Cán bộ kiểm lâm thị xã Sa Pa phối hợp với tổ bảo vệ rừng địa phương tuần tra rừng. |
Xã Y Tý có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Để xây dựng Y Tý là điểm đến hấp dẫn du khách như Sa Pa thứ hai, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2012 ngày 29/6/2020 về việc quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, với diện tích hơn 8.600 ha, trong đó phát triển đô thị vùng lõi hơn 3.100 ha. Điều đáng nói là từ khi có quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, việc mua, bán đất nơi đây trở nên nhộn nhịp. Nhiều gia đình có đất ở vị trí đẹp đã bán được với giá tiền tỷ. Tình trạng nhiều người lên Y Tý mua đất tạo nên cơn “sốt” đất, cũng đồng nghĩa công tác quản lý đất nói chung và đất quy hoạch cho lâm nghiệp nói riêng càng khó khăn. Đã có nhiều vi phạm pháp luật lâm nghiệp liên quan đến phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp trái phép bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát, trong năm 2020 và 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 23 vụ phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó 1 vụ khai thác rừng trái phép, 14 vụ phá rừng trái pháp luật, 1 vụ lấn chiếm rừng, còn lại là các vụ vi phạm về thủ tục hành chính. Các vụ vi phạm đều được phát hiện, xử lý kịp thời. Đơn cử như vụ việc xảy ra cuối năm 2020, gia đình ông Sùng A Lử, thôn Phìn Hồ, xã Y Tý đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Ông Sùng A Lử dựng nhà khung gỗ, xây tường và mái lợp tôn, diện tích khoảng 55 m2 trên diện tích đất rừng phòng hộ được giao cho thôn quản lý, bảo vệ với mục đích chiếm làm tài sản riêng, ý định bán cho khách dưới xuôi. Ngay khi phát hiện vụ việc, UBND xã Y Tý đã cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm.
Tại thị xã Sa Pa, quỹ đất quy hoạch cho phát triển khu đô thị trước kia nhỏ hẹp, vì vậy, trong quá trình mở rộng đô thị, nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng đã tác động trực tiếp đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Mặt khác, do các chủ đầu tư mua đất với giá cao, nhiều người dân vì lợi ích kinh tế trước mắt đã cố tình lấn chiếm, tranh chấp đất rừng bằng mọi hình thức và nhiều thủ đoạn bán cho các đối tượng đầu cơ hoặc chờ công trình, dự án vào đầu tư để lấy tiền đền bù. Giá đất tại địa phương này trong những năm qua tăng nhanh, thậm chí có thời điểm “sốt” đất, trong đó có cả diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp.
Có một thực tế đang diễn ra ở thị xã Sa Pa, đó là nhiều diện tích đất rừng đang chồng chéo giữa tổ chức và người dân, trên hồ sơ là đất của tổ chức nhưng người dân lại sử dụng nhiều năm nay, gây cản trở cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế vi phạm của hộ ông Sùng A Lử, xã Y Tý (dựng nhà trái phép trên đất lâm nghiệp). |
Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thị xã Sa Pa xảy ra một số vụ lấn chiếm đất rừng. Cụ thể, ngày 14/3/2021, Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa kiểm tra, lập biên bản về hành vi dựng lán lấn chiếm đất rừng tại tổ 1, phường Sa Pa, phối hợp với UBND phường Sa Pa cưỡng chế, phá dỡ 8 lều, lán. Ngày 9/8/2021, lực lượng kiểm lâm thị xã Sa Pa kiểm tra, lập biên bản về hành vi lấn chiếm đất rừng làm đường bê tông tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, phạt 2 triệu đồng, buộc phá dỡ 36 m2 đường bê tông đối với ông Lý A Giống. Ngày 19/10/2021, kiểm lâm thị xã Sa Pa kiểm tra, lập biên bản vi phạm về hành vi lấn chiếm đất rừng để trồng su su tại tổ 2, phường Ô Quý Hồ. Sau đó, kiểm lâm thị xã phối hợp với UBND phường cưỡng chế phá dỡ 3.000 m2 giàn su su, 897 m rào dây thép gai…
Đó chỉ là một số trong nhiều vụ xâm lấn đất rừng tại thị xã Sa Pa. Theo ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa, giá trị bất động sản tại địa phương tăng mạnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình trạng xâm lấn đất rừng. Phương thức lấn chiếm chủ yếu là người dân sống gần rừng có nhu cầu mở rộng đất để sản xuất hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Trước thực trạng đó, Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa đã phối hợp với ngành chức năng, địa phương tuyên truyền người dân không chặt phá, lấn chiếm đất rừng; xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất rừng; thành lập tổ bảo vệ rừng theo dõi, kịp thời phát hiện nhiều vụ việc phát sinh.
Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 91 vụ phá rừng, lấn chiếm rừng, tăng 17 vụ so với năm 2020. Có một số vụ phá rừng, lấn rừng, luỗng rừng, làm chết cây rừng, đòi đất trái pháp luật để làm nhà, chuồng trại chăn nuôi, ao cá, trồng các loại cây ăn quả, cây lâu năm… mục đích để nhận được nhiều tiền đền bù về đất hoặc lấn chiếm đất rừng.
Các vi phạm trên gây thiệt hại về tài nguyên rừng, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự, khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan và chính quyền các địa phương.
Kim Thoa - Vân Thảo
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ap-luc-doi-voi-cong-tac-bao-ve-va-phat-trien-rung-a6197.html