Ảnh chụp sa bàn giới thiệu phương án phục dựng thuộc Dự án "Bảo tồn, tôn tạo Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ". Ảnh: Văn Thành Chương
Theo đó, Dự án "Bảo tồn, tôn tạo Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ" có tổng mức hơn 250 tỉ đồng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2026.
Theo ông Nguyễn Anh Đạo - Giám đốc Ban quản lý Di tích (Sở VHTTDL Điện Biên), để triển khai dự án này, từ đầu năm 2024 tỉnh Điện Biên đã thành lập Hội đồng Khoa học và nhiều lần tổ chức hội thảo để lấy ý kiến các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu.
Một góc Chiến trường Điện Biên Phủ được thể hiện trên sa bàn theo phương án được lựa chọn. Ảnh: Văn Thành Chương
Ngày 28.2.2025, UBND tỉnh Điện Biên đã quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển nghiên cứu xây dựng phác thảo phục dựng Dự án "Bảo tồn, tôn tạo Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ" của liên danh Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn di sản văn hóa và Công ty Cổ phần Kiến trúc đô thị Việt Nam.
Hầm Chỉ huy Tướng Đờ Cát trên sa bàn theo phương án được lựa chọn. Ảnh: Văn Thành Chương
Mục tiêu dự án nhằm tái hiện lại Khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ. Từ đó phát huy giá trị và gìn giữ một cách đầy đủ và hoàn thiện hơn hệ thống các di tích lịch sử tại Điện Biên.
Đồng thời tái hiện trực quan sinh động về Chiến trường Điện Biên Phủ, cải tạo hệ thống cây xanh nhằm tạo cảnh quan, đáp ứng nhu cầu thăm quan của Nhân dân và du khách.
Một hầm pháo của quân đội Pháp.
Bên cạnh đó, việc triển khai dự án tạo điều kiện khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Điện Biên, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Theo phương án được phê duyệt, Dự án "Bảo tồn, tôn tạo di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ" có phạm vi nghiên cứu phục dựng trên diện tích khoảng 10ha. Trong đó gồm: đầu tư tôn tạo khu vực Hầm Chỉ huy Tướng Đờ Cát; bảo tồn, tôn tạo, phục dựng trận địa pháo và hầm pháo; các trại lính, bệnh viện dã chiến, hầm quân y.
Tổng thể Dự án "Bảo tồn, tôn tạo Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ".
Cùng với đó, tái hiện hệ thống giao thông, giao thông hào, các lô cốt đất và ổ đề kháng, hệ thống hàng rào dây thép gai, dù hàng các loại, hệ thống các vật tư thiết bị tạo cảnh quan bao quanh khu vực Trung tâm Chỉ huy của quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Ngoài ra, còn có các hạng mục phụ trợ khác như: khu đón tiếp, bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy và các hạng mục phục vụ cho nhu cầu tham quan của du khách...
Khu vực kho chứa xăng dầu của quân đội Pháp tại Chiến trường Điện Biên Phủ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: "Phương án bảo tồn, tôn tạo Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ căn cứ vào các tư liệu, tài liệu khoa học lịch sử thể hiện những gì đã có tại thời điểm lịch sử cách đây hơn 70 năm cơ bản là sát thực tế".
Hệ thống phòng thủ của quân đội Pháp.
Còn theo Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn di sản văn hóa (đại diện đơn vị được lựa chọn phương án) - để xây dựng phương án bảo tồn, xây dựng phác thảo, hoàn thiện sa bàn, đơn vị đã phối hợp với rất nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, thu thập hàng trăm tài liệu có giá trị. Thậm chí phải nhập khẩu nhiều mô hình, tài liệu từ Pháp để quá trình phục dựng sát với lịch sử.
Hệ thống giao thông hào.
"Chúng tôi tin rằng khi hoàn thành dự án này sẽ tạo một điểm nhấn rất quan trọng tại Chiến trường Điện Biên Phủ và có thể trở thành điểm tham quan du lịch lịch sử mang tầm thế giới vì không phải chiến trường nào cũng có thể phục dựng" - ông Mạc cho biết thêm.
Được biết, Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc cũng là trưởng nhóm tác giả của Bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" - một trong những tác phẩm về đề tài chiến tranh lớn bậc nhất thế giới hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
VĂN THÀNH CHƯƠNG
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/dau-tu-hon-250-ti-dong-tai-hien-1-phan-chien-truong-dien-bien-phu-a10800.html