Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX đang diễn ra, cử tri phản ánh từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra một số vụ án mạng do bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng gây ra, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong tháng 10 vừa qua xảy ra 3 vụ việc người mắc bệnh tâm thần gây án mạng, bắt giữ, khống chế người dân ở các huyện Tân Sơn, huyện Hạ Hòa, thành phố Việt Trì khiến 3 người tử vong.
Các đối tượng mắc bệnh trước đó đều được chăm sóc, theo dõi sức khỏe, cấp thuốc hàng tháng tại địa phương, nhưng không được phát hiện, đánh giá nguy cơ phát bệnh dẫn tới hậu quả đau lòng.
Cử tri Phú Thọ đề nghị giải pháp quản lý, điều trị bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tại cộng đồng và công tác tuyên truyền, vận động đưa người mắc bệnh đi điều trị tại các cơ sở y tế.
Trả lời việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc cho biết toàn tỉnh đang có 3.556 người bệnh tâm thần được quản lý.
Theo quy định, người bệnh tâm thần khi mới được phát hiện hoặc bị tái phát sẽ được vào điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần. Sau khi điều trị ổn định ra viện sẽ được cấp sổ điều trị ngoại trú và hẹn tái khám sau 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng tùy từng trường hợp bệnh.
Hồ sơ bệnh án ngoại trú được Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ bàn giao về trung tâm y tế các huyện, thành phố và y tế tuyến xã để quản lý, theo dõi và tiếp tục cấp thuốc điều trị miễn phí cho người bệnh tại cộng đồng.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nêu một số khó khăn có thể dẫn tới người bệnh tâm thần đang được quản lý, điều trị song vẫn tái phát bệnh, như: Sự thiếu quan tâm và phối hợp quản lý thuốc không đúng của người nhà dẫn đến việc người bệnh không uống thuốc đều hoặc uống thuốc cách ngày; địa bàn của tỉnh rộng, nhiều trường hợp cư trú tại địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, trong khi cán bộ y tế lĩnh vực tâm thần còn ít.
Bên cạnh đó, theo ông Ngọc, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, nhất là tuyến xã, còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ chuyên khoa tâm thần, phải kiêm nhiệm nhiều việc. Kiến thức, hiểu biết của đội ngũ nhân viên y tế khu, thôn bản về lĩnh vực sức khỏe tâm thần rất hạn chế.
Điều đó khiến một số người bệnh đang điều trị tại cộng đồng bị tái phát bệnh nhưng chậm được phát hiện, theo lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.
Hơn nữa, trong thực tiễn lâm sàng, các rối loạn tâm thần thường có xu hướng tiến triển mãn tính, người bệnh sử dụng thuốc sau một vài năm sẽ dẫn tới giảm thiểu hiệu quả điều trị của thuốc, khi đó bệnh sẽ tái phát…
Để khắc phục thực trạng đó, ông Ngọc nói thời gian tới cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh truyền thông, tập huấn về sức khỏe tâm thần tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm, kịp thời đưa người mới mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh tâm thần đến cơ sở y tế để được khám bệnh, chẩn đoán và điều trị theo phác đồ.
Hoạt động khám sàng lọc cũng được tăng cường bên cạnh việc quản lý, theo dõi điều trị và phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng đối với người bệnh tâm thần.
Phú Thọ sẽ tổ chức tập huấn bổ sung kiến thức về các rối loạn sức khỏe tâm thần cho người nhà người bệnh trong quản lý, chăm sóc và sử dụng thuốc tại gia đình, phát hiện sớm các triệu chứng tái phát bệnh để đưa người bệnh vào lại cơ sở y tế điều trị.
Thế Kha
Link nội dung: https://nguoitaybac.vn/cu-tri-lo-nguoi-benh-tam-than-gay-an-mang-lanh-dao-phu-tho-neu-giai-phap-a10144.html