Thời gian qua, nhiều người dân ở tỉnh miền núi Yên Bái đã bị các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh sang nước bạn Campuchia làm việc, với lời hứa mức thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng, công việc nhàn hạ, nơi ở sinh hoạt sang trọng…
Tuy nhiên, thực thế chỉ là “cái bẫy” mà các đối tượng lừa đảo tạo ra để dụ “con mồi” ở Việt Nam, trong đó có nhiều công dân ở Yên Bái “dính bẫy” kéo theo những hệ lụy đau lòng.
"Đội của em gồm 6 người bàn nhau bảo không làm được nữa thì chạy trốn đi, sau đó em và đứa em của cùng ông anh ở Thanh Hóa trốn được, 3 người còn lại bị bắt được bị đánh gẫy chân và ngất luôn tại chỗ". Đó là tâm sự của một trong số hàng chục người dân Yên Bái bị lừa xuất cảnh sang Campuchia lao động rồi trở về được Việt Nam nhờ chạy trốn được hoặc được giải cứu và gia đình bỏ tiền chuộc.
Dù đã được giải cứu về nhà, nhưng Nguyễn Văn Cường, ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vẫn chưa hết hoang mang, ám ảnh những ngày tháng kinh hoàng ở Campuchia: "Khoảng 3 đến 4 người Việt Nam và 3,4 người Trung Quốc cùng chạy trốn thì bị bọn bảo vệ bắt được. Chúng đánh đập chết luôn tại cửa, chúng tôi đều được chứng kiến. Thực sự quá dã man, độc ác!"
Vợ chồng chị Vương Thị Xi ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn vừa lấy nhau nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nghe theo lời đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, vợ chồng chị Xi đã khăn gói tìm đường xuất cảnh sang Campuchia với hy vọng đổi đời từ khoản thu nhập 20 đến 30 triệu đồng/người/tháng mà các đối tượng lừa đảo vẽ ra.
Tuy nhiên, khi sang đến nơi mới biết mình đã bị lừa, nhưng cũng đã quá muộn. Để có thể trở lại Việt Nam, chị Xi phải gọi về gia đình cầm cố, vay mượn một khoản tiền lớn để gửi cho chúng theo như yêu cầu.
Giờ đây dù cả hai vợ chồng đã “xuất khẩu lao động” trở về, nhưng không những không kiếm được tiền để đổi đời, mà vợ chồng Xi còn mang trên vai khoản nợ “chuộc thân” cả trăm triệu đồng. Chị Vương Thị Xi nói: "Áp lực quá vợ chồng em không làm được nên xin về, nhưng ông chủ không cho và bảo muốn về phải bỏ ra hơn 240 triệu để chuộc. Nếu như mình không có tiền chuộc thì sẽ bị bán sang đảo khác, bị đánh đập, có người còn mất mạng không về được".
Tháng 3 năm 2022, Hoàng Văn Trường và người em họ Trương Văn Phương ở xã Đông An, huyện Văn Yên thông qua một người phụ nữ môi giới trên mạng xã hội cũng bị lừa bán đưa sang đất Campuchia.
Tại đây, các em cùng nhiều người Việt Nam khác bị đưa vào những tòa nhà biệt lập với đội quân canh gác ngày đêm dày đặc, bị hạn chế quyền tự do cá nhân… Mỗi ngày phải làm việc từ 15 đến 17 tiếng, giao khoán doanh thu 500 – 700 triệu/người/tháng thông qua hình thức nhắn lôi kéo, dụ dỗ, mời gọi khách vào các sàn chơi chứng khoán, trò chơi điện tử, lôi kéo người khác sang Camphuchia và các việc làm bất hợp pháp khác... không làm đủ chỉ tiêu thì bị đánh đập, bỏ đói.
Mới đây, em Trương Văn Phương đã thoát ra được qua một cuộc chạy trốn, còn Hoàng Văn Trường về được khi gia đình phải bỏ ra 160 triệu đồng để chuộc.
Em Hoàng Văn Trường nhớ lại: "Thời điểm họ bắt gọi về nhà bỏ tiền chuộc, mỗi ngày họ yêu cầu gọi vài cuộc và chỉ cho 4 đến 5 ngày, không sẽ bán cho công ty khác. Nếu bị bán đi công ty khác thì chắc chắn em sẽ không có cơ hội về nhà".
Không may mắn như những trường hợp trên đã về được nhà, con trai bà Nguyễn Thị Xuân ở thôn Vũ Thịnh, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái hiện vẫn đang lao động thuê ở Campuchia.
Bà Xuân cho biết, chưa ngày nào bà hết mong ngóng, bớt lo kể từ khi biết con trai là Lò Văn Đ., sinh năm 2004, bị lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia lao động.
Giờ nếu muốn con về, bà sẽ phải chuyển một khoản tiền lớn cho các đối tượng bên đấy. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại của gia đình thì điều đó là quá sức: "Lúc điện về thì cháu bảo mỗi ngày làm 13 đến 14 tiếng, không vừa ý là bị nó đánh, tiền lương thì không có… Tôi chỉ mong Nhà nước, pháp luật chung tay cứu giúp con tôi, nhà tôi nghèo lắm không có tiền".
Tại Yên Bái hiện có 31 công dân bị lôi kéo, lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia qua con đường hợp pháp và bất hợp pháp. Hiện có 26 công dân đã về nước thông qua hình thức chạy trốn, giải cứu và gia đình bỏ ra một khoản tiền lớn để “chuộc thân”, số còn lại đang mắc kẹt.
Theo đại tá Đinh Xuân Thiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái: Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng lừa đảo là lập ra các trang tuyển dụng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… với cái tên như: Việc làm Cambodia, Việc làm Campuchia, Hội người Việt ở Campuchia, các tên, địa chỉ, công ty ảo... nhằm lôi kéo, dẫn dắt người lao động xuất cảnh sang Campuchia để làm việc bất hợp pháp. Số nạn nhân bị lừa đều có tuổi đời rất trẻ, không có việc làm ổn định, nhận thức hạn chế và gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Hiện Công an tỉnh đang phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành giải cứu các công dân có nguyện vọng trở về Việt Nam.
Đại tá Đinh Xuân Thiệp cho biết: "Công an tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân nắm được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng tổ chức xuất cảnh, lừa bán người xuất cảnh trái phép. Hướng dẫn người dân khi có nhu cầu xuất khẩu lao động phải thực hiện đúng theo quy định của nhà nước, cần tìm hiểu kỹ thông tin; khi có khó khăn, vướng mắc cần liên hệ với các đơn vị được nhà nước cấp phép. Chúng tôi cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, qua đó tổ chức xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc để từng bước ngăn chặn tình người dân bị lừa xuất cảnh trái phép".
Tìm kiếm việc làm có thu nhập cao là nhu cầu chính đáng của mỗi người, tuy nhiên người dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo khi tìm việc làm, nhất là xuất cảnh ra nước ngoài lao động... tránh việc như nhiều người đã bị “sập bẫy” việc làm ở Campuchia, đổi đời không thấy, chỉ thấy mang nợ vào thân.
Thừa Xuân
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/yen-bai-dam-nuoc-mat-vi-chieu-lua-xuat-khau-lao-dong-a6652.html