"Không cho tiền vì trẻ sẽ bỏ học"
Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh tấm biển khuyến cáo đặt tại khu vực sông Nho Quế (xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
"Đề nghị quý khách không cho người già, trẻ em và phụ nữ bánh kẹo, nước uống, tiền... Nếu quý khách cho bánh kẹo, nước uống, tiền... sẽ góp phần làm trẻ em bỏ học, người lớn không lao động sản xuất, làm xấu hình ảnh du lịch. Xin cảm ơn!".
Nội dung của tấm biển khuyến cáo được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó phần tiếng Anh phía dưới được phản ánh có lỗi chính tả.
Ông Lê Thanh Hải, đại diện Công ty Cổ phần Nho Quế 1, cho biết tấm biển được lắp đặt ở khu vực này từ 2 năm trước.
Gần đây, công ty nhận được phản ánh về lỗi chính tả trong phần nội dung nên đã tháo biển và sửa lại. Nhờ sự cố chính tả, thông điệp khuyến cáo được nhiều người quan tâm.
"Tấm biển nhằm khuyến cáo, thuyết phục người dân, du khách không cho trẻ em, phụ nữ, người già tiền bạc hay bánh kẹo vì những hành động này có thể khiến trẻ em bỏ học, còn người lớn lười lao động", ông Hải nói.
Theo ông Hải, trước đây, nhiều trẻ em và người già sống gần sông Nho Quế thường đến khu vực bán vé hoặc bến thuyền để xin tiền. Mỗi lần du khách cho 50.000 - 100.000 đồng khiến trẻ em bỏ học, bám trụ tại đây để kiếm tiền, thầy giáo phải xuống tận nơi tìm học sinh.
Sau khoảng 2 năm lắp đặt tấm biển kết hợp tuyên truyền bằng loa, yêu cầu nhân viên nhắc nhở du khách, tình trạng trẻ nhỏ, người già đứng xin tiền du khách đã thuyên giảm. Trong nhiều thời điểm, chính quyền bố trí cán bộ phối hợp cùng nhân viên Công ty Cổ phần Nho Quế 1 ứng trực khuyến cáo du khách.
Ông Trần Đình Đồng, Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc), cho biết huyện Mèo Vạc và Công ty Cổ phần Nho Quế 1 đã phối hợp, lắp đặt tấm biển khuyến cáo du khách.
"Về cơ bản, tình trạng trẻ em xin tiền đã giảm bớt. Đây là một tín hiệu tích cực", ông Đồng nói.
Hàng tuần, xã Giàng Chu Phìn cùng trường học vận động trẻ em không được bỏ học, không ra đường xin tiền, xin quà bánh của khách du lịch. Sau Tết, tỷ lệ học sinh quay lại trường học đạt 97%, số học sinh còn lại chưa đến lớp là do ốm bệnh vào thời điểm giao mùa.
Thông qua các cuộc họp thôn, chính quyền xã quán triệt người dân tập trung đi làm, không đẩy con em ra đường xin tiền, xin bánh kẹo của khách du lịch, động viên các cháu đi học đầy đủ.
"Chúng tôi hi vọng du khách ủng hộ, đồng lòng không cho tiền các cháu để cùng chính quyền chấm dứt tình trạng này", Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn kêu gọi.
Trẻ em ra đường nhảy sexy xin tiền
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, một số bé gái ở Sa Pa được bắt gặp mặc trang phục dân tộc thiểu số, nhảy lắc hông bắt chước trào lưu mạng xã hội để xin tiền tại khu vực trung tâm.
Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, cho biết lợi dụng lượng du khách tăng cao vào dịp Tết, nhiều đối tượng đã dụ dỗ trẻ em ra đường nhảy nhót xin tiền.
Theo ông Tân, UBND thị xã Sa Pa đã nhanh chóng chỉ đạo UBND phường Sa Pa triển khai phương án ngăn chặn việc trẻ em bị dẫn dụ nhảy những động tác sexy bắt chước người lớn. Chính quyền đã trực tiếp lập tổ công tác trật tự đô thị, ra quân, thường trực tại các điểm du lịch để xử lý các trường hợp nêu trên.
Ông Tân cho hay, nhiều năm qua, chính quyền, người dân và du khách đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học ra đường kiếm tiền. Đến nay, du khách đã ý thức không mua hàng, không cho trẻ em bánh kẹo hay tiền bạc.
Tại các điểm công cộng, thậm chí trong nhà hàng, khách sạn đều bố trí biển khuyến cáo không mua hàng, cho tiền trẻ em hoặc người bán hàng rong, chèo kéo, ăn xin.
"Tình trạng chèo kéo, xin tiền du khách đã gần như chấm dứt, song lại xuất hiện chiêu thức mới là dụ dỗ trẻ nhảy nhót kiếm tiền dù chúng tôi đã đặt biển cấm các hoạt động biểu diễn tự phát để xin tiền", ông Tân nói.
Trước đó, UBND thị xã Sa Pa đã mời được gần 100 trẻ em và người già dân tộc thiểu số tập trung tại bản Cát Cát để biểu diễn, được trả thù lao. Cách thức này giúp hạn chế tình trạng bán hàng rong, xin tiền, đồng thời tạo điều kiện giúp các em có thêm thu nhập.
Chính quyền cũng vận động bố mẹ không cho con nhảy múa xin tiền; cho phép đăng ký nhu cầu sinh kế (đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn phát triển sản xuất, bố trí vị trí ổn định để bán hàng...).
Tô Sa
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/tam-bien-khuyen-cao-khong-cho-tien-tre-em-vi-tre-se-bo-hoc-o-ha-giang-a10670.html