệu Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, làng Kim Bôi rước kiệu Đăng Quận công Nguyễn Khải và làng Quỳnh Bôi rước kiệu Hắc Bạch đại vương. Theo sách Địa chí Thanh Hóa (tập 2) kiệu của bốn làng được rước đến áng tế. Áng tế được xây thành 2 cấp, cấp trên đặt bệ thờ các vị thần, cấp dưới thấp hơn là sân tế và trải chiếu ngồi theo thứ bậc. Ở nền cấp cao, đầu tiên là bệ thờ thần Đế Thích.

Ngày nay tại đền Cả - Đế Thích còn lưu giữ một số sắc phong (thời Nguyễn). Một trong những sắc phong thời vua Thiệu Trị, có nội dung: “Đế Thích Thượng đẳng thần là người đã có công giúp nước, cứu dân, nổi tiếng linh thiêng ứng nghiệm. Nay nối trải mệnh sáng đất nước, bậc thần lớn lao đáng được tặng thêm tên đẹp là Thanh cao hiền diệu cảm phù diên thiện hoằng huynh Thượng đẳng thần. Cho phép xã Ngọc Đôi (tức Ngọc Tích) huyện Đông Sơn phụng thờ như trước, cùng tương trợ lẫn nhau để báo hộ dân ta”.

Di tích đền Đế Thích là một trong những công trình kiến trúc cổ mang nhiều giá trị còn được lưu giữ ở Cổ Bôn. Theo các nhà nghiên cứu, căn cứ vào những dấu tích còn hiện hữu, đền thờ Đế Thích có thể được xây dựng vào khoảng thời Lý - Trần. Dù đã được nhiều lần tu sửa, song vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc đặc sắc của một công trình gỗ tương đối hoàn chỉnh. Đền được chống đỡ bởi hệ thống cột gỗ quý (cột cái, cột quân) nằm trên các đế tảng đá chạm khắc hoa văn cánh sen chắc chắn. Các nét chạm trang trí tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) toát lên sự tài hoa của người thợ gỗ xưa. Đặc biệt là nhà tiền đường với các bức chạm gỗ và pho tượng tròn Đế Thích - Đức thánh Cả được chạm khắc tinh xảo, miệng, mũi, mắt tai như dáng Phật nhưng lại toát lên vẻ nghiêm nghị vô cùng ấn tượng.

Di tích đền thờ Đế Thích tọa lạc ở vị trí trung tâm đất Cổ Bôn, được người xưa cẩn trọng trong việc dựng đền. Phía trước đền có sông nhà Lê uốn lượn như hình rồng (dân gian gọi là Thanh Long); bên hữu có núi Quỳnh Bôi (nay là núi Bạch Thạch) gắn với truyền thuyết cáo trắng chầu về; phía sau là dãy Hoàng Ngưu và xa xa có núi Nưa. Cách đền Đế Thích không xa là cầu Ngọc Long bắc qua sông nhà Lê. Cảnh sắc tươi đẹp của vùng đất Cổ Bôn nói chung, đền Đế Thích nói riêng đã được Phùng Khắc Khoan ngợi ca trong văn bia hiện còn lưu giữ tại địa phương.

Đánh giá về ý nghĩa của di tích cũng như tín ngưỡng thờ thần Đế Thích của người dân đất Cổ Bôn xưa, nay là xã Đông Thanh, ông Lê Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, cho biết: “Đền thờ Đức thánh Cả - Đế Thích dù không phải công trình bề thế, song lại mang nét đẹp văn hóa, kiến trúc cổ kính. Đây cũng là một trong những “điểm tựa” tâm linh của người dân trong xã. Trước đây tại đền diễn ra nhiều lễ hội, tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay lễ hội chính của làng Ngọc Tích diễn ra vào ngày 12-2 (âm lịch). Vào ngày này, người dân sẽ “rước bóng” thần Đế Thích từ đền thờ ra đình làng để tổ chức lễ hội”.

PV

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ve-lang-ngoc-tich-tham-den-de-thich-a7220.html