Đoàn khách tham quan chụp hình lưu niệm tại cột mốc số 0. Ảnh: T.Mộc |
Đến với cực Tây A Pa Chải là hành trình đến với cột mốc số 0, ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Nơi đây được gọi là điểm “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”, nằm chênh vênh trên đỉnh núi Khoan La San, thuộc xã Sín Thầu, H.Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
* Cung đường Tây Bắc hùng vĩ
Cách TP.Điện Biên Phủ (trung tâm của tỉnh Điện Biên) khoảng 250km, nên để kịp thời gian khám phá cực Tây vào buổi chiều cùng ngày, đoàn du khảo hơn 20 người đến từ TP.HCM và Đồng Nai phải rời TP.Điện Biên Phủ từ 4 giờ sáng.
Đoàn di chuyển vào theo quốc lộ 12 và tỉnh lộ 131 đi qua các huyện Nậm Pồ, Mường Chà và Mường Nhé. Từ trung tâm H.Mường Nhé, đoàn đi tiếp gần 60km đến xã Sín Thầu để khám phá cực Tây của Tổ quốc. Hơn 250km đường đèo dốc, quanh co uốn lượn theo triền núi là chặng đường khá dài cho những ai chưa từng trải nghiệm đường đèo dốc. Tuy nhiên, để bù lại những nhọc nhằn từ quãng đường xa xôi ấy, cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc sẽ là một phần thưởng xứng đáng để bất kỳ ai cũng nên trải nghiệm một lần trong đời.
A Pa Chải là địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22023’530N 10208’510E, nằm trên đỉnh núi Khoan La San. Đây là nơi đặt cột mốc phân định biên giới 3 nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Cột mốc hoàn thành ngày 27-6-2005 được làm bằng đá granite, cắm giữa một hình lục giác, cột cao 2m có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi hướng tương ứng với từng nước, được khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia. Trong 4 cực Đông, Tây, Nam, Bắc thì cực Tây A Pa Chải là điểm ít được biết đến nhất vì nó nằm ở miền biên giới xa xôi. Người dân địa phương sinh sống tại cực Tây chủ yếu là người Hà Nhì. |
Do đi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán nên không khí mùa Xuân cũng trải dài suốt chặng đường với sắc hoa đào, hoa ban của núi rừng Tây Bắc đang hé nụ trên những con đường đèo ôm theo triền núi. Khi trời hừng sáng, những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thấp thoáng trên các sườn núi, thi thoảng lại ẩn hiện sau những tán cây rừng, những lớp sương mù dày đặc chưa kịp tan khiến cho cả đoàn không ai muốn chợp mắt để tranh thủ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc lúc bình minh.
Bà Bùi Thị Thu Hà, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, để khám phá cực Tây, du khách phải có ít nhất 2 ngày. Trên chặng đường đến cực Tây còn một số điểm du lịch khám phá văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc khá hấp dẫn, mỗi điểm là một dân tộc khác nhau nên du khách có thể dành ít nhất từ 2-3 ngày trải nghiệm đường đến cực Tây để có nhiều thời gian khám phá. Theo bà Hà, phần lớn các dân tộc trên địa bàn Điện Biên đều giữ nguyên phong tục, tập quán trong sinh hoạt, tạo nên sự khác biệt của từng dân tộc.
Điểm đầu tiên dừng chân sau khi đến với vùng cực Tây của đoàn du khảo là xã Sín Thầu. Những cô gái miền sơn cước người dân tộc Hà Nhì đón đoàn với điệu múa Những cô gái Hà Nhì và Hội Xuân đầy duyên dáng trong trang phục truyền thống nhiều màu sắc và nụ cười e ấp luôn thường trực trên khuôn mặt tươi như những cánh hoa đào Tây Bắc.
Chia tay đoàn văn nghệ núi rừng, Đồn biên phòng A Pa Chải tiếp chúng tôi bằng bữa cơm trưa cuối năm đầy ắp hương vị Tết với bánh chưng, thịt gà rừng, rau xanh được chăn nuôi và trồng ngay tại doanh trại.
* Nơi chủ quyền biên giới quốc gia
Cột mốc số 0 nằm ở độ cao 1.864m, trên đỉnh núi Khoang La San. Để bắt đầu cho hành trình leo mốc số 0, đoàn du khảo được Đồn Biên phòng A Pa Chải trang bị xe máy và cắt cử các chiến sĩ dẫn đường lên núi.
Theo hướng dẫn của các chiến sĩ bộ đội biên phòng, đường lên cột mốc dài khoảng 11km, trong đó có 4km đường đất dưới chân núi, 7km đường nhỏ theo vách núi được đổ bê tông. Với chừng ấy thông tin, nhiều người đã nghĩ rằng đường đến cực Tây không còn quá gian khó nữa.
Đường lên cột mốc số 0 cực Tây Tổ quốc còn nhiều khó khăn |
Tuy nhiên, khi trải nghiệm thực tế mới thấy hết những khó khăn, gian nan của các chiến sĩ ngày đêm canh giữ biên giới. Những đoạn đường quanh gấp khúc mà ngay phía sau là vách núi cheo leo, những đoạn đường nhỏ trơn trượt, thậm chí có những đoạn vừa quanh co gấp khúc vừa là dốc thẳng đứng, chỉ cần lỡ lên tay ga là có thể lao thẳng xuống vực sâu. Chưa kể, thi thoảng phải cúi người chui qua những thân cây rừng bị gãy đổ làm chắn đường đi hoặc những tảng đá trên vách núi rơi xuống do sạt lở, nếu muốn đi qua phải lách cả xe lẫn người.
Chị Nguyễn Minh Phương, du khách đến từ TP.HCM hồi hộp kể lại, đường lên cực Tây là một trong những cung đường khó đi nhất mà chị từng trải nghiệm. Tuy nhiên, cảnh sắc thiên nhiên và người dân nơi đây khá đặc biệt, giúp du khách có những trải nghiệm hoàn toàn mới. Ấn tượng nhất là cảm giác khi được đặt chân lên cột mốc số 0, niềm vui sướng và tự hào dâng lên khiến chị rất xúc động.
Chị Phương chia sẻ: “Một không gian đậm chất núi rừng Tây Bắc, những con người địa phương hiền hòa và mang ý nghĩa rất thiêng liêng là vùng biên giới của đất nước. Tôi tin tất cả những ai đã đến cực Tây một lần sẽ ấn tượng mãi mãi vì những điều đặc biệt đó”.
Sì Mé - cô gái Hà Nhì đang công tác tại Phòng Văn hóa - thông tin H.Mường Nhé đã đi theo đoàn chúng tôi từ đầu cho biết, mỗi khi có dịp giới thiệu về những truyền thống văn hóa, ẩm thực của người Hà Nhì, Sì Mé rất tự hào về nơi cô đã sinh ra và lớn lên.
Chia sẻ cảm nhận về quê hương mình, Sì Mé hãnh diện, bà con Hà Nhì sống rất yên bình, dù trong hoàn cảnh nào, bà con cũng không có cảm giác lo lắng vì họ đã được các chiến sĩ biên phòng bảo vệ. Mỗi năm khi Tết đến, các chiến sĩ bộ đội biên phòng cùng người dân tham gia gói bánh chưng để đón Tết. Đối với tết truyền thống của người Hà Nhì luôn được tạo điều kiện để tổ chức trang trọng và chỉn chu. Sì Mé chia sẻ mong muốn: “Tôi mong rằng A Pa Chải sẽ là trong những điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Người Hà Nhì sẽ giữ mãi những giá trị văn hóa, ẩm thực riêng để mỗi du khách khi đến đây sẽ cảm nhận được những giá trị sau những chuyến khám phá cực Tây”.
Thuỷ Mộc
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/a-pa-chai-diem-du-lich-cuc-tay-ky-thu-a5948.html