Tranh cãi chàng trai đạp xe 150km từ Hà Nội về quê ở Yên Bái trong đêm

Tuấn Mạnh hoàn thành chuyến đi bằng xe đạp từ Hà Nội về Yên Bái trong 12 giờ. Chàng trai tiết lộ, anh đạp xe vì đam mê không phải vì không đủ tiền mua vé về quê như nhiều người bình luận.

Hành trình 150km bằng xe đạp

Tối 14/12, Tuấn Mạnh (SN 2006) quê Yên Bái, sinh viên năm nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân, tự tay nấu cơm, nạp năng lượng cho hành trình đạp xe 150km từ quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) về quê nhà.

Ăn xong, cậu chuẩn bị chiếc áo mưa dày chống lại gió lạnh, cẩn thận sắp xếp những đồ đạc cần thiết vào ba lô trước khi bắt đầu chuyến đi.

22h, khi mọi người bắt đầu chìm vào giấc ngủ, Tuấn Mạnh lặng lẽ dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà trọ. Cậu khóa cửa phòng cẩn thận, trùm áo mưa lên người, bắt đầu hành trình mà mình ấp ủ bấy lâu.

screenshot-1735027524-1735027741.png
Tuấn Mạnh đạp ròng rã 12 tiếng từ Hà Nội về Yên Bái (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đi qua con ngõ Tự Do, Tuấn Mạnh hướng về quốc lộ 32. Khoảng 1h, nam sinh tranh thủ chụp vài bức ảnh ở Sơn Tây (Hà Nội) trong màn đêm tĩnh mịch rồi tiếp tục lên đường.

Rời khỏi địa phận Hà Nội, Tuấn Mạnh rẽ vào tỉnh lộ 351 ở Phú Thọ, tiếp tục bon bon trên con đường vắng vẻ. Gió lạnh phả vào hai bên má, mũ áo mưa trùm kín đầu, giá buốt vẫn luồn sâu vào bên trong tai.

Sáng 15/12, nam sinh viên năm nhất dừng chân tại Cẩm Khê (Phú Thọ), tranh thủ lót dạ rồi tiếp tục hành trình. Tuấn Mạnh về đến TP Yên Bái lúc 10h, hoàn thành chuyến đạp xe trong vòng 12 giờ. 

Không ghé qua nhà, anh chàng lên xe buýt trở về Hà Nội ngay trong buổi chiều, do cơn mưa lớn khiến việc đạp xe không thuận lợi.

Chuyến đạp xe dài 150km của Tuấn Mạnh được chia sẻ lên mạng xã hội, nhận được sự quan tâm của cư dân mạng, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng, đi quãng đường xa bằng xe đạp trong đêm có thể gặp nguy hiểm, gây ảnh hưởng sức khỏe.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tuấn Mạnh kể: "Chuyến đạp xe từ Hà Nội về Yên Bái diễn ra 2 tuần trước. Cách đây vài ngày, mình cũng vừa đạp xe hơn 200km vào Thanh Hóa rồi quay về Hà Nội.

Mình đủ tiền đi xe khách nhưng muốn thực hiện thử thách để biết giới hạn của bản thân. Đạp xe cũng là đam mê của mình từ lúc còn nhỏ".

Lúc còn học tiểu học, Tuấn Mạnh thích đạp xe quanh xóm. Lớn lên một chút, cậu muốn chinh phục những quãng đường xa hơn, nhưng không dám liều lĩnh vì sống cùng bố mẹ.

Tranh cãi chàng trai đạp xe 150km từ Hà Nội về quê ở Yên Bái trong đêm - 2
Chuyến đạp xe ban đêm của Tuấn Mạnh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Hồi học cấp 3, mình tự đạp xe 16km từ TP Yên Bái lên thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên. Cảm giác được đạp xe đường dài, ngắm khung cảnh thiên nhiên rất tuyệt", Tuấn Mạnh nhớ lại.

Ngày xuống Hà Nội nhập học, ngoài hành trang là quần áo, sách vở và một số đồ dùng, chiếc xe đạp do bác tặng được Tuấn Mạnh nâng niu cẩn thận. Xa nhà được 3 ngày, cậu dắt xe, đạp một vòng quanh Hà Nội để thỏa đam mê khám phá Thủ đô. 

Trước khi quyết định đạp xe về quê, Tuấn Mạnh từng chinh phục quãng đường 40km từ nhà trọ lên Sơn Tây (Hà Nội) trong 2 giờ. Đó được xem là chuyến đi "tiền trạm" để cậu chuẩn bị cho hành trình về Yên Bái.

Tranh cãi chàng trai đạp xe 150km từ Hà Nội về quê ở Yên Bái trong đêm - 3
Tuấn Mạnh chụp ảnh ở cổng trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) trong chuyến đạp xe mới đây (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thay vì tập thể dục, cách rèn luyện sức khỏe của Tuấn Mạnh rất đặc biệt. Cậu kể, khi có thời gian rỗi sẽ tự đi bộ một mình quanh Hà Nội trong 2-3 tiếng. Nhờ vậy, anh chàng có được đôi chân dẻo dai. 

Ngoài việc học, nam sinh viên còn theo đuổi công việc thiết kế website và đồ họa. Tuấn Mạnh muốn thông qua các chuyến đi sẽ tìm thấy được cảm hứng và nhiều ý tưởng mới.

Sinh ra và lớn lên ở TP Yên Bái, Tuấn Mạnh là con đầu trong gia đình có 2 anh em, bố mẹ là công chức nhà nước. Hoàn cảnh kinh tế gia đình ở mức bình thường, không giàu có như cư dân mạng đồn thổi.

Từ khi còn nhỏ, anh chàng đã bộc lộ năng khiếu và sự đam mê với môn tiếng Anh. Tuấn Mạnh từng là học sinh chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), sở hữu chứng chỉ IELTS  7.5.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tuấn Mạnh lựa chọn thi vào khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân. 

Qua mạng xã hội, bố mẹ của Tuấn Mạnh đã biết chuyến đi khá liều lĩnh của con. Mạnh cho biết, bố mẹ nhắc nhở con trai nên tham gia các câu lạc bộ xe đạp, dặn dò chú ý an toàn, không để mạng xã hội làm ảnh hưởng việc học.

"Mình sẽ tiếp tục đạp xe đến những vùng đất mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bản thân cần nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe", Tuấn Mạnh chia sẻ. 

Thử thách vẫn phải chú ý an toàn và sức khỏe

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, việc người trẻ tham gia những trải nghiệm mới mẻ, có tính thử thách là điều nên làm. Mỗi trải nghiệm bằng cách này hay cách khác đều mang lại những giá trị riêng, làm cho cuộc sống của mỗi người phong phú hơn, tạo ra khoảnh khắc ấn tượng làm động lực trong cuộc sống.

"Tôi thấy có những bạn trẻ tham gia các trải nghiệm rất thú vị như đi vòng quanh thế giới hay tích cực chung tay hành động vì môi trường, mạnh dạn bước xuống những dòng kênh mương ứ đọng nhiều năm dọn rác…

Khi tham gia mỗi trải nghiệm, người trẻ sẽ hiểu thêm về hành trình mình đang đi hay công việc của người khác, mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ để từ đó hành động có chiều sâu, bao dung và biết chia sẻ. Chẳng hạn như khi tham gia dọn rác, các bạn sẽ hiểu được vì sao lại có những người yêu công việc này đến vậy, sẽ biết cảm thông với những công nhân vệ sinh môi trường hay giảm bớt hành vi xả rác", TS Vũ Thu Hương nói.

Bàn về câu chuyện chàng trai Tuấn Mạnh đạp xe xuyên đêm qua quãng đường 150km, vị chuyên gia này cho rằng đó cũng là một trải nghiệm thú vị.

"Vệc đi xa trong đêm có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi khi đi qua những con đường vắng, quan sát cảnh vật về đêm khác với ban ngày ra sao, sẽ thấy được những người nào dậy rất sớm, những người nào làm việc trong đêm…", vị chuyên gia nói.

Khi thực hiện mỗi trải nghiệm, người trẻ cũng sẽ có cơ hội thấy được những điều mình từng đọc qua sách vở, từng học trên ghế nhà trường đôi khi hiện ngay ra trước mắt.

Những trải nghiệm mang tính thử thách còn giúp mỗi người nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó định hướng lựa chọn tương lai một cách đúng đắn. Không những thế, trải nghiệm còn thể hiện khát khao vươn lên, giúp mỗi người trẻ khám phá giới hạn của bản thân, làm mới chính mình.

 Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương cho rằng, mỗi người cần cân nhắc về ý nghĩa của trải nghiệm, đánh giá xem trải nghiệm đó có cần thiết cho mình hay cho ai đó hay không. Ngoài ra, cũng phải xem xét đến tính an toàn của trải nghiệm. Nếu đó là những hành động, việc làm tiềm ẩn nguy hiểm, gây ra những hệ lụy tới sức khỏe thì cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến bản thân và gia đình.

"Một yếu tố quan trọng khác cần chú ý đó là các trải nghiệm không được vi phạm pháp luật. Người trẻ tuyệt đối không được tham gia các thử thách, hành động ngông cuồng, hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục", TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

 

 

Tuệ Minh và Phạm Hồng Hạnh

Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/tranh-cai-chang-trai-dap-xe-150km-tu-ha-noi-ve-que-o-yen-bai-trong-dem-a10262.html