Phú Thọ
Giai đoạn 2020-2024, kinh tế Phú Thọ đã tăng trưởng nhanh, ổn định, khẳng định vai trò là đầu tàu phát triển vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, giữ đà hội nhập và chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020- 2024 của Phú Thọ đạt khoảng 7,85%/năm, năm 2024 đạt 9,53% - cao nhất trong 15 năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, thuộc nhóm 10 tỉnh có tăng trưởng cao nhất cả nước.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 là 109,2 nghìn tỉ đồng; tăng thêm trên 25 nghìn tỉ đồng so với năm 2020, xếp thứ 35 cả nước.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 là 70,7 triệu đồng/người, tăng 21,3% so với năm 2020. Thu ngân sách nhà nước năm 2024: 8.492,6 tỉ đồng, bình quân tăng 8%/năm.
Phú Thọ là tỉnh có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất cả nước năm 2024 với 43%. Ảnh Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ: Tô Công
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2020-2024 huy động đạt khoảng 185.000 - 190.000 tỉ đồng, bình quân trên 37.000 tỉ đồng/năm, tăng mạnh qua từng năm, nhất là đầu tư tư nhân và FDI...
Vĩnh Phúc
Giai đoạn 2020-2024, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã tái định hình mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa sâu rộng, dịch vụ chất lượng cao, đô thị phát triển đồng bộ. Nền kinh tế Vĩnh Phúc được duy trì năng động, linh hoạt, thích ứng cao với biến động trong và ngoài nước.
GRDP bình quân giai đoạn 2020-2024 của Vĩnh Phúc đạt khoảng 6,0%/năm, riêng năm 2024 tăng 7,52%, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ đô thị sau giai đoạn gián đoạn do dịch bệnh.
Quy mô GRDP Vĩnh Phúc năm 2020 đạt 124 nghìn tỉ đồng, năm 2023 đạt 157,5 nghìn tỉ đồng và năm 2024 đạt 173,1 nghìn tỉ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2020, tương đương tăng hơn 49,1 nghìn tỉ đồng, đứng trong nhóm 13 tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Hạ tầng đô thị và các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: An Vi
GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 141,3 triệu đồng/người, cao hơn 1,24 lần so với mức trung bình cả nước (114 triệu đồng/người). Thu ngân sách nhà nước ổn định ở mức cao, trong đó năm 2020 đạt 32.593 tỉ đồng và năm 2024 đạt 31.500 tỉ đồng, duy trì trong nhóm tỉnh tự cân đối ngân sách và điều tiết về Trung ương.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2020-2024 đạt hơn 246,7 nghìn tỉ đồng, cơ cấu đầu tư chuyển mạnh sang khu vực tư nhân và vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp và dịch vụ đô thị...
Hòa Bình
Giai đoạn 2020-2024, kinh tế tỉnh Hòa Bình đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, từng bước khơi thông các động lực mới từ hạ tầng, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp hàng hóa; cơ cấu kinh tế - xã hội chuyển dịch theo hướng tích cực, chú trọng giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống và đảm bảo an sinh xã hội.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2024 đạt khoảng 6,8%/năm, năm 2024 đạt 8,96%, mức cao nhất trong 10 năm gần đây.
Hòa Bình những năm qua đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp và nông thôn mới. Ảnh: Minh Nguyễn
Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2020 khoảng 57 nghìn tỉ đồng, năm 2023 khoảng 66,8 nghìn tỉ đồng, năm 2024 ước đạt 72,5 nghìn tỉ đồng.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 81 triệu đồng/người. Thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 5.050 tỉ đồng, năm 2024 đạt 7.560 tỉ đồng.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2020-2024 đạt 85.000 tỉ đồng, bình quân hơn 17.000 tỉ đồng/năm, tập trung vào hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp và nông thôn mới.
Thành phố Việt Trì là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ mới sau sáp nhập. Ảnh: Trường Quân
Theo Đề án hợp nhất 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ mới sẽ thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã của 3 tỉnh.
Sau hợp nhất, tỉnh Phú Thọ có diện tích trên 9.400 km2, quy mô dân số khoảng 3,6 triệu người. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh đặt tại thành phố Việt Trì hiện tại.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Phú Thọ dự kiến giảm 141 đơn vị, còn 66 xã, phường; tỉnh Vĩnh Phúc 85 đơn vị, còn 36 xã, phường; tỉnh Hòa Bình dự kiến giảm 105 đơn vị, còn 46 xã, phường.
Như vậy, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hợp nhất 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ mới dự kiến sẽ có tổng cộng 148 xã, phường.
Tô Công
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/buc-tranh-kinh-te-cua-phu-tho-vinh-phuc-hoa-binh-truoc-sap-nhap-a11176.html