Chị Lò Thị Hậu, chủ homestay Hoàn Hậu, bản Lướt, cho biết: Trước đây, người dân đánh bắt cá chép gù trên dòng suối Chiến. Sau này, một số gia đình mua giống về thuần và nuôi thành công. Sở dĩ có tên gọi là cá chép gù, vì cá có mình dài và dày, phần lưng hơi gù cao, da cá màu ánh đen, vây, đuôi và khóe miệng màu vàng nhạt. Cá có ít xương dăm và xương rất mềm, sau chế biến thực khách có thể ăn được cả xương. Ngoài món nướng, cá chép gù còn được chế biến thành món cá nấu canh chua, cá hấp và món gỏi.
Cá chép gù được tẩm ướp gia vị.
Chị Hậu chế biến món cá chép gù nướng khá kỳ công, sau khi chọn những con cá tròn lẳn, đều, cỡ ba đầu ngón tay, chị đem mổ dọc sống lưng cá. Hành lá, rau húng, xả, ớt, tỏi, muối, mì chính và mắc khén - thứ gia vị không thể thiếu mà người miền xuôi quen gọi là hạt tiêu rừng, được băm nhuyễn đem nhồi trong bụng cá, sau đó gập ngang thân cá lại sao cho đầu và đuôi cá chạm vào nhau, rồi dùng 2 thanh trúc cố định lại bằng lạt thật chắc chắn rồi đêm nướng trên than hồng.
Trong quá trình nướng, chị Hậu luôn tay cời than, lật lên, lật xuống thật đều để cá không cháy, đến khi vây và đuôi cá giòn tan, nước mỡ dính như keo bên ngoài, vảy cá vàng ươm thì bày lên mâm. Món cá nướng nóng hổi, béo ngậy chấm cùng muối ớt giã hạt dổi cay xộc mũi khiến thực khách rất khó quên. Nhiều người còn đặt món cá này mang về cho người thân thưởng thức.
Cá chép gù sau khi tẩm ướp gia vị sẽ được nướng trên than hồng.
Cùng gia đình thưởng thức món cá chép gù nướng tại homestay, chị Trần Gia Phong, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Ngọc Chiến, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, người dân thân thiện, mến khách, ẩm thực rất ngon, nhất là món cá chép gù nướng, hay món gỏi cá với vị mát từ những lát cá trắng phau, vị bùi thơm từ lạc, dai giòn từ hoa chuối non quyện cùng nước măng chua cô sanh sánh, thật khó quên.
Nắm bắt được nhu cầu cá thương phẩm phục vụ du lịch cộng đồng, một số hộ dân xã Ngọc Chiến đã chuyển hướng nuôi cá chép gù, trong đó có gia đình anh Quàng Văn Hoàng, bản Khua Vai. Dẫn chúng tôi ra thăm lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Nậm Chiến, anh Hoàng kể: Ban đầu, 4 lồng cá rộng hơn 100 m² của gia đình nuôi trắm đen và rô phi. Nhận thấy nguồn cung cá chép gù không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi đã mua 200 kg cá giống tại Chi cục Thủy sản tỉnh với giá 180 nghìn đồng/kg về nuôi thử nghiệm. Cá nuôi từ 6 tháng đến 1 năm là xuất bán, trọng lượng từ 5 lạng đến 2 kg. Năm 2021, gia đình xuất trên 1 tấn cá, chủ yếu bán lẻ cho các homestay, quán ăn trên địa bàn. Vụ cá năm nay, tôi tiếp tục thả 300 kg cá giống, đồng thời tự nhân giống cá thuần, dự tính khoảng tháng 10 sẽ cho thu hoạch.
Cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo Hội Nông dân xã cho hội viên vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích lồng nuôi, nuôi thả tập trung, không thả lẫn với các loại cá khác; thí điểm nhân giống tại chỗ, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Cùng với việc phát triển du lịch cộng đồng, món cá chép gù ở Ngọc Chiến sẽ được nhiều du khách biết đến, không đơn giản là món ăn, mà còn là sự trải nghiệm nét văn hóa bản địa độc đáo, để hành trình du lịch thêm hấp dẫn.
Lò Thái
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/thom-ngon-ca-chep-gu-ngoc-chien-a7166.html