Cấp xong sổ đỏ, 2 năm sau mới nộp thuế
Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngày 15/1/2017, ông Giàng A Sê ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thửa đất khoảng 3.500 m2 cộng thêm đường đi bên khu đất và một phần nương chè. Giá chuyển nhượng là 385 triệu đồng.
Bên mua thửa đất này chính là bà Nguyễn Thị Xuyến, vợ của ông Nguyễn Đức Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên - hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Bắc Yên.
Việc chuyển nhượng thửa đất này toàn bộ là giấy viết tay. Trong giấy viết tay chuyển nhượng ghi "bên mua phải chịu toàn bộ chi phí thủ tục để làm sổ đỏ và chuyển quyền sử dụng thửa đất. Bên bán phải hỗ trợ mọi giấy tờ thủ tục để làm sổ đỏ".
Ngày 30/7/2019, Chi Cục thuế huyện Bắc Yên có thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân với ông Giàng A Sê nhận chuyển nhượng bất động sản là thửa đất số 3, tờ bản đồ 32 bản Tà Xùa A xã Tà Xùa, trong đó 400m2 đất ở nông thôn, 2.170,2m2 đất trồng cây lâu năm.
Cùng ngày 30/7/2019, Chi Cục thuế huyện Bắc Yên cũng có thông báo nộp lệ phí trước bạ với bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến cho thửa đất số 3 tờ bản đồ số 32 với số tiền hơn 1,9 triệu đồng và số tiền thuế đất nhận chuyển nhượng QSDĐ là 52 triệu đồng.
Sự bất thường đã được nêu trong bài viết trước "Homestay của gia đình nguyên Phó Chủ tịch huyện Bắc Yên vi phạm trật tự xây dựng chưa bị xử lý", sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất -GCNQSDĐ) của gia đình ông Thịnh bà Xuyến đã được cấp trước khi hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước 2 năm.
Cụ thể, ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên ký Quyết định 695/QĐ-UBND về việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện.
Theo ô thứ tự số 145, bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến (vợ ông Thịnh – Chủ nhiệm UBKT huyện ủy Bắc Yên, năm 2017 giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên) là chủ sở hữu của thửa đất số 3, tờ bản đồ số 32, có diện tích 3.570,2 m2 (400m2 đất ở nông thôn; 3.170,2m2 đất trồng cây lâu năm) tại địa chỉ bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên.
Cũng trong ngày 24/5/2017, ông Lê Văn Kỳ ký duyệt GCNQSDĐ cấp cho bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh tại thửa đất có cùng vị trí nêu trên. Thửa đất này lại có tổng diện tích là 2.194,8m2 (thiếu 1.375,4m2 so với Quyết định 695).
Trong đó, đất ở nông thôn lâu dài là 400m2, đất trồng cây lâu năm (50 năm) là 1.794,8m2. Diện tích trong GCNQSDĐ hụt hơn 1.300 m2 so với Quyết định.
Liên quan tới sự bất thường này, ông Thành – Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bắc Yên cho biết: "Sẽ cho kiểm tra lại vì thời điểm đó tôi chưa về công tác tại Văn phòng".
Ngày 18/5, UBND tỉnh Sơn La đã có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc quản lý đất đai và trật tự xây dựng đối với UBND huyện Mộc Châu, Bắc Yên. Trưởng đoàn là ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Giám đốc Sở TNMT. Thời kỳ kiểm tra từ 1/1/2019 đến 30/4/2022, trường hợp cần thiết có thể mở rộng thời kỳ kiểm tra. Thời gian kiểm tra là 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định.
Nguồn gốc đất là đồi chè
Theo tìm hiểu của Dân Việt, khu đất được gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh xây dựng Homestay Tà Xùa Hills vi phạm trật tự xây dựng có nguồn gốc đất là đồi trồng chè.
Người chuyển nhượng thửa đất số 3, tờ bản đồ số 32 ở bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa là ông Giàng A Sê cho biết: "Trước đây khu đất này là gia đình tôi sử dụng để trồng chè. Tôi đã chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Hồng Xuyến và ông Nguyễn Đức Thịnh với số tiền hơn 300 triệu đồng".
Ông Giàng A Sê cũng khẳng định, trên mảnh đất đó gia đình ông trước khi chuyển nhượng chỉ sử dụng trồng chè và không có bất cứ nhà cửa hay lều lán gì được dựng trên khu đất.
Sai phạm một tí!
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: "Ông Thịnh là người đầu tiên khơi mào du lịch. Ông ấy dựng được cái nhà sàn, cái lều. Phải biểu dương ông ấy mới đúng". Theo ông Kỳ, khoảng năm 2016, ông Nguyễn Đức Thịnh thời điểm đó là Phó Chủ tịch huyện Bắc Yên (PV) đã làm được nhà sàn với một cái chòi ở giữa sân.
"Sau đó mới thu hút các nội dung khác lên Tà Xùa du lịch thì cũng phải biểu dương ông ấy. Thôi, sai phạm một tí, nhà gỗ thôi, chưa xây dựng cái gì ghê gớm cả", ông Kỳ nói.
Ông Kỳ cũng cho biết, liên quan đến quản lý trật tự, quản lý đất đai sau khi báo chí vào cuộc, tỉnh cũng chỉ đạo kiểm tra. Sau ngày 29/6 sẽ có kết quả. Lúc đó sẽ cung cấp cho Báo chí toàn bộ kết quả kiểm tra. "Giờ bảo là đúng các anh cũng không tin, còn bảo là sai thì cũng chưa có căn cứ", ông Kỳ nói.
Trao đổi với Dân Việt, LS Hoàng Anh Sơn – Đoàn LS TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Công ty Luật CITAD LEGAL cho biết: Theo quy định của Luật đất đai, các giao dịch liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó, người có tài sản là đất mới có quyền chuyển nhượng cho người khác.
Theo quy định của Luật đất đai 2013, thì ông Giàng A Sê là chủ sử dụng thửa đất. Ông Sê chưa thực hiện việc đăng ký để được cấp GCNQSDĐ. Bởi vậy, ông Sê chưa đủ điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng. Bởi vậy, khi ông Sê đã cùng bà Xuyến viết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất không có công chứng, chứng thực (khi ông Sê chưa có GCNQSDĐ) thì hợp đồng trên được coi là vô hiệu.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Anh Sơn cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sê và bà Xuyến chưa được công chứng tại phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã. Bởi vậy, về mặt hình thức cũng là vô hiệu. Theo quy định của pháp luật, các bên sẽ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
"Hợp đồng vô hiệu, kéo theo đó là các giấy tờ khác của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cũng bị trái phép luật theo. Đặc biệt, việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước như: Thuế trước bạ, thuế chuyển quyền, thuế thu nhập... thực hiện sau thời điểm UBND huyện Bắc Yên có quyết định giao đất cũng như quyết định cấp GCNQSDĐ cho bà Xuyến là trái quy định. Lẽ ra, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đó phải thực hiện cùng hoặc trước khi được cấp GCNQSDĐ", ông Tuyên phân tích.
Liên quan tới việc xây dựng Homestay Tà Xùa Hills vi phạm trật tự xây dựng sẽ phải xử lý ra sao?
Luật sư Hoàng Anh Sơn phân tích: Theo quy định tại khoản 11 Điều 16 nghị định 16/2022/NĐ-CP thì đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì xử phạt theo quy định tại nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể là căn cứ khoản 2, khoản 3, 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Việc chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt có thể từ 3 triệu đồng tới 200 triệu đồng. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
Phi Long
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/son-la-quy-trinh-cap-so-do-ky-la-cho-gia-dinh-nguyen-pho-chu-tich-huyen-bac-yen-a6167.html