Tên gọi Sa Pa sẽ như thế nào nếu sáp nhập Lào Cai?

Sau gần 8 năm được công nhận là khu du lịch quốc gia, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Nếu sáp nhập Lào Cai, nguyên lãnh đạo huyện uỷ Lào Cai mong muốn điều gì?

Theo kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với nội dung cốt lõi xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tân, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), tỉnh Lào Cai. Ông là cán bộ lão thành đã công tác, sinh sống trên mảnh đất Sa Pa được hơn 60 năm nay, từng chứng kiến những đổi thay, quá trình hình thành và phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Du khách và người dân mong muốn gì khi bỏ cấp huyện tổ chức lại đơn vị cấp xã ở Sa Pa - Ảnh 1.

Đỉnh Fansipan, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Trung Hiếu.

Ông Nguyễn Tân kể: Vào cuối năm 1903, đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương người Pháp sau nhiều ngày khảo sát đã phát hiện cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn đặt tên Cao trạm khu vực là Sa Pa.

Đây được coi là mốc hình thành khu du lịch Sa Pa mà trước đây người dân địa phương vẫn gọi khu vực này là Sa Pả, theo tiếng của người địa phương, Sa Pả có nghĩa là "bãi cát", nhưng do người phương tây phát âm không có dấu nên mới gọi là Sa Pa. Nhận thấy vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành mát mẻ, người Pháp sớm có ý định xây dựng Sa Pa thành một trạm nghỉ dưỡng.

Theo ông Tân, từ điểm nghỉ dưỡng này trải qua các mốc thời gian đã hình thành khu du lịch quốc gia Sa Pa. Trong quá trình triển khai mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Sa Pa qua các thời kỳ luôn xác định lấy du lịch Sa Pa làm kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động khi dịch vụ du lịch phát triển.

Ngoài ra, Sa Pa vốn nổi tiếng với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, như đồng bào Mông đen, Dao Đỏ, Giáy... luôn được duy trì, giữ gìn phát huy cho đến ngày nay.

Du khách và người dân mong muốn gì khi bỏ cấp huyện tổ chức lại đơn vị cấp xã ở Sa Pa - Ảnh 2.
Ông Nguyễn Tân, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) mong muốn tên "Sa Pa" vẫn sẽ được giữ nguyên sau khi bỏ cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Mùa Xuân.

"Trước hết, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáp nhập các xã, phường và bỏ cấp huyện theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tới đây không còn thị xã Sa Pa nữa, tôi mong muốn làm sao giữ được hai chữ "Sa Pa", nếu sáp nhập các xã, phường chỉ còn 3-4 xã, phường vẫn hy vọng giữ được tên Sa Pa.

Chỉ có như vậy, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch mới biết đến Sa Pa và thúc đẩy du lịch phát triển mang tầm quốc tế. Tên tuổi Sa Pa đã gắn bó từ hàng trăm năm nay" - ông Nguyễn Tân nói.

Du khách và người dân mong muốn gì khi bỏ cấp huyện tổ chức lại đơn vị cấp xã ở Sa Pa - Ảnh 3.
Toà nhà Sun Palaza Sa Pa được xây dựng theo kiến trúc Châu Âu hiện đại được nhiều du khách check in mỗi lần đến đây. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa là một trong những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch lâu năm trên Sa Pa cho rằng tên Sa Pa luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa. Mỗi lần du khách thập phương đến với Sa Pa đều về kể cho gia đình, bạn bè, con cháu biết đến mảnh đất Sa Pa. Bởi vậy, tới đây sáp nhập các xã, phường, người dân Sa Pa mong muốn tên Sa Pa vẫn được lưu giữ và xứng tầm.

"Trước đây, khi Sa Pa chưa được công bố lên thị xã thì Sa Pa đã được nhiều du khách, người dân biết đến là một thị trấn Sa Pa gắn với những nét văn hoá đặc trưng theo chiều dài lịch sử. Nếu thời gian tới, Sa Pa sáp nhập các xã, phường không còn cấp huyện, tôi và bà con nơi đây vẫn hy vọng sẽ có một thị trấn Sa Pa như trước đây được nhiều du khách biết đến hơn so với các tên gọi như vùng Sa Pa, khu Sa Pa...". Anh Hưng bảo vậy.

Du khách và người dân mong muốn gì khi bỏ cấp huyện tổ chức lại đơn vị cấp xã ở Sa Pa - Ảnh 4.
Nhà thờ đá Sa Pa tọa lạc ngay trung tâm Sa Pa. Năm 1925, nhà thờ này được khởi công và xây dựng bởi người Pháp. Ảnh: Mùa Xuân.

Sa Pa luôn được du khách trong nước và quốc tế biết đến là mảnh đất xinh đẹp, điểm du lịch hấp dẫn, với thiên nhiên tuyệt mỹ với cảnh núi non, thác nước hùng vĩ, những ruộng bậc thang xanh mướt tầm mắt… vô vàn câu chuyện hấp dẫn về sinh hoạt và văn hóa của đồng bào dân tộc ít người sinh sống tại đây.

Cùng với đó, Sa Pa có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn đạt chuẩn 5 sao đáp ứng được hầu hết nhu cầu của du khách từ bình dân đến cao cấp. Một số resort, homestay được du khách yêu thích và lựa chọn như: Chapa Ecolodge, Topas Ecolodge, Sa Pa Eco Palm House, Sín chải ecolodge,…

Đặc biệt là Sa Pa còn có các điểm du lịch nổi tiếng, như: Bản Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Mường Hoa, đỉnh Fansipan… Trong đó, đỉnh Fansipan là điểm đến du khách không thể bỏ lỡ, bởi đây là đỉnh núi cao nhất Việt Nam và cao nhất toàn khu vực Đông Dương. Nằm ở độ cao lên tới 3.143m và thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, Fansipan chỉ cách thị xã Sa Pa chừng 9km.

Du khách và người dân mong muốn gì khi bỏ cấp huyện tổ chức lại đơn vị cấp xã ở Sa Pa - Ảnh 5.
Sa Pa luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Ảnh: Trung Hiếu.

Nếu sáp nhập Lào Cai, đơn vị cấp xã giữ nguyên tên gọi cũ?

Anh Tomoer, du khách đến từ đất nước Israel chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến du lịch tại đất nước Việt Nam và đặt chân đến mảnh đất Sa Pa. Tôi đến đây du lịch thông qua sự giới thiệu của bạn bè ở đất nước tôi.

Tôi nghe mọi người kể, Sa Pa nổi tiếng lắm. Lần đầu tiên đến du lịch Sa Pa, tôi rất ấn tượng bởi thời tiết mát mẻ, khí hậu trong lành, con người thân thiện. Đặc biệt là tôi được trải nghiệm bản sắc văn hóa của các dân tộc nơi đây, thích lắm.

Chị Hoàng Thị Bích Phương, du khách đến từ Hà Nội tâm sự: Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến du lịch Sa Pa. Thời tiết ở đây rất đẹp, mát mẻ nữa. Thời gian tới nếu bỏ cấp huyện và thực hiện sáp nhập các xã, phường, tôi mong tên "Sa Pa" sẽ không mất đi và được đặt lại theo đúng tầm gắn với khu du lịch quốc gia Sa Pa để du khách trong nước và quốc tế luôn biết đến mảnh đất Sa Pa này, nhất là thế hệ sau này.

Du khách và người dân mong muốn gì khi bỏ cấp huyện tổ chức lại đơn vị cấp xã ở Sa Pa - Ảnh 6.
Lễ hội hoa hồng cổ Sa Pa được tổ chức hằng năm để lại ấn tượng cho du khách. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Phạm Tất Thành, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai cho biết: Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cả nước sẽ sáp nhập tỉnh; bỏ cấp huyện và tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, có Lào Cai.

Việc sáp nhập các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng khi không còn cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ quản lý về du lịch, phát triển kinh tế, xã hội... sẽ không bị bỏ trống, bỏ sót. Nhất là các sự kiện lễ hội, quảng bá du lịch theo mùa sẽ được giao cho cơ sở trực tiếp thực hiện.

Tỉnh Lào Cai cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã thì các sản phẩm, thương hiệu du lịch của Lào Cai vẫn sẽ được quảng bá sâu rộng để du khách thập phương biết đến.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Công nhận Khu du lịch Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai là Khu du lịch quốc gia.

Ngày 11/9/2019, Sa Pa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trở thành thị xã với 16 xã, phường. Trong đó, Nghị quyết cũng nêu rõ phải xây dựng Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, trong đó, duy trì và giữ vững kết quả thực hiện 7 tiêu chí Khu du lịch quốc gia. Đồng thời, nâng tầm các tiêu chí hướng tới đạt chất lượng quốc tế. Phát triển khu vực nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Chỉ tính riêng năm 2024, thị xã Sa Pa đón khoảng 4,5 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 15.500 tỷ đồng.

Tháng 3/2023, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đến năm 2040 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, thị xã Sa Pa.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa của thị xã Sa Pa đến năm 2040 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã Sa Pa (huyện Sa Pa cũ), có diện tích 68.137 ha.

Trong đó, trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa có diện tích hơn 6.000 ha, bao gồm: Đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu với diện tích hơn 5.500 ha và khu vực mở rộng không gian với diện tích gần 570 ha.

Định hướng quy hoạch 4 phân khu du lịch thuộc thị xã Sa Pa được kết nối với trung tâm của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, gồm các phân khu: Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van và Thanh Bình.

 

Mùa Xuân

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ten-goi-sa-pa-se-nhu-the-nao-neu-sap-nhap-lao-cai-a11033.html