"Cô Lang" là cái tên người dân ở bản Ý Linh Hồ, Lao Chải, Sapa gọi Tâm An - chủ nhân trang ẩm thực Bếp trên đỉnh đồi. Chẳng ai biết cô gái này nổi tiếng thế nào trên mạng xã hội, họ chỉ biết "cô Lang" là người Đắk Lắk, sống với bản hơn một năm mà thân như ruột thịt.
Hai năm trước, Tâm An làm thiết kế cho một công ty lớn ở Hà Nội, ngoài giờ còn kinh doanh nông sản quê hương, bán sữa hạt, mở nhà hàng chay. Ôm đồm đủ việc, nên sau một trận ốm, cô quyết định về quê làm nông. Ngày xin nghỉ việc, cấp trên mời cô làm quản gia và đầu bếp cho homestay của họ trên Sapa. Cô đặt chân lên bản Mông trên đỉnh núi Ý Linh Hồ vào một ngày cuối tháng 11/2018.
Sự xuất hiện của một cô gái miền xuôi gây tò mò cho đám nhỏ ở bản. Ngày nào chúng cũng chơi trước sân khu nghỉ dưỡng, đôi mắt tròn xoe xem ép đậu, cắm hoa, nấu ăn. Ngày thứ ba tới đây, Tâm An rủ đám nhỏ đi nhặt rác, túi nilon do khách du lịch và người dân vứt ra quanh bản. Sau hôm đó cô dặn đám nhỏ phải gom rác vào nơi quy định. Kể từ đó, cứ trung bình 4 ngày, cô gái nhỏ sẽ chở một bao tải rác ra khu tập kết ngoài thị trấn Sapa, cách đó 3 km.
"Ban đầu, người ở bản thờ ơ với việc tôi làm lắm, cũng chẳng mở lòng với tôi, đến độ có lần hết gạo xuống mua tạm mà cũng không có nhà nào bán. Song khi hiểu mình đối tốt với họ thì họ thương mình. Các anh, các chị mỗi khi xuống phố lại chở rác hộ tôi", cô kể. Họ cũng học theo Tâm An bỏ rác ra bãi trống cách xóm 150 mét, cũng như đi chợ sẽ bỏ thực phẩm vào gùi, hạn chế dùng túi nhựa.
Bản người Mông này có 8 hộ dân với 56 nhân khẩu, trong đó hơn hai chục đứa nhỏ. Lần đầu tiên thấy Tâm An ôm cây đàn guitar hát bên hiên nhà, tụi nhỏ lấp ló dưới sân. Khi được chạm vào dây đàn, nghe tiếng nhạc phát ra, cả đám ồ lên thích chí. Trong đôi mắt đen láy của chúng là nét hạnh phúc hồn nhiên. Tâm An quyết định mở một lớp dạy nhạc vào 17h30 mỗi ngày, có 12 bé tham gia.
Cô gái trẻ cho biết, suốt đời này không thể quên ngày 8/12 năm đó. Hôm ấy sương xuống từng đợt, mưa không ngớt, đường dốc và trơn. Cô phải khuân xe củi đỗ dưới chân đồi lên nhà. Bê được chuyến thứ ba lên nhà thì thấy tụi nhỏ đang đứng đợi buổi học. Cô bảo lớp nghỉ và khuyên chúng về ăn cơm.
"Các con vâng dạ kéo nhau về. Lúc tôi đi xuống chuyến thứ tư thì thấy mười mấy em mỗi đứa đang ôm vài thanh củi đi lên. Tôi sụp xuống, òa khóc", Tâm An nhớ lại. Trong chiều sương lạnh buốt, cô được sưởi ấm bởi tình người từ những đứa trẻ.
Từ đó ngoài giờ đi học, mấy cô cháu dính với nhau như hình với bóng. Ngày nắng, Tâm An hay phơi nước, kéo mấy đứa ra sau nhà tắm. Thương nhất là những bé bị dính sương độc nên lở loét trên người. "Tôi phải đun nồi nước lá thuốc to, cọ vết loét để dịu cơn ngứa đi cho các con", cô kể. Đêm xuống, lũ trẻ vẫn bám lấy "cô Lang" để được học nhạc và nghe kể chuyện.
Hè năm 2019, Tâm An cùng một số người bạn tổ chức bán các sản phẩm vải dệt, gom được 7 triệu đồng mua chiếc máy nổ bỏng để đám nhỏ có quà vặt an toàn. Thấy cảnh dân làng khổ sở vì phơi quần áo cả tuần không khô, "cô Lang" đã biến chiếc máy vắt đậu phụ của mình thành chiếc máy vắt quần áo. Không ngờ chiếc máy phát huy hiệu quả, chỉ mươi phút đã vắt được một mẻ khô như máy giặt. Từ bữa đó cả bản không còn sợ mưa gió, sương sa nữa.
Anh Lò A Páo, 33 tuổi, trưởng xóm kể, một ngày "cô Lang" bất ngờ mang về nhà anh một cái máy lọc nước, bảo sẽ đặt ở đây để tụi nhỏ có nước sạch uống. Bao đời nay dân bản dùng nước dẫn từ thác về, mương dẫn nước lộ thiên, trâu bò đi lại nên nước thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm. Mong muốn có một đường nước sạch nhưng nhà nào cũng nghèo nên mãi mà không làm được.
A Páo cũng như người dân bản không biết, ngay từ khi mới sống ở đây Tâm An để ý nguồn nước. Cô nuôi heo tiết kiệm, âm thầm "thực hiện ước mơ", sau một năm thì mua được chiếc máy lọc. Bất ngờ tuần tiếp theo, Tâm An nhận được khoản thanh toán đầu tiên từ YouTube cho các video ẩm thực của mình. Khoản này kết hợp với trợ giúp của một chị bạn đã đủ tiền mua hơn 1.000 mét dây dẫn nước trực tiếp từ thác về. Đêm có nước sạch, cả bản uống rượu đến 2h sáng, ai cũng vui nhưng có lẽ Tâm An là người hạnh phúc nhất.
Một cô gái người Kinh, đến từ vùng đất cách vài nghìn cây số, nhưng được người dân bản Mông coi như con. Cô truyền cho họ thêm tự tin giữ gìn bản sắc dệt vải, ở nhà sàn, canh tác không hóa chất. Họ dạy lại cô cô cách trồng cây bản địa, làm vải, nhuộc vải từ cây chàm, củ nâu. Pù, 94 tuổi, bà của anh Páo, ngày nào cũng leo dốc xách lên cho "cô Lang" túi đậu, nắm xôi lá cẩm hay vài thảo quả để trị cảm. "Đến một giai đoạn, tôi không biết chọn nhà nào ăn, không biết ngủ nhà nào vì có ngày đến 3 nhà rủ ăn, tụi nhỏ 3 nhà rủ ngủ", cô cho hay.
Mùa đông 2019, Tâm An nghỉ việc ở homestay chuyển xuống sống tại nhà vợ chồng anh A Páo, chị Mảy với Pù và 6 đứa nhỏ. Đêm trước Noel, trời lạnh xuống -2 độ, cô bị đánh thức bởi tiếng lục đục trên gác, lát sau thì thấy bóng Pù lật đật đến bên, đắp thêm chăn cho cô. Sáng cô vừa ngủ dậy, Pù đã đưa cho chiếc khăn ấm lau mặt. Tâm An nhiều khi không hiểu tiếng của Pù nhưng hành động của Pù làm cô cay mắt.
"Đó là những khoảnh khắc của gia đình, của bà nội chăm đứa cháu nhỏ. Cái tình cảm mà có lẽ chỉ cảm nhận được ở người thân trong gia đình, vậy mà tôi lại được nhận ở một vùng đất xa xôi, ở một bản làng nghèo khó", Tâm An bộc bạch.
Tại quê nhà, ba mẹ Tâm An hiếm khi giục con về. Nhưng một ngày mưa, ông gửi tấm ảnh gà mái mẹ đang dang đôi cánh che cho mấy gà con, không kèm một tin nhắn nào. Xem xong, Tâm An hiểu đã đến lúc cô phải trở về.
Trước ngày về, Tâm An nấu một nồi khoai tây cà ri khổng lồ khao cả bản. Giây phút chia xa, hơn 50 người lớn, trẻ nhỏ đứng đầu dốc, ai cũng dặn dò. Pù ôm lấy "cô Lang" khóc miết. Mấy đứa trẻ lớn tiễn cô của chúng xuống tận đường, đứa nào cũng vâng dạ nghe lời dặn chăm chỉ học, nhất là học tiếng Anh để sau này về bản làm du lịch. Lúc cô đi khuất, cả lũ chạy về khóc như mưa...
"Cô Lang đi xa rồi mà vẫn lo cho tụi nhỏ lắm. Tuần trước chúng tôi vừa nhận được muối vừng mắcca cô lên cho tụi nhỏ ăn sáng. Con lớn của tôi nay vào lớp 10 được cô giúp một phần tiền học. Tụi nhỏ ở nhà được giúp tiền mua thức ăn. Cả tụi nhỏ nhà anh Lo, anh Phay cũng được giúp", anh Lò A Páo chia sẻ.
Giờ Tâm An đã trở về quê nhà được 8 tháng. Ngôi nhà gỗ phỏng theo họa tiết người Mông, cô đã dựng xong làm chốn riêng tư cho mình. Bãi đất trống cạnh nhà đã thay thế bằng vườn rau xanh tốt giống như khi còn ở bản.
Chưa ngày nào Tây Bắc và Tây Nguyên không nói chuyện với nhau. Lần nào nhìn thấy nhau qua camera, Pù cũng kêu nhớ "cô Lang". Lũ trẻ nhao nhao "cô Lang" lên với chúng con. Chị Say, anh Lao thường chỉ vào góc bếp: "Cô Lang ngày xưa hay ngồi chỗ này, giờ không thấy cô đâu"... "Hơn một năm ở Tây Bắc tuy ngắn ngủi, nhưng đó là quãng thời gian tuyệt vời. Bởi nơi đây không chỉ cho tôi được trải nghiệm mà còn cho tôi hiểu thế nào là tình người", Tâm An bộc bạch.
Những ngày qua lòng "cô Lang" cồn cào nhớ bản. Giờ này năm ngoái, mấy cô cháu vào rừng đẵn tre về làm đèn ông sao và lần đầu tiên trong đời đám trẻ được rước đèn quanh xóm. Không lên được dịp này, cô hẹn sẽ trở về sau mùa trăng...
Phan Dương
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/co-gai-tay-nguyen-thanh-con-cua-nui-rung-tay-bac-a6541.html