Khám phá Ngũ Chỉ Sơn

Ngũ Chỉ Sơn hay còn được gọi là “núi bàn tay” (do 5 ngọn giống như bàn tay chĩa lên trời), thuộc khu vực đèo Hoàng Liên Sơn, giáp ranh giữa Tam Đường (Lai Châu) và Sapa (Lào Cai).

Nằm ở độ cao 2.850m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, ngọn núi hùng vĩ vào bậc nhất Tây bắc này đang là “mục tiêu” chinh phục của dân phượt bởi địa hình hiểm trở, phức tạp đầy thử thách… 

Trải qua cung đường đèo quanh co uốn lượn, ngắm những cánh đồng lúa bậc thang xa ngút tầm mắt của đồng bào dân tộc, đan xen là những cánh rừng thông xanh mướt mênh mông vi vu gió cùng những tiếng chim muông tạo ra một bản hòa ca thiên nhiên độc đáo của đại ngàn. Cung đường làm mê mẩn biết bao du khách này từ lâu đã trở thành điểm dừng chân của những tín đồ ưa trải nghiệm, khám phá núi rừng Tây bắc.

Có thể đến Ngũ Chỉ Sơn từ ngả Sapa (Lào Cai) hoặc từ Tam Đường (Lai Châu). Nếu từ Lai Châu “núi bàn tay” cách trung tâm thị trấn khoảng 25 km. Để đến chân núi phải đi qua đường mòn xuyên các vạt rừng nguyên sinh và men theo những triền núi đá nhấp nhô mây mờ mịt quanh năm.

 

Càng lên cao càng “thấm” cái “chất” của núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ mà tạo hóa đã xếp đặt, ban tặng cho nơi này khó có bút mực nào tả xiết. Bởi thế, nếu một lần đặt chân đến đây bạn sẽ hiểu vì sao Ngũ Chỉ Sơn lại có sức mê hoặc đến vậy. Không hẳn là để thử sức mình, để thỏa mãn niềm kiêu hãnh của kẻ vượt qua những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên và khí hậu núi rừng Hoàng Liên, mà nó còn là thú đam mê xe dịch rất khó lý giải.

Đi dọc theo quốc lộ 4D khoảng chừng 1,5km, ở độ cao khoảng 2.200m, giữa hai sườn núi thẳng đứng là thác nước lớn cuồn cuộn xối xả quanh năm, đó là thác Cầu Mây. Dòng thác tuyệt mỹ uốn lượn, bọt tung trắng xóa giữa nền xanh của núi rừng, bọt nước quyện lấy mây trời lơ lửng tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ, thơ mộng, huyền ảo tựa chốn bồng lai tiên cảnh. Dòng thác đổ qua bao năm đã khoét sâu vào lòng đá dưới chân thác tạo thành vực nước xanh như tấm gương phản chiếu núi rừng. Đến Ngũ Chỉ Sơn mà không dừng chân tại Cầu Mây để checkin những tấm hình tuyệt đẹp bên thác nước thì quả là đáng tiếc vô cùng.

Lên đến độ cao từ 2.400m, điều mà bất kỳ du khách nào cũng cảm nhận rõ là sự thay đổi đáng kể về nhiệt độ, sương nặng hạt và lạnh. Người dân địa phương gọi đây là “eo đón gió”. Để tồn tại, thích nghi với khí hậu quanh năm sương giá, các loài thực vật đã tự thân bảo vệ mình với những lớp vỏ xù xì bao bọc. Không chỉ có các loại cây lâu niên như vàng tâm, dổi, nghiến, chò chỉ, khu vực này còn có nhiều loài thảo mộc, dược liệu quý hiếm được nhiều người tìm kiếm như tam thất, ngọc cẩu, và nhất là cây Hoàng Liên - loại cây gắn với tên gọi của dãy núi hùng vĩ cùng bao điều kỳ bí chưa được khám phá. Độ cao này cũng là địa điểm lý tưởng của những loài thuộc hệ thân bám như rêu, phong lan, nấm, linh chi… Tiếp tục hành trình giữa thiên nhiên bao la, những dải núi đá trùng điệp nối tiếp nhau chạy dài như vô tận, du khách sẽ đến với những chặng đường mòn hun hút, theo nhiều cung bậc khác nhau, hết một chặng lại mở ra chặng kế tiếp dường như không có điểm cuối. Trên đầu là biển mây bồng bềnh, phía dưới là vực sâu hun hút…

 

Sau khoảng 6h -7h leo núi, du khách sẽ tới được điểm cao khoảng chừng 2.800m, nơi này có thể ngắm rõ đỉnh Ngũ Chỉ Sơn nhất. Thời tiết mùa hè nền nhiệt độ trung bình ban ngày dao động từ 14 - 170C, độ ẩm trên 98% còn về đêm nhiệt độ có lúc xuống tới 9 - 100C. Từ đây, có thể thấy rõ “núi bàn tay” sừng sững giữa đất trời, tạo ấn tượng mạnh trong lòng biết bao du khách. Thiên nhiên tựa như phô diễn hết sự hùng tráng của mình để tặng cho những người kiên trì, vượt qua thử thách khắc nghiệt để chinh phục đỉnh núi còn ít dấu chân người…

Vào những ngày thời tiết đẹp, trời trong xanh bạn có thể phóng xa tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn bộ khung cảnh đèo Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan Xi Păng, đỉnh Pu Ta Leng và rất nhiều ngọn núi khác của dãy Hoàng Liên…

Kết thúc cuộc hành trình đầy phiêu lưu, ngước nhìn lại ngọn núi vừa chinh phục, điều đọng lại trong lòng mỗi du khách là cảm xúc sâu lắng, những trải nghiệm lý thú về một điểm đến hấp dẫn, mới mẻ…

H. Nguyễn

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/kham-pha-ngu-chi-son-a7180.html