Cao Bằng đang giải bài toán thiếu đất đắp tại dự án cao tốc đầu tiên qua địa bàn. Ảnh: Tân Văn.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án có chiều dài hơn 93 km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng).
Với tổng mức đầu tư là 14.114 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chiếm tỉ lệ 69,43%, tương đương 9.800 tỉ đồng, dự án này được hoạch định để hoàn vốn trong khoảng thời gian 22 năm 4 tháng.
Tỉnh Cao Bằng hiện tìm cách giải quyết bài toán thiếu 1,5 triệu m³ đất đắp phục vụ cho dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: Tân Văn.
Với quy mô lớn như vậy, dự án này đòi hỏi một lượng vật liệu xây dựng rất lớn, bao gồm cát, đá và đất đắp. Riêng tại Cao Bằng, địa phương đã đưa vào quy hoạch gần 20 vị trí mỏ đất, 6 mỏ đá, 3 mỏ cát, và 13 vị trí đổ thải phục vụ thi công.
Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã cấp phép khai thác 4,315 triệu m³ đất trong diện tích dự án và 1,462 triệu m³ đất tại 4 mỏ.
Theo ghi nhận, tại phân đoạn Km79+00 - Km93+350 (qua Cao Bằng), còn thiếu khoảng 1,5 triệu m³ đất đắp. Mặc dù 4 mỏ đất còn lại nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu của dự án và đủ điều kiện cấp phép theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, nhưng chúng lại không phù hợp để khai thác và sử dụng.
Để giải quyết vấn đề này, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Cao Bằng đã có tờ trình gửi Tỉnh ủy về việc xem xét, chấp thuận sử dụng đất dôi dư từ hoạt động cải tạo đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân tại khu đồi Lá Cám, xóm Nà Dạ, thị trấn Hòa Thuận (huyện Quảng Hòa) để phục vụ việc đắp nền cho dự án cao tốc.
Tại hội nghị lần thứ 64 (ngày 10.2) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng, các đại biểu cho rằng việc sử dụng đất dôi dư là khả thi và có cơ sở pháp lý.
Việc tận dụng đất sẽ giúp tiết giảm chi phí đầu tư và giảm bớt áp lực về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp, đẩy nhanh tiến độ thi công nền của dự án, mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nhiệm vụ xem xét, chấp thuận việc sử dụng đất dôi dư hiện đang được giao cho UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện.
Việc tận dụng đất dôi dư từ hoạt động cải tạo đất nông nghiệp của người dân sẽ là giải pháp cho Cao Bằng. Ảnh: Tân Văn.
Được biết, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là một phần quan trọng trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam. Công trình này đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và kiểm tra đôn đốc tiến độ 3 lần.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng vừa đồng ý cho triển khai ngay giai đoạn 2 của dự án và xây dựng các đoạn tuyến kết nối tuyến cao tốc này với cửa khẩu Tà Lùng, thành phố Cao Bằng, nhằm phát huy hiệu quả công trình.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6 - 7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ. Dự án được thực hiện bởi liên danh Nhà đầu tư, do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Khi hoàn thiện, dự án sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, kết nối vùng biên viễn Đông Bắc với thủ đô Hà Nội và các cực kinh tế của cả nước.
Tân Văn
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/cao-bang-giai-bai-toan-thieu-15-trieu-met-khoi-dat-dap-a10641.html