Chuyện Công an tiễu phỉ ở Đồng Văn- kỳ 2: Người công an lấy tay không bới tìm đồng đội

Chiến sĩ Vũ Đức Mần đi trên một con dốc về nơi công tác, không biết xung quanh là những họng súng đang mai phục. Sau loạt tiếng nổ vang vọng nơi cao nguyên đá, ông hy sinh khi cuộc chiến tiễu phỉ vẫn đang tiếp diễn.

Dùng thi thể làm "mồi" phục kích

Câu chuyện trên diễn ra năm 1959 ở xã Lũng Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) được cụ bà Nguyễn Thị Chiêm (SN 1927 -vợ liệt sĩ Mần ) kể lại. Dù đã ở tuổi 95 nhưng cụ Chiêm vẫn còn minh mẫn, cụ kể chồng cụ là Vũ Đức Mần đi bộ đội, sau chuyển sang lực lượng công an, tham gia tiễu phỉ ở Hoàng Su Phì.

Nhớ lại những năm ở Hoàng Su Phì hơn 60 năm trước, cụ Chiêm bảo từng khóc vì vui sướng khi chồng thoát khỏi lưỡi câu liêm của phỉ trong gang tấc. Lúc đó, thổ phỉ buộc một người làm "tay trong" cho chúng, giả báo tin thủ lĩnh của chúng muốn gặp cán bộ để đàm phán đầu hàng.

Ông Mần cùng đồng đội tin tưởng, đi theo tên nội gián. Gần tới nơi, ông Mần bỗng đau bụng nên ngồi lại. Trong khi đó, đồng đội của ông vẫn đi tiếp, bị phỉ phục kích, giết tại chỗ nhưng tiếng súng đã kịp cảnh báo, giúp ông chạy thoát.

Chuyện Công an tiễu phỉ ở Đồng Văn- kỳ 2: Người công an lấy tay không bới tìm đồng đội - Ảnh 1.

Cụ Chiêm, vợ liệt sĩ Vũ Đức Mần kể về ngày chồng hi sinh. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Sau này, khi chuyển sang Đồng Văn, ông Mần về xã Lũng Phìn công tác, tiếp tục chiến đấu với phỉ khi chúng nổi lên, năm 1959. Nhưng lần này, ông vĩnh viễn nằm lại mảnh đất biên cương.

Ông Mần bị phỉ bắn từ 14/12/1959 nhưng phải 20 ngày sau, Chủ tịch huyện Đồng Văn khi đó, ông Vù Mí Kẻ mới có thể viết giấy báo tử gửi gia đình người liệt sĩ. Giấy báo tử có đoạn: "Để sau tình hình tạm ổn, huyện sẽ tìm xác và mai táng".

Gia đình ông Mần nhớ lại, bọn phỉ khi đó bắn ông Mần bị thương rồi để mặc ông trên con dốc Lũng Phìn. Chúng bỏ ông bị thương đến chết ở đó nhiều ngày và mai phục xung quanh, dự định sẽ bắn bất cứ ai muốn mang thi thể về mai táng.

Em trai ông Mần, ông Vũ Đức Phùng khi đó cũng đang chiến đấu chống phỉ và đã bắt sống được vài tên. Nhận tin dữ của anh trai, ông Phùng quá đau đớn, chỉ muốn "lôi ngay một kẻ ra bắn để trả thù" nhưng đồng đội can ngăn. Chủ trương khi đó là phải khoan hồng với tù binh hoặc những người bị ép theo phỉ.

Sau này, con trai ông Mần trưởng thành, lên lại Lũng Phìn tìm bố, được Chủ tịch xã này chỉ lại vị trí. Khi bốc mộ, họ tìm thấy cây bút máy, được ông Mần dùng từ thời chống Pháp nên nhận ra ngay, đây chính là nơi cần tìm. Cây bút hiện được đặt trên ban thờ người liệt sĩ và vẫn có thể viết đủ những nét thanh, nét đậm. Người nhà đến nay còn lưu giữ huân chương Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng ông Mần, ba năm từ dạo ông hi sinh.

Chuyện Công an tiễu phỉ ở Đồng Văn- kỳ 2: Người công an lấy tay không bới tìm đồng đội - Ảnh 2.

Cây bút từ thời Pháp thuộc của liệt sĩ Mần vẫn có thể sử dụng bình thường. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Cụ Chiêm từ lúc chồng mất, ở vậy nuôi các con, đến nay chưa hết đau lòng khi nhắc lại chuyện của chồng.

Tại một ngôi nhà trong ngõ nhỏ ở TP.Hà Giang, cụ Chiêm kể tiếp những câu chuyện về một thời hỗi loạn nơi biên cương. Những tên phỉ ở Đồng Văn qua lời của cụ hiện lên đủ loại, ngoài kẻ xấu còn có những người bị chúng ép đi theo. Cụ kể, một sáng cuối năm 1959, vừa làm xong mẻ bánh định mang đi bán, em bà chạy vào, nói trốn đi, phỉ đánh vào chợ.

Chúng bắt một cán bộ, dự định treo lên cây cột giữa chợ, dụ những cán bộ khác ra xem sẽ bắn hết. Tuy nhiên, một người "đứng trong nhóm phỉ" liền can ngăn, bảo làm vậy sẽ hại đến dân vô tội. Nhiều người trong đám này cũng góp lời, nên chúng đành dừng lại. Một số người bị phỉ ép đi theo nhưng không muốn giết hại ai nên "đi từng nhà dân, dặn trốn kỹ, không ra ngoài", cụ Chiêm nhớ lại.

Chuyện Công an tiễu phỉ ở Đồng Văn- kỳ 2: Người công an lấy tay không bới tìm đồng đội - Ảnh 3.

Hướng tấn công của thổ phỉ tại Đồng Văn năm 1969 - 1960. Địa danh này khi đó gồm 4 huyện ngày nay của Hà Giang gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đồ họa: X.A.

Tay không bới đất tìm đồng đội

Cách nhà liệt sĩ Vũ Đức Mần chưa đến 100m là nơi ở của ông Lê Hồng Nam. Ông Nam năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn. Ông nở nụ cười với chúng tôi khi nhớ lại những ngày theo học tại trường C500, nay là Học viện An ninh nhân dân ở Hà Nội. Khi kể về những ngày tháng tiễu phỉ, những đồng đội đã hy sinh, người lính già nghẹn ngào, đưa tay chấm nước mắt.

Năm 1959, ông Nam được cử đi học lớp công an vũ trang tại Thái Nguyên. Cuối năm, phỉ nổi loạn, ông được gọi về lại tỉnh Hà Giang, lên ngay Quản Bạ. Khi đó, Cổng trời Cán Tỷ bị phỉ chiếm, cắt đường tới Đồng Văn nên Quản Bạ trở thành cứ điểm ngăn chúng tràn xuống khu vực dưới của Hà Giang.

Thời gian này, ông Nam được phân công bảo vệ cố Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, cụ Nguyễn Văn Xã lên đàm phán với những "thổ ty" Đồng Văn vào cuối năm 1959. Ông kể, cuộc thỏa hiệp không thành vì nhóm cầm đầu thổ phỉ muốn thành lập khu vực tự trị do chúng cai quản, song phía ta không đồng ý.

Chuyện Công an tiễu phỉ ở Đồng Văn- kỳ 2: Người công an lấy tay không bới tìm đồng đội - Ảnh 4.

Ông Lê Hồng Nam, người tham gia tiễu phỉ giai đoạn 1959 - 1960. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Ngoại giao thất bại, tiếng súng vang lên. Một tiểu đoàn công an cùng một trung đoàn bội đội nhận lệnh lên đường, phối hợp lực lượng chi viện từ công an các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn tiến vào Hà Giang từ phía đông, khóa chặt lực lượng phỉ. Ty công an Hà Giang được giao "giữ vị trí nòng cốt trong việc trinh sát, dẫn đường và vận động phỉ đầu hàng". 

Ông Nam khi đó nhận lệnh từ Quản Bạ, cùng đồng đội xuất phát lúc 5 giờ sáng, tiến gấp về TP.Hà Giang, đi bộ 44km đường núi chỉ mất 6 giờ. Những con đường khắp Hà Giang lên phía Bắc khi này đều là những lối mòn cheo leo nguy hiểm.

Dân Hà Giang thời này còn truyền tai câu "muỗi Bắc Sum, hùm Làng Đán, Đồng Văn bọ chó, gió Thiên Phùng" để cảnh báo nhau về những gian nan khi đi qua chốn rừng thiêng nước độc.

Tới nơi sau 6 giờ cuốc bộ, ông Nam được phân công bảo vệ đoàn ngựa chở theo 26 thồ vũ khí và "lập tức lên đường". Do bởi Cổng trời Cán Tỷ lúc này đã bị phỉ chiếm đóng, đoàn của ông Nam phải vượt những cung đường vòng để tiến vào huyện Yên Minh, cách nơi xuất phát của cụ 2 ngày đi bộ. Lên tới nơi, cụ mới hay bộ đội dùng DKZ phá được toán phỉ ở Cổng trời để thông đường di chuyển.

Chuyện Công an tiễu phỉ ở Đồng Văn- kỳ 2: Người công an lấy tay không bới tìm đồng đội - Ảnh 5.

Lực lượng công an tác chiến tại Hà Giang trong thế kỷ trước. Ảnh: CACC.

Nhóm ông Nam khi đó nhận tin dữ, 2 chiến sĩ trinh sát đang tiến vào một căn nhà giữa hẻm núi ở Chu Lìn, gần địa bàn phỉ thì bị chúng phát hiện, bao vây chặt. Sau một ngày chống trả đến khi hết đạn, vào đêm 29 tháng Chạp năm đó, hai anh đành phải phá vây. "Một anh xung phong đúng mũi súng của phỉ, bị bắn tại chỗ. Người còn lại sau đó cũng bị chúng sát hại", ông Nam kể.

Do vậy, trung đội của ông Nam nhận lệnh tấn công vào Chu Lìn và "tìm bằng được thi thể 2 đồng đội". Đơn vị vừa đánh vừa tiến, phỉ phải rút chạy nhưng vẫn sát hại thêm một Phó chủ tịch xã, ông Nam nhớ lại.

"Anh em đi quanh bản tìm 2 đồng đội. Sau vài giờ, chúng tôi thấy chỗ đất bằng còn mới nên nghĩ đây là mộ, dùng tay không bới lên, sợ dùng cuốc xẻng sẽ động vào thi thể", ông Nam cho hay.

Bới sâu xuống vài chục cm, bàn tay ông Nam chạm vào đôi chân mang giày của lực lượng tình báo nên biết đây là đồng đội của mình. Họ chôn cất tử tế, vẽ sơ đồ và sau đó, giấy báo tử được gửi về nhà 2 liệt sĩ ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Đáng buồn, 2 liệt sĩ vẫn nằm lại nơi rừng núi do cuộc chiến còn tiếp diễn và sau đó thất lạc hồ sơ, chỉ biết một người tên Nguyễn Văn Hồi. Năm 2016, cháu của liệt sĩ Hồi có gửi thư nhờ ông Nam tìm kiếm. Nội dung thư thể hiện gia đình họ có 5 người lần lượt ra chiến trường chống Pháp, kháng Mỹ với 3 người trở thành liệt sĩ. Nhà ít người và điều kiện khó khăn, họ không thể lên Đồng Văn tìm thi thể ông Hồi.

Nhận thư, ông Nam liên hệ chính quyền, nhờ tìm kiếm nhưng quá nhiều thay đổi do thời gian khiến 2 ngôi mộ chưa thể được tìm thấy. Thậm chí, địa danh Chu Lìn hiện đã không còn trên bản đồ hành chính khu vực Hà Giang. "Tôi rất muốn tìm mộ các anh nhưng già rồi, chân này không leo đồi núi được nữa", ông lắc đầu, nói.

Ngay sau Tết 1960, công an và quân đội đánh ran rã lực lượng phỉ tập trung; buộc chúng chia thành các nhóm nhỏ, bỏ trốn vào rừng núi, lén lút phục kích cán bộ và cướp phá những bản làng hẻo lánh. Cuộc chiến tiễu phỉ vẫn phải kéo dài thêm một năm nữa với nhiều hy sinh, mất mát.

Gia Bình - Bách Thuận

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/chuyen-cong-an-tieu-phi-o-dong-van-ky-2-nguoi-cong-an-lay-tay-khong-boi-tim-dong-doi-a6777.html