Mức hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp ở Lào Cai

Bạn đọc Sùng A Sớ (Lào Cai) hỏi: "Cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính được hỗ trợ như thế nào?".

Mức hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp ở Lào Cai

Lào Cai sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Đại Long

Chi tiết mức hỗ trợ

Theo Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lào Cai quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2025.

Theo Nghị quyết, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tự nguyện nghỉ công tác để phục vụ việc tinh giản bộ máy sẽ được hưởng các mức hỗ trợ.

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, trường hợp còn từ 24 đến 60 tháng và giám định sức khỏe đủ điều kiện nghỉ hưu ngay theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội công tác được hỗ trợ 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Đồng thời, thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác và 0,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác từ năm thứ 21 trở đi và bù phần chênh lệch lương hưu bị trừ do nghỉ hưu trước tuổi theo công thức tính sau:

Số tiền hỗ trợ = (Mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội) x (tỷ lệ % lương hưu bị trừ) x 12 tháng x 30 năm.

Trường hợp nghỉ thôi việc không thuộc khoản 1 Điều này được hưởng các hỗ trợ 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ công tác trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu thực tế.

Đối với những người công tác đủ từ 20 năm trở lên có đóng Bảo hiểm xã hội được hưởng thêm 5 tháng tiền lương cho tổng số 20 năm đầu công tác, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.

Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến khi đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí như sau:

Số tiền hỗ trợ = (Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) x 26,5% x (số tháng nghỉ chờ đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí).

Trường hợp còn từ 12 đến dưới 24 tháng công tác, được hỗ trợ 2 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Đối với công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và công chức cấp xã, tỉnh sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng làm việc có đóng bảo hiểm xã hội, tối đa không quá 180 triệu đồng/người.

Đối với cán bộ cấp xã được hỗ trợ 700.000 đồng/người/tháng làm việc có đóng bảo hiểm xã hội, tối đa không quá 150 triệu đồng/người.

Các đối tượng tự nguyện nghỉ việc sẽ được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Cách tính tiền lương tháng, mức bình quân tiền lương tháng

Tiền lương tháng để tính hỗ trợ tại Nghị quyết này được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước thời điểm nghỉ công tác theo nguyện vọng, bao gồm: Mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có). Tiền lương này được tính theo mức lương cơ sở tại các thời điểm do Chính phủ quy định.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể:

Đối với cán bộ, công chức, viên chức bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày 1.1.1995:

Bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ việc/60 tháng.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng từ ngày 1.1.1995 đến ngày 31.12.2000:

Bình quân tiền lương = Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối (72 tháng) trước khi nghỉ việc/72 tháng.

Khánh Linh

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/muc-ho-tro-cho-can-bo-doi-du-sau-sap-xep-o-lao-cai-a10460.html