Giữ gìn, bảo tồn di sản nghệ thuật xòe Thái

Lai Châu - Nghệ thuật xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng. Múa xòe đã trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Từ bao đời nay cộng đồng người Thái ở Lai Châu vẫn luôn gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp này.

Giu gin, bao ton di san nghe thuat xoe Thai hinh anh 1

Điệu múa xòe truyền thống của người Thái. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Hồn cốt văn hóa người Thái

Cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, xã Mường So, huyện Phong Thổ được coi là cái nôi của đồng bào dân tộc Thái trắng với điệu xòe Thái làm say đắm du khách, được ví như nhạc suối róc rách, tâm hồn con người rộng mở với những điệu xòe hòa trong tiếng trống, chiêng, tính tẩu rộn rã trong ngày hội bản mường.

Vùng đất Mường So xưa gồm các xã Bản Lang, Khổng Lào và Mường So, huyện Phong Thổ được biết đến là nơi phát tích các làn điệu xòe Thái cổ. Khoảng năm 1946, khi vua Thái Đèo Văn Ân lên làm Tỉnh trưởng Phòng Tô quản lý 6 châu là Mường Khương, Cốc Lếu, Mường Chăn, Mường Than, Mường Lự và Mường So, lúc đó đội xòe nghiệp dư châu Mường So có khoảng 20 người ở độ tuổi từ 12 đến 15. Đây là những người đã được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các bản làng để mỗi khi Tỉnh trưởng có khách cấp trên về hoặc vào dịp lễ tết là đội xòe được triệu tập đi múa phục vụ.

Lúc đầu múa xòe cũng rất đơn giản, không theo một quy trình nào cả, được phối với nhiều đạo cụ như xoỏng, quạt, khăn, nón… dần dần điệu múa được nâng cao chất lượng và biểu diễn cũng chuyên nghiệp hơn. Theo già làng trong xã, xòe xuất phát từ đời sống sinh hoạt lao động, tập tục, tín ngưỡng của đồng bào Thái và được biết đến với 36 điệu xòe cổ với nét đặc trưng của nghệ thuật dân vũ Thái.

Cứ mỗi độ xuân sang, phụ nữ Thái nơi đây lại sắm cho mình những bộ váy áo cóm mới để say với những điệu xòe. Nổi bật nhất là các điệu xòe du xuân như: xòe nón, xòe khăn, xòe quạt, xòe nhạc, xòe vòng… Nhưng phổ biến nhất là xòe vòng. Các động tác múa cơ bản là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng.

Điệu xòe làm cho con người sảng khoái, thân thể vận động dẻo dai hơn. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Theo năm tháng, điệu xòe đã trở thành món ăn văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái.

Người Thái múa xòe không chỉ để thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên mà còn thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc. Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động nhưng cũng đậm tính xã hội. Đặc biệt, xòe Thái có tính bình đẳng rất cao, khi đã vào vòng xòe, không còn phân biệt giàu nghèo, già hay trẻ.

Gìn giữ, bảo tồn di sản dân tộc

Xã Mường So hiện có 3 dân tộc sinh sống, trong đó người Thái chiếm 70%. Những năm qua việc bảo tồn văn hóa Thái nhất là điệu xòe đã được chính quyền địa phương và nhân dân gìn giữ, phát huy. Hiện nay, các bản làng trong xã đều có các đội múa xòe ở các lứa tuổi với hơn 30 đội văn nghệ. Nhờ những đội văn nghệ này đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái nơi đây.

Hiện nay, dân tộc Thái ở Lai Châu chiếm khoảng 32%, tập trung đông nhất ở các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ. Những năm qua, việc bảo tồn di sản Nghệ thuật xòe Thái đã được tỉnh Lai Châu chú trọng. Tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật xòe Thái, ưu tiên truyền dạy các điệu xòe cổ cho các bản, các đội văn nghệ.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây niềm vinh dự, tự hào của cả dân tộc Việt Nam nói chung, của cộng đồng dân tộc Thái Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lai Châu nói riêng. Để di sản nghệ thuật xòe Thái tiếp tục được bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống xã hội, tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật xòe Thái.
 

Việt Hoàng - Đinh Thùy

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/giu-gin-bao-ton-di-san-nghe-thuat-xoe-thai-a6412.html