Nhà cao tầng tại Điện Biên có thể chịu động đất 7 độ richter

Điện Biên là nơi từng xảy ra động đất mạnh 6,9 độ richter, vậy việc xây dựng các công trình nhà cao tầng được quản lý theo tiêu chuẩn nào?

Nhà cao tầng tại Điện Biên có thể chịu động đất 7 độ richter

Nhà cao tầng tại Điện Biên có thể chịu động đất 7 độ richter. Ảnh: Văn Thành Chương

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trạm trưởng Trạm Địa chấn Quốc gia Điện Biên (Viện Vật lý địa cầu) - người đã có gần 40 năm theo dõi về động đất thì Điện Biên được coi là cái rốn của động đất tại Việt Nam. Do vậy, ngay từ năm 1990 tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu) đã có quy định về xây dựng công trình dân dụng đảm bảo chống được động đất đến 7 độ richter.

"Sau trận động đất mạnh 6,7 độ richter xảy ra vào năm 1983, đến năm 1990 tỉnh đã có quy định các tiêu chuẩn về xây dựng công trình để chịu được tác động của động đất dưới 7 độ richter, trong đó các công trình xây dựng không được xây vượt quá 5 tầng" - ông Sơn nói.

Tại Điện Biên - cái rốn động đất của nước ta đã có rất nhiều nhà cao tầng được xây dựng. Ảnh: Văn Thành Chương

Tại Điện Biên - cái rốn động đất của nước ta đã có rất nhiều nhà cao tầng được xây dựng. Ảnh: Văn Thành Chương

Theo đó, khi xảy ra động đất đến 7 độ richter, con người trong các tòa nhà được đảm bảo an toàn về tính mạng, các công trình không bị đổ sập. Tuy nhiên, hiện nay, tại Điện Biên đã có rất nhiều công trình cao hơn 5 tầng, thậm chí có công trình cao hơn 10 tầng đã mọc lên. Vậy các công trình này được quản lý cấp phép xây dựng như thế nào?

Ngày 31.3, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Bùi Văn Luyện - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên - cho biết, tất cả công trình xây dựng được cấp phép tại Điện Biên đều phải có thiết kế chịu được tác động của động đất đến 7 độ richter.

"Bên cạnh việc phù hợp với quy hoạch tổng thể, các công trình xây dựng còn phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo quy định của Bộ Xây dựng, trong đó đã có các yếu tố chịu lực tác động khi có động đất xảy ra" - ông Luyện nói.

Khách sạn Mường Thanh Điện Biên cao hơn chục tầng đang được xây dựng tại một vị trí đắc địa. Ảnh: Văn Thành Chương

Khách sạn Mường Thanh Điện Biên cao hơn chục tầng đang được xây dựng tại một vị trí đắc địa. Ảnh: Văn Thành Chương

Giải thích về việc trước đây có quy định không được xây dựng công trình cao quá 5 tầng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cho biết, theo các quy định hiện hành thì không có quy định cụ thể về số tầng. Chiều cao của công trình được khống chế theo quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, tại Điện Biên, còn có sân bay nên tại một số khu vực cụ thể, các công trình xây dựng sẽ phải hạn chế chiều cao.

"Ngày nay, nhiều thành quả của khoa học kỹ thuật hiện đại đã được áp dụng trong ngành xây dựng, do vậy từ việc thăm dò địa chất đến vật liệu và phương án thi công đều đã có rất nhiều tiến bộ so với hơn 30 năm trước. Do đó, chất lượng công trình xây dựng được đảm bảo an toàn hơn và khả năng chịu được những tác động từ thiên tai cũng cao hơn" - ông Luyện cho biết thêm.

Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, liên quan đến trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar ngày 28.3 vừa qua khiến nhiều người tại tỉnh Điện Biên cũng tỏ ra lo lắng vì khu vực này được coi là cái rốn của động đất tại nước ta. Trong lịch sử, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 2 trận động đất 6,9 và 6,7 độ richter - lớn nhất trong 100 năm qua tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trạm trưởng Trạm Địa chấn Quốc gia Điện Biên trao đổi với PV. Ảnh: Thanh Bình

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trạm trưởng Trạm Địa chấn Quốc gia Điện Biên - trao đổi với PV. Ảnh: Thanh Bình

Theo đó, năm 1935, trận động đất mạnh 6,9 độ richter, tâm chấn nằm ở phía Nam lòng chảo Điện Biên và năm 1983 trận động đất mạnh 6,7 độ richter, tâm chấn ở huyện Tuần Giáo. Rất may cả 2 trận động đất nói trên đều không gây thiệt hại lớn vì thời điểm đó chưa có nhiều các công trình xây dựng hiện đại, chủ yếu là đồi núi.

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trạm trưởng Trạm Địa chấn Quốc gia Điện Biên - cho hay, Điện Biên được coi là cái rốn của động đất tại Việt Nam vì các trận động đất từ 4 - 5 độ richter xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật lý địa cầu, tại Điện Biên không có khả năng xảy ra các trận động đất lớn hơn 7 độ richter.

Về nguyên nhân khu vực này hay xảy ra động đất, ông Sơn cho rằng, do nằm Điện Biên trên 2 đứt gãy địa chất lớn vẫn thường xuyên hoạt động là đứt gãy Lai Châu - Điện Biên chạy qua khu vực lòng chảo Điện Biên sang Lào và đứt gãy địa chất Sông Mã - Sơn La chạy qua khu vực huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên Đông.

VĂN THÀNH CHƯƠNG

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nha-cao-tang-tai-dien-bien-co-the-chiu-dong-dat-7-do-richter-a11060.html