Theo những cụ cao niên, Bắc Hà là đọc chệch từ cụm từ tiếng Tày "Pạc Kha", có nghĩa là một trăm bó cỏ gianh. Khi đó, thấy nơi này là một thung lũng màu mỡ nên bà con di cư đến để khai khẩn đất đai. Vì có quá nhiều ong quần tụ, nên người dân cắt cỏ gianh rồi bó lại để đốt xua đàn ong đi nơi khác, lập ra Tà Chải (làng lớn) và thị trấn Bắc Hà ngày nay.
Cũng như nhiều dân tộc khác, khi di cư đến đây, bà con người Mông chọn nơi ở trên triền núi cao, khí hậu lạnh để sinh sống, vì vậy những ngôi nhà của họ thường thấp và không có cửa sổ giúp giữ ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Theo quan niệm của bà con người Mông, mọi vật đều có linh hồn và mỗi ngôi nhà đều có thần cửa, thần cột, thần bếp... bảo vệ họ trước mọi thế lực siêu nhiên, để có cuộc sống yên ấm.
Cuộc sống của họ phụ thuộc vào nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa nương... nên đến vùng đất mới, bà con mang theo những ống hạt giống để gieo trồng. Mỗi năm chỉ được một vụ vì vậy để no đủ hơn, người dân đã thay thế cây trồng khác hiệu quả hơn. Đặc biệt, cây dược liệu đang mang lại thu nhập, đời sống ngày càng khấm khá hơn cho bà con Bắc hà…
Thấp thoáng dưới dãy Hoàng Liên Sơn là những ngôi nhà của bà con người Mông ở Tả Van Chư. Rừng núi nơi này trông như một bức tranh thiên nhiên huyền bí, hoang sơ và hùng vĩ.
Ông Ngải Seo Phà, người Mông thôn Lả Dì Thàng (xã Tả Van Chư), trồng hơn 5ha hoa cát cánh, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
"U chà, trước đây, gia đình khó khăn lắm, làm chẳng đủ ăn đâu. Từ ngày trồng cây trồng mới, gia đình tôi xây được nhà kiên cố, có xe máy, có tivi... Mỗi cân cát cánh tươi người ta mua tới 25 nghìn đồng. Chỉ phải bỏ công chăm sóc, phân bón, đến vụ là có người đến thu mua tại nhà thôi", ông Phà nói.
Ông Sùng Seo Sếnh, cùng thôn Lả Dì Thàng, có 3 đứa con, đứa đầu 5 tuổi, 2 đứa sau sinh đôi thuộc diện hộ nghèo, nay cũng đã trồng 6ha cát cánh với hy vọng... đổi đời chứ không chỉ thoát nghèo.
"Khó khăn chủ yếu là thời gian chăm sóc và phải có đất để canh tác, cứ chăm chỉ là giàu thôi", ông Sếnh nói.
Cho đến nay, ở Bắc Hà đã có hơn 100ha dược liệu trong đó chủ yếu là cây cát cánh. Cánh đồng cát cánh với tím ngắt nằm giữa những khe núi bồng bềnh mây bay khiến người phương xa bắt gặp cảnh này cũng khó lòng rời đi.
"Bắc Hà nằm giáp Hà Giang và tựa vào dãy Hoàng Liên Sơn nên thời tiết không quá lạnh, cũng không quá nóng. Bình quân các xã ở độ cao 1.500m so với mực nước biển nên cả yếu tố thổ nhưỡng và khí hậu là những điều kiện cơ bản nhất để phát triển vùng dược liệu tốt nhất Tây Bắc. Số lượng dược liệu hiện nay chủ yếu do bà con người Mông trồng vì nơi họ sống có độ cao phù hợp với những loại cây trồng này", bà Vũ Thị Vân Phượng, Giám đốc Công ty VietRap cho hay.
Từ mờ sáng, bà con ở Lùng Phìn, Tả Củ Tỷ... dắt theo những con ngựa thồ nông sản xuống chợ phiên để bán. Chợ phiên Bắc Hà có đủ các mặt hàng và chỉ họp vào ngày chủ nhật.
Gọi là buôn bán nhưng ở đây người dân vẫn thuần chất vùng cao, chất phát, hồn nhiên; bán hàng mà không nói thách. Chợ phiên cũng là lúc để đám trẻ con bám theo các bà, các mẹ để ra thị trấn chơi. Chúng tuy không phải bán hàng nhưng cũng giúp phiên dịch một số từ địa phương sang tiếng phổ thông khi cần thiết.
Bà Giàng Thị Mẩy cho hay, u nhà mình ở xa lắm, chỉ đợi chợ phiên mới đến mua thôi. Cái gì cũng có, hạt giống, con giống, thổ cẩm, con chó, con mèo, đến cái cuốc, cái xẻng, cái bừa... ngày thường không mua được đâu.
Ở chợ phiên không chỉ có người bán, người mua mà ghé chơi chợ còn có những người bạn. Khi tới chợ phiên, họ mới có thể gặp lại nhau, uống với nhau chén rượu ngô men Hồng Mi, ăn bát thắng cố nóng hổi, vui nhẩy cùng tiếng khèn... Còn đám trẻ con thích thú với những chiếc bánh rán to như cái bát ăn cơm được mẹ mua cho…
Ở Bắc Hà có chợ phiên độc đáo nhất phía Bắc nhưng các ngày trong tuần cũng có những chợ nhỏ, đậm chất bản địa như thứ 3 có chợ Cốc Ly, thứ 4 chợ Si Ma Cai, thứ 5 chợ Bản Liền, thứ 6 chợ Lùng Phình, thứ 7 là chợ Cán Cấu (Si Ma Cai).
Không khí trong lành, con người hiền hòa khiến những người đặt chân đến Bắc Hà khó lòng rời đi.
Bà Nguyễn Thị An, chủ quán ăn ở trung tâm thị trấn, gắn bó với Bắc Hà từ ngày thị trấn chỉ có vài nóc nhà. Quán ăn đông khách, hấp dẫn bởi những món được chế biến từ sản vật của bà con địa phương, gia vị đậm chất Tây Bắc. Sau một ngày khám phá Bắc Hà, thưởng thức lợn cắp nách nướng, nộm rau rừng, rau ngũ gia bì xào trứng, đương quy xào thịt ngựa, canh gà đen nấu tam thất... cũng giúp người ta phục hồi cơ thể.
Bà nhớ lại, tôi theo mẹ từ quê lên đây, lúc đó đi mất cả ngày đường. Gia đình nghèo khó không có tiền về quê lấy học bạ nên tôi sớm nghỉ học, phải đi làm cỏ mận thuê, tráng bánh phở đen đi bán giữa mùa sương muối. Khi ấy cầu treo sang chợ trâu, ngựa được làm bằng sắt nay được xây bê tông kiên cố rồi.
Thấy khổ, người cho gạo, cho quần áo cũ, người cho mượn nhà để ở... rồi cũng qua những ngày ấy. Khi lớn, tôi từng có ý định rời khỏi Bắc Hà, đi tàu xuống Hà Nội làm thuê. Ở nơi xa lạ, không biết đường đi lối lại, bị lạc đường nên khi mang đá đến cho người ta thì cũng đã chảy thành nước. Tôi trở về Bắc Hà, tích cóp tiền dần dà từ làm thuê tôi mở quán ăn riêng từ đó đến giờ.
Có nhiều thứ ở Bắc Hà đã thay đổi, không còn những ngôi nhà lụp xụp, du khách biết đến nhiều hơn nhưng cuộc sống ở đây vẫn cứ như vậy, không phải bon chen. Mọi người luôn thân thiện, tình cảm và là thứ không bao giờ thay đổi ở đất Bắc Hà này, bà An nói.
Bắc Hà có nhiều nơi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, núi rừng hùng vĩ. Khu rừng gỗ nghiến, gỗ trai ở Cốc Ly là một trong số đó. Tại đây, hàng trăm cây lớn nhỏ cao vút tầm mắt, đặc biệt "cụ" nghiến nghìn năm tuổi, 12 người ôm không xuể.
Còn ngay giữa trung tâm thị trấn, dinh tự Hoàng A Tưởng hơn 100 năm tuổi nhưng đến nay vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Dinh thự này từng được coi là ngôi nhà quyền lực nhất cao nguyên Bắc Hà thời kỳ thực dân Pháp còn cai trị.
Thời bấy giờ, sinh sống ở Bắc Hà chủ yếu là người Mông và chủ nhân của dinh thự này là thổ ty Hoàng Yến Tchao giàu có nhất vùng. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1914 đến cuối 1921 thì hoàn thành.
Theo các cụ cao niên, để chọn đất xây dựng dinh thự, Hoàng Yến Tchao đã cho mời các thầy địa lý về xem địa điểm, thế đất, hướng đất... khắp Bắc Hà. Sau đó, đã chọn được gò đất hình mui rùa, lưng tựa núi, trước mặt nhìn ra dòng suối chảy vào hồ Na Cồ, chính là vị trí của dinh ngày nay. Với vị trí đất cao hơn xung quanh nên đây còn là nơi khó công, dễ thủ trong thời kỳ vũ khí còn thô sơ.
Ông Hoàng Yến Tchao đã mời cố vấn người Pháp và kiến trúc sư người Trung Quốc thiết kế công trình nên khi dinh thự Hoàng A Tưởng được xây dựng đã pha kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây hết sức độc đáo...
Vì nơi này từng có dấu chân của người Pháp, nên ở Lào Cai ngoài Sa Pa, Bắc Hà là địa điểm ưa thích của du khách châu Âu đến để khám phá. Mặt khác, vì sự kết nối giữa Lào Cai và Hà Giang thì Bắc Hà là một điểm dừng chân thú vị.
"Phong cảnh Bắc Hà đã là một điểm nhấn, địa hình dốc thoải vừa sức họ đi họ đến những nơi như Tả Van Chư, Lầu Thí Ngài; Thải Giàng Phố, Bản Liền hoặc đi sang Hà Giang mà không bị quá sức. Trong khi nhưng nơi này văn hóa, nếp nhà, phong cách ăn mặc của bà con vẫn còn được gìn giữ đến nay", bà Cao Hương, chủ homestay La Beauté Bắc Hà nói.
Ngoài các điểm du lịch như đền Bắc Hà, đồn Bắc Hà, du khách có thể vào bản hái chè, bắt cá suối và trải nghiệm các mô hình nông nghiệp gắn với phát triển du lịch ở vùng trồng dâu tây, trồng quế… Tham quan vườn chè cổ thụ Hoàng Thu Phố, cưỡi ngựa đua, ngắm hoàng hôn, đón bình minh trên đỉnh núi thơ mộng nhất huyện Bắc Hà…
Hải Đăng
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/moc-mac-cao-nguyen-bac-ha-a6497.html