Thuận lợi giao thương cư dân biên giới
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lai Chấu, trong năm 2024, về thương mại, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu giữ được sự ổn định, đảm bảo nguồn cung dồi dào, đa dạng, giá cả không có biến động lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 9.163 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 7.798 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt trên 658 tỷ đồng; doanh thu lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 5,2 tỷ đồng và các doanh thu dịch vụ khác.
Một số nhóm mặt hàng chủ yếu cung ứng trên thị trường Lai Châu như lương thực, thực phẩm 2558,1 tỷ đồng; hàng may mặc 474,6 tỷ đồng; đồ dùng, dụng cụ gia đình 933,98 tỷ đồng; vật phẩm văn hóa, giáo dục 61,13 tỷ đồng; xăng dầu 1.245,4 tỷ đồng; gỗ và vật liệu xây dựng 965,9 tỷ đồng; phương tiện đi lại 470,6 tỷ đồng…
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn cơ bản ổn định, cửa khẩu Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà tiếp tục được duy trì. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 25,43 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 20,11 triệu USD.
Đặc biệt, với vị trí biên giới nên nhiều năm qua Lai Châu quan tâm phát triển hạ tầng thương mại. Khu vực biên giới của Lai Châu có số lượng lớn các chợ biên giới đang hoạt động nhằm phát huy tối đa các lợi thế mà kinh tế cửa khẩu đem lại cho địa phương. Hiện nay, có 7 chợ biên giới đang hoạt động trong khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Có thể kể đến một số chợ nổi tiếng như chợ Dào San, (xã Dào San, huyện Phong Thổ), đây là chợ truyền thống hoạt động theo hình thức chợ phiên. Hay chợ Sì Choang (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ) với 53 điểm kinh doanh được thương nhân thường xuyên kinh doanh buôn bán… Ngoài ra, khu vực biên giới bên phía Trung Quốc cũng có một số chợ hoạt động tạo thuận lợi giao thương hàng hóa cho cư dân…
Phát triển hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Theo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, hạ tầng thương mại những năm qua được quan tâm đầu tư và ngày càng phát triển, qua đó từng bước chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại như: Siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi. Mạng lưới phân phối hàng hóa được phân bố từ trung tâm các huyện, thành phố đến các thôn, bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp lễ, tết.
Từ năm 2020 đến nay, địa phương đã thu hút được 03 dự án thương mại, dịch vụ với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 14 tỷ đồng; đầu tư cải tạo, xây mới 11 chợ từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn cân đối ngân sách địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 29 chợ truyền thống, 04 siêu thị, 01 trung tâm thương mại, 62 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và trên 6.000 cơ sở kinh doanh thương mại phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân… Những con số trên nếu so với các địa phương thì không lớn, tuy nhiên với địa bàn như Lai Châu thì đây đã là sự nỗ lực, sự đầu tư và ngày càng xuất hiện nhiều hơn các chợ, trung tâm thương mại đã giúp giao thương thuận lợi hơn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vương Thế Mẫn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, vùng sản xuất thì việc đầu tư hạ tầng thương mại để kết nối, tạo kênh phân phối tiêu thụ hàng hóa là hết sức cần thiết, quan trọng. Chính vì vậy, thời gian qua Lai Châu luôn quan tâm phát triển hạ tầng, phát huy hiệu quả của các loại hình phân phối từ các loại hình phân phối mới, hiện đại đến các chợ truyền thống.
Cùng với tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại, trong năm 2025, ngành Công Thương tỉnh Lai Châu sẽ chủ trì, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thành phố thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường hàng hóa thiết yếu, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ động khảo sát nhu cầu thị trường, cân đối nguồn lực, dự trữ đủ số lượng, chủng loại hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, kết nối đưa các sản phẩm nông sản, OCOP của tỉnh vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại của các tỉnh, thành phố; tham gia các gian hàng trên sàn thương mại điện tử; tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình kết nối giao thương, các hội chợ, triển lãm thương mại, hội chợ đặc sản vùng miền tại các tỉnh, thành phố… nhằm kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Minh Thư
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/lai-chau-quan-tam-phat-trien-thuong-mai-cho-bien-gioi-a10452.html