Một góc rừng cao su xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, được trồng từ năm 2008, khi tỉnh bắt đầu trồng loại cây này để phủ xanh đồi trọc, tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhìn từ ảnh vệ tinh năm 2015, nơi đây còn nhiều khu vực đồi trọc so với hiện nay.
Điện Biên có hơn 3.700 ha cao su, trong đó huyện Tuần Giáo nhiều nhất với 1.400 ha. Diện tích cao su của cả Tây Bắc khoảng 29.000 ha.
Giống cao su trồng ở Điện Biên được lựa chọn phù hợp với địa hình đồi núi và chịu được rét. Sau gần 10 năm, cây có đường kính 25 cm sẽ được khai thác. Khoảng cách chọn điểm lấy mủ là 1,3 m từ đất lên.
Người dân ở xã Hua Thanh, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái, đi cạo mủ cao su từ 4h30 tới khoảng 7h. Anh Đường Văn Châu (bìa trái) cho biết, chiếc dao cạo mủ cao su được làm từ thép trắng để đảm bảo độ sắc bén và cứng.
Chị Quàng Thị Tuyến cạo mủ từ sáng sớm, sau đó vẫn kịp đi làm nương, đi chợ hoặc cho con nhỏ đi học. Trước khi nhận công việc này, chị và mọi người được Công ty Cổ phần cao su Điện Biên tập huấn hơn một tháng. Mỗi người được giao cạo mủ hơn 500 cây.
Chị Tuyến cho biết, ba ngày một lần, khi lớp mủ cao su đóng lại, người dân sẽ cạo thêm, độ dốc của đường cạo quyết định tốc độ chảy mủ. Sáng sớm mủ ra nhiều, ít dần vào buổi trưa. Cây càng lớn tuổi thì càng nhiều mủ. Tuy vậy, việc lấy mủ cũng phải tính toán để tránh làm cây suy kiệt.
Để phòng bụi bặm hay lá cây bay vào thùng chứa mủ, người dân sẽ phủ tấm nylon bên trên. Do địa hình đồi núi, khó vận chuyển nên cao su ở Điện Biên chủ yếu thu mủ đông, thay vì mủ nước.
Ông Nguyễn Công Tám, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cao su Điện Biên, cho biết mủ nước có thể bán 40 triệu đồng mỗi tấn, nhưng mủ khô thì chỉ khoảng 35 triệu đồng.
Năng suất mủ cao su ở Điện Biên hiện hơn miền Trung và ngang Tây Nguyên, trung bình đạt 1,24 tấn/ha.
Chị Quàng Thị Thắm đã 5 năm gắn bó với cây cao su, mỗi tháng được trả khoảng 6 triệu đồng. Đây là khoản tiền lớn với người phụ nữ Thái này, bởi trước đây chị hầu như không có thu nhập, làm rẫy năm được mùa thì đủ ăn, năm mất mùa lại trông chờ nhà nước hỗ trợ.
Sau khi cạo, 10 ngày sau chị Thắm đi gom mủ bằng cách dùng thanh sắt uốn hình chữ L, móc mủ cho vào gùi, mỗi gùi nặng 20 kg. "Mùi cao su đông khó chịu vì bị lên men và các chất phân hủy, lúc đầu chưa biết nên hơi sợ, giờ thì đã quá quen", chị Thắm chia sẻ.
Người dân cho mủ cao su khô vào túi nylon bọc kín, chở về kho tập kết chờ thu gom. Cao su sau đó được chuyển tới nhà máy ở Sơn La để chế biến, thành phẩm được xuất chủ yếu sang Trung Quốc. Theo kế hoạch, vào cuối năm 2023, Điện Biện sẽ có nhà máy chế biến mủ cao su.
Khi cây cao su ở Điện Biên bắt đầu vào thời điểm thu hoạch, những dây mủ cao su khô được thu gom về nhà đóng vào bao nylon rồi đưa về kho. Số lượng mủ tính vào công của từng người để trả lương cuối tháng.
Nhờ làm cao su, năm 2021, vợ chồng chị Lò Thị Thắm, đội 7 bản Tâu, xã Hua Thanh, dựng được ngôi nhà sàn truyền thống với chi phí gần 700 triệu đồng. Chị cho biết, làm cao su đỡ vất vả hơn làm ruộng, thu nhập một năm của vợ chồng từ cao su được 150 triệu đồng. Trong họ có 12 anh em ruột đi làm cao su.
Ba năm trước, Điện Biên đã dừng trồng thêm cây cao su. Năm 2021, toàn tỉnh thu gần 3.700 tấn mủ, dự kiến năm 2022 thu 3.800 tấn.
Ngọc thành - Phạm Chiểu
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/thu-hoach-mu-cao-su-o-tay-bac-a6220.html