Gắn bó với cây chè và người nông dân bản địa hơn 40 năm, bà Phạm Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH chè Shan Trúc Thanh ở thành phố Lai Châu luôn trăn trở làm sao đồng bào các dân tộc địa phương có cuộc sống ổn định nhờ cây chè.
Lần thứ hai vinh dự được tham dự Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam, mong mỏi lớn nhất của bà Nụ là đề nghị Chính phủ và cơ quan chức năng có giải pháp bình ổn giá phân bón, giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, để nông dân ổn định sản xuất.
Xuất thân từ gia đình nông dân ở quê lúa Thái Bình, năm 1982 (khi tròn 18 tuổi), bà Phạm Thị Nụ lên thị trấn nông trường Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu) để lập nghiệp. Hơn 40 năm hoạt động trong ngành chè và có hơn 20 năm gắn bó với người nông dân; trải qua nhiều thăng trầm, biến cố cùng ngành chè, mong mỏi của bà Nụ vẫn là làm sao để người trồng chè có thu nhập và cuộc sống ổn định hơn.
“Năm 2006 tôi lên đây khôi phục lại vùng chè của Sùng Phài đúng lúc ngành chè đang bị suy thoái, bà con đang chán, đang không muốn chăm chè. Tôi xây dựng nhà máy, đứng ra cho bà con vay vốn và hỗ trợ tiền phân và động viên bà con chăm sóc cây chè. Từ đó đến nay bà con phấn khởi và vực lại được cây chè và đến nay nhờ cây chè bà con đã giàu lên”, bà Nụ chia sẻ.
Từ vùng nguyên liệu hơn 30ha, với sản lượng chè búp tươi chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha; đến nay vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Shan Trúc Thanh đã được mở rộng hơn 100 ha và sản lượng thu từ 5 - 6 tấn/ha chè búp tươi. Theo bà Nụ sự liên kiết chặt chẽ của “4 nhà”, nhất là giữa doanh nghiệp và bà con nông dân trong tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững:
“Nếu Lai Châu muốn giữ được bền vững vùng chè, phải giữ được chất lượng của nguyên liệu đầu vào ổn định. Nếu bây giờ tỉnh cứ cho mở rộng thêm các nhà máy sẽ dẫn đến cạnh tranh nguyên liệu, bà con hái ẩu, không còn chất lượng”, bà Nụ cho biết.
Theo bà Nụ, trong nông nghiệp phân bón là yếu tố chính quyết định đến chất lượng sản phẩm cây trồng, giúp người nông dân ổn định sản xuất. Đối với các cây trồng hàng hóa, nhất là như đối với cây chè hiện nay, phân bón tác động trực tiếp đến chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua giá phân bón tăng cao, khiến bà con nông dân không bón, nên cây chè bị cằn cỗi, búp bé và nhiều lá già. Chất lượng nguyên liệu kém, nên giá thu mua của doanh nghiệp cũng thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống của bà con nông dân.
“Đối thoại với Thủ tướng lần này tôi chỉ có tâm huyết về phân bón cho bà con nông dân. Không phải ngành chè mà các ngành cây trồng khác cũng đều dùng phân bón, thế nhưng từ cuối năm ngoái đến năm nay giá phân bón quá cao khiến người trồng chè của tỉnh Lai Châu nói riêng và toàn nước nói chung gặp khó khăn”, bà Nụ nhận xét.
Sự kiện đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với nông dân Việt Nam tại Sơn La và đầu cầu các tỉnh, thành phố đã khẳng định vị thế quan trọng của ngành nông nghiệp với nền kinh tế đất nước. Người nông dân và các doanh nghiệp tin rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sẽ có giải pháp căn cơ, từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp ngành nông nghiệp đất nước tiếp tục pháp triển bền vững, sớm hồi phục sau đại dịch và sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sẽ khẳng định được vị thế trước xu thế hội nhập toàn cầu.
Khắc Kiên
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nong-dan-lai-chau-muon-chinh-phu-nhanh-binh-on-gia-phan-bon-a6123.html