Tại huyện Chợ Mới, lễ hội Đền Thắm ở thị trấn Đồng Tâm diễn ra từ ngày 6 đến 7 tháng Giêng.
Các hoạt động chính gồm lễ cầu an, thả đèn hoa đăng trên sông Cầu, các hoạt động tái hiện sự tích Đền Thắm; thi cắm trại, khâu còn; các trò chơi dân gian đặc sắc.
Tại huyện Na Rì, lễ hội lồng tồng Bản Pjoo, xã Sơn Thành diễn ra từ ngày 7 đến 8 tháng Giêng.
Các hoạt động chính là rước mâm cỗ, thi văn nghệ, tung còn, ẩm thực, các môn thể thao, trò chơi dân gian.
Tiếp tục duy trì truyền thống nhiều năm qua, lễ hội lồng tồng lớn nhất Bắc Kạn và lớn bậc nhất ở vùng miền núi phía bắc tại huyện Ba Bể sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng Giêng.
Lễ hội sẽ có hoạt động cầu an tại Đền An Mạ trên đảo giữa hồ Ba Bể; rước cỗ cầu mùa; bắn pháo hoa ven hồ Ba Bể; trình diễn văn nghệ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh; các trò chơi dân gian; trải nghiệm các gian hàng sản phẩm OCOP…
Một trong những lễ hội đặc sắc mới được Bắc Kạn khôi phục gần đây là lễ hội Mù Là và sắc hoa vùng cao tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng.
Mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc H'Mông, lễ hội sẽ có các hoạt động cầu mùa, thi đấu thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian; trưng bày các sản phẩm văn hóa như trang phục, nông cụ, nhạc cụ…
Một hội xuân đặc sắc gắn với tiềm năng du lịch lịch sử cũng được Bắc Kạn tổ chức vài năm lại đây là Hội Xuân An toàn khu (ATK) Chợ Đồn tại huyện Chợ Đồn diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng.
Với mục tiêu quảng bá du lịch, các hoạt động chính của hội xuân này là trình diễn nghệ thuật của các dân tộc; lễ cầu mùa; thi các trò chơi dân gian; trải nghiệm không gian văn hóa ATK, triển lãm ảnh Đất và Người ATK; giới thiệu đặc sản địa phương…
Từ ngày 14 đến 15 tháng Giêng, tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn diễn ra lễ hội lồng tồng Bằng Vân và sắc đào Ngân Sơn.
Các hoạt động chính là nghi lễ cầu an, cầu mùa; thi các trò chơi dân gian kết hợp với triển lãm báo Xuân và ngày hội việc làm…
Lễ hội Xuân cuối cùng của Bắc Kạn là lễ hội lồng tồng Phủ Thông, huyện Bạch Thông diễn ra tại thị trấn Phủ Thông từ ngày 18 đến 20 tháng Giêng.
Tại lễ hội sẽ diễn ra nghi lễ cúng, rước thần linh tại Đền Slấn Slảnh; nghi lễ cầu an, cầu mùa; các hoạt động thể thao văn hóa và trưng bày sản vật địa phương…
Điểm chung của các lễ hội tại Bắc Kạn là phần lớn đều gắn với những sự tích, truyền thống và bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.
Các lễ hội đều được tỉnh chỉ đạo tổ chức trên quan điểm giữ nguyên bản sắc, truyền thống và tinh thần tiết kiệm, vui xuân mới để tạo động lực, khí thế mới cho sản xuất trong năm mới.
TUẤN SƠN
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/nhieu-le-hoi-xuan-dac-sac-se-dien-ra-o-bac-kan-a10572.html