Công ty Thái Dương xả thải có phóng xạ vượt ngưỡng an toàn và trốn thuế

Theo kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Công ty Thái Dương không chỉ khai thác trái phép đất hiếm mà còn vi phạm nghiêm trọng trong việc xử lý chất thải tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) và trốn thuế. Các kết quả giám định cho thấy nước thải tại đây có mức phóng xạ vượt ngưỡng an toàn cho phép.

Theo kết luận điều tra, cơ quan cảnh sát cáo buộc từ năm 2019 đến 2023, ông Đoàn Văn Huấn, Giám đốc Công ty Thái Dương, đã chỉ đạo và tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú, gây thiệt hại hơn 864 tỷ đồng.

Cụ thể, Công ty Thái Dương đã bán trái phép hơn 10.292 tấn quặng đất hiếm với hàm lượng TREO 18-20%, trị giá 403 tỷ đồng, và 280.846 tấn quặng sắt trị giá 333 tỷ đồng, thu lợi bất chính 736 tỷ đồng. Hành vi này đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

screen-shot-2025-02-04-at-135150-2290-6677-1738658052.png
Các bị can: Đoàn Văn Huấn (trái) và Nguyễn Văn Chính, lãnh đạo Công ty Thái Dương.

Ngoài ra, Công ty Thái Dương còn vi phạm trong việc kê khai thuế. CQĐT xác định, bị can Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo cấp dưới xuất hóa đơn bán quặng với giá thấp hơn thực tế, nhằm tránh khai báo thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 9,6 tỷ đồng.

Liên quan đến tội “Gây ô nhiễm môi trường”, cơ quan điều tra cáo buộc tại mỏ đất hiếm Yên Phú, bị can Đoàn Văn Huấn đã cho xây dựng và vận hành hai hệ thống nhà xưởng gồm: Hệ thống xưởng nghiền, tuyển quặng đất hiếm và hệ thống xưởng thủy luyện đất hiếm. Những hệ thống này trong quá trình hoạt động đã tạo ra bùn thải và thải thạch cao bẩn. Theo quy định, Công ty Thái Dương phải thực hiện đầy đủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐTM) và xây dựng hồ chứa bùn thải quặng cùng các hồ lắng bùn thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, công ty này đã không thực hiện đúng quy định.

Thêm vào đó, nước thải sau xử lý phải đảm bảo: "Tổng hoạt độ phóng xạ Anpha (A) tối đa cho phép là 0,1 Bq/l; Tổng hoạt độ phóng xạ Beta (B) tối đa cho phép là 1,0 Bq/l". Tuy nhiên, kết luận điều tra cho thấy nước thải từ mỏ đất hiếm của Công ty Thái Dương có hoạt độ phóng xạ vượt mức cho phép. Cụ thể, tại hồ lắng 1, hoạt độ Anpha là 2,134 Bq/L, hoạt độ Beta là 2,056 Bq/L, trong khi hồ lắng 2 có hoạt độ Anpha là 0,425 Bq/l.

Do Công ty Thái Dương không xây dựng khu vực hồ chứa đúng quy định, bùn thải lẫn thạch cao từ nhà máy thủy luyện bị đổ trực tiếp ra môi trường xung quanh khu vực mỏ, không được che chắn, tiềm ẩn nguy cơ phát tán chất độc hại.

Hơn nữa, dù chưa đủ điều kiện để xả thải ra môi trường, bị can Đoàn Văn Huấn vẫn chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc bơm, xả 348.770 tấn bùn thải ra các khu vực hồ chứa không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, xưởng thủy luyện đất hiếm của công ty cũng đổ 2.425 tấn thải thạch cao lẫn bùn thải ra các khu vực không được phép tại mỏ Yên Phú.

Bị can Nguyễn Văn Lai, Phó Giám đốc xưởng đất hiếm của Công ty Thái Dương, khai nhận đã yêu cầu công nhân vận hành máy bơm và xả thải lên các khu vực không có biển cảnh báo chất thải nguy hại và không có vật che chắn.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định từ Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả giám định cho thấy, các mẫu chất thải tại mỏ đất hiếm Yên Phú đều có phóng xạ, nhưng ở mức thấp. Tuy nhiên, các mẫu nước thu tại các hồ chứa nước thải có tổng hoạt độ Alpha và Beta vượt ngưỡng an toàn cho phép.

Trong vụ án này, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khai là người ký văn bản gửi Bộ TN&MT, đề nghị gia hạn giấy phép cho Công ty Thái Dương.

Tuy nhiên, việc theo dõi, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Thái Dương do Sở TN&MT trực tiếp thực hiện theo chức năng được phân công nhưng cơ quan này không phản ánh các sai phạm của doanh nghiệp. Mặt khác, ông Phước không nhận được các kiến nghị hoặc tố giác của nhân dân liên quan đến sai phạm tại mỏ Yên Phú.

Minh Đức

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/cong-ty-thai-duong-xa-thai-co-phong-xa-vuot-nguong-an-toan-va-tron-thue-a10586.html