Hành trình đi tìm con chữ
Tối muộn, khi tiếng cười nói trong những nếp nhà nhỏ dần tắt, bà Triệu Thị Nái (60 tuổi, thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La, huyện Pác Nặm) lại lặng lẽ chuẩn bị sách vở, đèn pin. Khoác thêm chiếc áo mỏng, bà men theo con đường đất nhỏ, từng bước dò dẫm đến lớp học xóa mù chữ.
Bà kể, ngày đầu đến lớp, cầm quyển sách mà thấy lạ lẫm, đôi tay quen làm nương cứng đơ khi cầm bút. Viết được một chữ mà toát mồ hôi.
“Lúc mới đi học vất vả lắm, về đau nhức tay chân, lại nghĩ hay thôi bỏ cuộc. Nhưng rồi đi chợ không đọc được số tiền, nhận giấy tờ cũng không hiểu, tôi dù quãng đường có xa thì vẫn tự nhủ phải cố gắng đi học. Giờ mà không học thì chẳng biết bao giờ mới biết chữ”, bà nói.
Không chỉ bà Nái, nhiều người dân trong thôn cũng kiên trì đến lớp dù vất vả. Đa số họ là phụ nữ lớn tuổi, trước đây vì hoàn cảnh mà không có cơ hội học hành.
Nay khi cuộc sống bớt phần khó khăn, họ muốn biết chữ để thuận tiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày.
Không riêng gì xã Xuân La, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh Bắc Kạn, các lớp học xóa mù chữ cũng thu hút đông đảo người dân tham gia.
Bà Bàn Thị Lỵ, người dân xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông) cho hay, việc học không chỉ giúp bà con biết đọc, biết viết mà còn là tấm gương cho con cháu noi theo.
“Trước đây không biết chữ, đi chợ hay làm gì cũng ngại, giấy tờ cho con đi học cũng phải nhờ người khác. Giờ tôi biết viết tên mình, biết đọc rồi, vui lắm”, bà Lỵ chia sẻ.
Nhờ biết chữ, người dân có thể tự ghi chép sổ sách khi mua bán. Cũng từ đó, nhiều hộ gia đình đã cải thiện thu nhập, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.
Với họ, từng con chữ không chỉ giúp thay đổi cuộc sống mà còn mở ra những cơ hội mới.
Hiện thực hóa ước mơ
Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền địa phương đã phối hợp với các thầy cô giáo trong xã, tổ chức nhiều lớp học xóa mù ngay tại bản.
Lớp học xóa mù chữ ở thôn Khuổi Bốc có 28 học viên là người dân tộc H'Mông, Dao, trong đó học viên nhỏ nhất là 24 tuổi, lớn tuổi nhất 66 tuổi và phần lớn là chị em phụ nữ.
Cô giáo Nông Thị Thương, người trực tiếp giảng dạy, chia sẻ, những ngày đầu, việc cầm bút với bà con không hề dễ dàng.
“Bà con quen cầm cuốc, cầm dao, cầm kim khâu, nên tay cứng lắm. Viết một chữ mà run, có người tập mãi mới viết được tên mình", cô kể.
Sau hơn ba tháng, nhiều người đã đọc được báo, viết được tên mình, tính nhẩm đơn giản. Từ đó, mang lại sự tự tin, giúp họ chủ động hơn trong cuộc sống.
Không riêng gì huyện Pác Nặm, tại nhiều địa phương khác của tỉnh Bắc Kạn, phong trào xóa mù chữ cũng được triển khai mạnh mẽ.
Bà Tạ Thị Duyên - Phó Chủ tịch HĐND xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông) chia sẻ: “Lúc đầu, việc vận động bà con tham gia lớp học rất khó khăn. Họ bận mưu sinh, lại e ngại lớn tuổi, sợ không tiếp thu được, cầm bút không quen. Nhưng khi hiểu rõ lợi ích của việc biết chữ, nhiều người đã nhiệt tình tham gia".
Nhờ các lớp học xóa mù, tỉ lệ mù chữ trên địa bàn giảm đáng kể. Cuối năm 2022, Bắc Kạn còn 4,48% dân số chưa biết chữ, đến nay, tỉnh đã cơ bản đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Nhờ sự kiên trì, quyết tâm tìm con chữ, người dân nơi đây đã dần hiện thực hóa ước mơ biết đọc, biết viết, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.
Nguyễn Hoàn
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/lam-lui-trong-dem-tim-chu-a11338.html