Yên Bái là một trong những địa phương luôn xảy ra tình trạng thiếu nhiều giáo viên và khó tuyển dụng mặc dù đã đưa ra nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ.
Thời điểm năm 2021, do số lượng giáo viên đăng ký chỉ hơn 50% chỉ tiêu tuyển dụng, tỉnh Yên Bái đã đưa ra chính sách tặng ngay 100 triệu đồng cho giáo viên về dạy học nhưng số lượng tuyển mới không đáng kể.
Tại vùng cao Mù Cang Chải, năm học vừa qua, toàn huyện thiếu hàng trăm giáo viên, nhất là thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh.
Theo cô Hoàng Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, bài toán thu hút giáo viên hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại.
Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần tại vùng cao đã có nhiều cải thiện, nhà công vụ được đảm bảo, đường sá thuận lợi, Internet phủ sóng… nhưng nhiều thầy cô vẫn còn e ngại do khoảng cách địa lý và việc phải sống xa gia đình.
Nguyên nhân thiếu giáo viên tại các huyện vùng cao do số tuyển mới ít hơn cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, thôi việc. Ảnh: An Vi
“Đây chính là yếu tố khiến nhiều giáo viên trẻ đắn đo khi lựa chọn công tác lâu dài tại miền núi. Như trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính có tổng cộng 25 lớp, nhưng chỉ có 31 thầy cô giáo đứng lớp. Trong số các giáo viên, có 3 người là viên chức biệt phái được điều động tăng cường từ các khu vực khác”, cô Ngân chia sẻ.
Thực tế khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên cũng diễn ra tại huyện vùng cao Trạm Tấu. Nhiều lãnh đạo trường học kiến nghị, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, cần có chiến lược dài hạn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực ngay tại địa phương.
Những sinh viên sư phạm có xuất phát điểm từ vùng cao, mong muốn trở về quê hương công tác, nên được ưu tiên tuyển dụng và hỗ trợ học tập. Họ có lợi thế lớn về ngôn ngữ, văn hóa bản địa, và sẽ dễ dàng hòa nhập cũng như gắn bó với công việc giảng dạy lâu dài.
Bên cạnh đó, những người đã tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng chưa đủ điều kiện bằng cấp để tuyển dụng cũng cần được tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ. Khi đạt chuẩn, họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ sự nghiệp giáo dục tại chính quê hương mình.
"Nhà nước cần bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ để thu hút giáo viên đến làm việc tại những khu vực khó khăn. Các chính sách này có thể bao gồm việc tăng lương, hỗ trợ chỗ ở để khuyến khích giáo viên gắn bó lâu dài với các khu vực đang thiếu nguồn nhân lực. Khi có đủ điều kiện để ổn định cuộc sống và công việc, giáo viên sẽ có động lực làm việc tốt hơn và cam kết gắn bó với trường học", lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu bày tỏ.
Ưu tiên tuyển dụng giáo viên cho các huyện vùng cao là một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại Yên Bái. Ảnh: An Vi
Trước tình trạng thiếu giáo viên, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đang triển khai nhiều giải pháp, nhất là biệt phái giáo viên từ vùng thấp lên vùng cao, nhằm đảm bảo việc giảng dạy ở những địa bàn khó khăn.
Đồng thời, xây dựng các phương án tìm nguồn tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên môn tiếng Anh, Tin học; đặt hàng đào tạo giáo viên những bộ môn còn thiếu cho những năm học sau; xây dựng chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở vùng cao, vùng khó khăn.
Bên cạnh việc phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển ngay tại địa phương, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đang nhờ sự hỗ trợ từ các tỉnh Nam Định, Hà Nội và Hải Phòng trong việc bố trí giáo viên dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học và THCS.
Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng và các tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện cơ sở vật chất cho các trường học khó khăn.
An Vi
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/yen-bai-tim-giai-phap-thu-hut-giao-vien-cong-tac-tai-vung-kho-a11093.html