Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, tính từ ngày 1/1 đến ngày 6/2, trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 766 ca mắc cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (629 ca). Số ca mắc chủ yếu tập trung ở huyện Mù Cang Chải (247 ca); huyện Trấn Yên (240 ca); thành phố Yên Bái (96 ca); huyện Trạm Tấu (82 ca); huyện Văn Chấn (42 ca), còn lại rải rác ở các huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình. Trong đó, ghi nhận 2 ổ dịch nhỏ tại huyện Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
Ngày 10/2, theo ghi nhận của Tiền Phong tại các phòng khám, trung tâm tiêm chủng, lượng bệnh nhân thăm khám đông hơn mọi ngày, chủ yếu là trẻ nhỏ. Nhiều gia đình trong số này cho con đến để tiêm vaccine, số còn lại để thăm khám và kê đơn đối với trẻ nhỏ có triệu chứng sốt nhẹ. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Yên Bái, nhiều trẻ nhỏ đã điều trị nhiều ngày, có trường hợp tái cúm khi vừa hết đợt điều trị.
Trao đổi với Tiền Phong, chị Vi Thị Tư (ở xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái) cho biết, con gái mới 7 tháng tuổi của gia đình điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái từ ngày 30/1 trong tình trạng sốt cao, kéo dài. Các bác sỹ chẩn đoán cháu bị họng, viêm ống tai, được giữ lại điều trị, được ra viện ngày 5/2.
Đến ngày 6/2, cháu lên cơn sốt cao, thở khó nên gia đình tiếp tục đưa cháu đến viện thăm khám. Theo chẩn đoán, cháu bị nhiễm cúm, được chăm sóc tại khoa Nhi của Bệnh viện. Hiện tình trạng đã có nhiều chuyển biến tích cực, sức khỏe bình thường, thở đều, không ho, sốt.
Bác sỹ chuyên khoa I Hà Thị Thanh Liêm (Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Yên Bái) cho hay, từ tháng 1 đến nay, khoa đã tiếp nhận gần 100 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh cúm A, B đến điều trị. Trong đó, đa phần các bệnh nhân có dấu hiệu biến chứng sang phổi. Tuy nhiên, các y bác sỹ kịp thời can thiệp, điều trị, không có ca bệnh nặng phải điều trị tích cực, chuyển tuyến…
Trong khi đó, BSCKII Trần Văn Quang – Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Yên Bái chia sẻ, thời tiết mùa đông xuân gần đây trên địa bàn tỉnh Yên Bái diễn biến rất bất thường, rét cùng với mưa, nồm ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cúm mùa.
Sau thông tin nhiều ca bệnh biến chứng nặng và tình hình dịch cúm diễn ra phức tạp, ngành Y tế nói chung và Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Yên Bái nói riêng đã khẩn trương chỉ đạo các khoa, phòng tăng cường các biện pháp ngăn ngừa tại cơ sở điều trị. Đặc biệt, tăng cường chăn ấm, che chắn rèm, kiểm tra lại các cửa sổ, cửa chính nhằm ngăn ngừa gió rét, bảo đảm điều kiện điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đối với trẻ nhỏ, bệnh viện trang bị thêm điều hòa 2 chiều, máy sưởi để giúp các cháu giữ ấm cơ thể, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tiền Phong, bà Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, đơn vị đã và đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa bệnh cúm mùa gia tăng. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân chủ động đến các phòng khám, trung tâm y tế huyện, phường, xã để được tiêm vaccine cúm nhằm bảo vệ tốt cho bản thân và gia đình.
Theo bà Vân, bên cạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm thì người dân cần giữ ấm cho cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày; đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách.
Cùng với đó, chú ý tập thể dục và sống lành mạnh, tránh đến những nơi có người bị mắc bệnh cúm mùa, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bệnh về hô hấp; đeo khẩu trang ở những nơi công cộng như cửa hàng, siêu thị, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc.
Giám đốc Sở Y tế Yên Bái nhấn mạnh, công tác tuyên truyền cần được nâng cao. Bà con không nên chủ quan trước những biểu hiện của người già, trẻ nhỏ, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
Ngoài ra, đối với những nơi xuất hiện ổ dịch cần được khoanh vùng điều trị triệt để, tránh lây lan sang các khu vực lân cận. Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành phun khử khuẩn, tẩy trùng, khám sàng lọc cho các hộ gia đình trong khu vực, thực hiện các biện pháp y tế đảm bảo an toàn cho người dân.
Văn Đức
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/ca-mac-cum-tang-cao-yen-bai-tang-cuong-cac-bien-phap-phong-ngua-a10632.html